Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã tiếp cận khu vực nằm gần rìa của một sông băng nổi được gọi là Thềm băng George VI ở Nam Cực, nơi có một tảng băng trôi lớn bằng TP Chicago vừa bị tách ra và tìm thấy một loạt sinh vật gây sốc.
Một loài bọt biển kỳ lạ cùng nhiều sinh vật khác - đã biết hoặc chưa từng biết - được chụp lại tại khu vực tảng băng vừa tách ra - Ảnh: VIỆN ĐẠI DƯƠNG SCHMIDT
Theo Science Alert, họ đã điều khiển một robot thăm dò tên SuBastian xuống vùng biển Nam Cực lạnh giá này, nơi "thành phố băng" từng tọa lạc.
Họ tìm thấy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ của các loài chưa từng được biết đến trước đây thuộc nhiều dòng họ như bọt biển, hải quỳ, thủy tức và san hô.
Theo TS Patricia Esquete, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và biển (CESAM) và Khoa Sinh học của Đại học Aveiro (Bồ Đào Nha), sẽ cần nhiều năm mới mô tả hết các loài mới này.
Chưa kể, họ cũng phải nghiên cứu cách mà sự sống có thể tồn tại dưới lớp băng cực dày này, nơi mà trước đó hiếm ai nghĩ sự sống có thể tồn tại.
"Dựa trên kích thước của các loài động vật, các cộng đồng mà chúng tôi quan sát đã tồn tại ở đó trong nhiều thập kỷ, thậm chí có thể là hàng trăm năm" - TS Esquete nói.
Tại khu vực xung quanh, nơi trong quá khứ từng có các tảng băng trôi lớn khác bị gãy rời, các nhà khoa học cũng từng tìm thấy một số loài - kể cả loài mới và loài đã biết - thuộc dòng dõi san hô, cá băng, cua, nhện biển khổng lồ, sứa, bạch tuộc.
"Những phát hiện này cho thấy khi băng trôi di chuyển ra khỏi đáy biển, sự sống mới sẽ nhanh chóng xuất hiện" - các tác giả nhận xẻt.