Năm 1938, người đứng đầu Cục Dân tộc học của Mỹ Matthew Stirling được giao trọng trách nghiên cứu một vài di chỉ khảo cổ. Trong đó có Tres Zapota một địa điểm được đánh giá là chứa nhiều dấu vết người tiền sử.
Cuộc tìm kiếm còn có sự giúp đỡ của William Duncan Strong, người đứng đầu bộ phận Nhân chủng học Đại học Columbia và Clarence Wolsey Weiant, một nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án tiến sĩ về vùng đất bí ẩn này.
Trong suốt 4 tháng thực hiện công cuộc khám phá lịch sử loài người, nhóm các nhà khảo cổ đã gặp vô vàn khó khăn chồng chất. Chẳng hạn như địa hình đầm lầy, mưa liên tục, các loại nhện, rắn và côn trùng "làm phiền".
Tuy nhiên, họ vẫn gặt hái được một vài kết quả nhất định, bao gồm những phiến đá cổ xưa nhất của nền văn minh Trung Mỹ, một bức tượng tôn giáo và 15 tác phẩm điêu khắc chữ U.
Tình cờ, một hôm, Clarence nghe được một câu chuyện do một người địa phương kể lại theo lời của một đoàn thám hiểm vài năm trước đó về một di chỉ bí ẩn trong rừng. Anh dẫn đoàn thám hiểm tìm đến vị trí được chỉ. Họ tiến hành đào một cái rãnh sâu và phát hiện ra một bức tượng đầu người khổng lồ cao 1,8m. Pho tượng đầu người khổng lồ nằm ngửa mặt lên trời trông như tượng Phật. Điều đáng ngạc nhiên là các đường nét trên mặt bức tượng đều rất rõ ràng, uyển chuyển đầy tinh tế.
Vậy là những câu hỏi lớn đặt ra: Ai đã làm nên bức tượng khổng lồ này và nó có niên đại bao nhiêu? Tượng trưng cho nhân vật nào trong lịch sử?
Tiếp sau đó, họ tìm thêm được 16 tượng đầu khổng lồ nữa tại 4 địa điểm là Tres Zapota (2 chiếc), Rancho la Cobata (1 chiếc), La Venta (4 chiếc) và San Lorenzo (10 chiếc).
Sau quá trình tìm hiểu nghiên cứu, các nhà khảo cổ học xác định đó là những bức tượng do người Olmec tạo ra và đặt tên là chiếc đầu Cabeza Colosal.
Olmec được biết đến là nền văn minh Trung Mỹ đầu tiên tồn tại trong khoảng từ năm 1.400 đến năm 300 trước Công Nguyên. Họ sinh sống chủ yếu tại bờ biển đất thấp của vịnh Mexico, nay là các bang Veracruz và Tabasco của nước này.
Người Olmec đã phát triển một mạng lưới giao thương buôn bán từ thung lũng Mexico ở phía Bắc tới Trung Mỹ ở miền Nam. Mạng lưới này cho phép họ chia sẻ các sáng kiến như văn bản, tục hiến tế người, lịch, các trò chơi bóng kiểu Trung Mỹ và một hệ thống chữ viết gồm các thanh ngang, chấm tròn cùng với nền văn minh của người Maya và Aztec sau này.
Các chuyên gia đã đưa ra 2 giả thuyết chính về các nhân vật chạm khắc trên đầu đá:
- Giả thuyết đầu tiên (phổ biến nhất): Người Olmec khắc tượng các tướng lĩnh vĩ đại của họ trong quân sự.
- Giả thuyết thứ hai: Dựa vào chiếc mũ mà các pho tượng mang trên đầu, người ta cho rằng đây có thể là tượng miêu tả đầu của các cầu thủ bóng đá bị hành quyết thời đó. Được biết, vào thời Trung Mỹ, sau trận bóng, người thua sẽ bị chém đầu.
Dựa theo hình ảnh các bức tượng đã tìm được, các nhà khoa học tìm ra những đặc điểm chung: Đều là nam giới, tuổi từ thanh niên đến trung niên, khuôn mặt to béo, mũi tẹt và rộng, môi dày, trên mắt có gạch ngụ ý nếp quạt.
Mỗi tượng đều đội một loại mũ giống như mũ sắt rất vừa vặn, buộc dây dưới cằm, một số tượng có đôi tai bình thường hay bị nút lại, dấu hiệu để chỉ thân thế là người ưu tú ở Trung Mỹ cổ đại.
Nhìn từ phía trước, tượng đầu thường có dạng hình cầu, nhưng thực tế các pho tượng được tạc dẹt từ trước ra sau, với nhiều phần phía sau không trau chuốt. Không tượng nào có vẻ được sơn phủ.
Những chiếc đầu Olmec được cho là khắc từ đá bazan núi lửa nguyên khối của núi Tuxtlas và có chiều cao dao động từ 1,47m đến 3,4m. Trước khi các khối đá được khắc, chúng được di chuyển về địa điểm khắc từ khoảng cách 300 km. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được cách thức người Olmec di chuyển những khối đá nặng đến cả 20 tấn như vậy.
Theo tính toán, nếu dùng sức người thì cần phải có 1.500 người di chuyển liên tục trong 3-4 tháng mới đưa đá về nơi chạm khắc. Dụng cụ khắc cũng là đồ đá chứ không phải sắt hay đồng nên việc chạm khắc rất tốn thời gian. Tuy nhiên, biểu cảm trên khuôn mặt các bức tượng đều uyển chuyển, sống động đến khó tin.
Nguồn: Tổng hợp