Phát hiện hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công có niên đại 3.000 năm

Quỳnh Chi, Theo VTV 11:23 28/06/2021
Chia sẻ

Các nhà khảo học đã tìm thấy hài cốt của một người đàn ông tử vong do bị cá mập tấn công cách đây 3.000 năm.

Đây được cho là hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công lâu đời nhất từng được tìm thấy.

Theo kết quả phân tích xương, người đàn ông đã có một cuộc chạm trán với cá mập, một trong những loài động vật săn mồi dưới biển, ở biển nội địa Seto thuộc Nhật Bản. Gần 800 vết thương đã được ghi lại trên bộ xương của anh ta và không có vết thương nào có dấu hiệu đã lành lại, cho thấy cuộc chạm trán diễn ra rất khốc liệt và người đàn ông tử nạn vì những thương tích do cá mập tấn công này.

Bộ xương, được phát hiện tại địa điểm khảo cổ Tsukumo gần biển nội địa Seto, lần đầu tiên được khai quật vào đầu thế kỷ 20, nhưng giải thích về nguyên nhân của các vết thương trên cơ thể của người đàn ông vẫn còn chưa được xác định rõ ràng.

Phát hiện hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công có niên đại 3.000 năm - Ảnh 1.

Sau đó, những mảnh xương khác được phát hiện bởi các nhà khảo cổ Alyssa White và Rick Schults của Đại học Oxford ở Anh.

Các nhà khảo cổ cho biết: "Ban đầu chúng tôi rất bối rối, liệu điều gì có thể gây ra ít nhất 790 vết thương sâu, có răng cưa đối với người đàn ông này. Có rất nhiều vết thương nhưng anh ta được chôn cất tại khu nghĩa trang cộng đồng Tsukumo Shell. Các vết thương nằm chủ yếu ở tay, chân, trước ngực và bụng. Thông qua quá trình phân tích, chúng tôi đã loại trừ khả năng đây là hậu quả xung đột giữa người với người, và những vết thương do thú săn mồi hoặc động vật gây ra dường như thích hợp hơn".

Những vết thương trên hài cốt của người đàn ông (được đặt tên là Tsukumo số 24) gây tò mò vì chúng có cạnh sắc và cong. Do đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy, đây không phải vết thương do các công cụ bằng đá được sử dụng vào thời điểm đó gây ra. Ngoài ra, tay trái và chân phải của người này bị cụt, chân trái đã được đặt lên trên cơ thể theo tư thế lộn ngược lúc chôn cất.

Các vụ cá mập tấn công người hiếm khi được ghi nhận trong hồ sơ khảo cổ, nhưng những vết thương trên cơ thể người đàn ông này dường như không giống với bất kỳ cuộc chạm trán nào với các loài động vật khác. Các nhà khảo cổ đã xin ý kiến tư vấn của nhà sinh vật biển George Burgess thuộc Chương trình Nghiên cứu Cá mập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, cũng như tìm hiểu tài liệu về các cuộc chạm trán với cá mập, qua đó xem xét liệu vết thương của Tsukumo số 24 có trùng khớp với vết thương do cá mập tấn công hay không.

Phát hiện hài cốt của nạn nhân bị cá mập tấn công có niên đại 3.000 năm - Ảnh 2.

Những vết thương ăn sâu vào xương của Tsukumo số 24 (Ảnh: Đại học Kyoto)

Hai nhà khảo cổ học Alyssa White và Rick Schults nhận định: "Với những vết thương này, rõ ràng anh ta là nạn nhân của một vụ cá mập tấn công. Người đàn ông đó có thể đã đi câu cá với những người khác vào thời điểm đó vì thi thể của anh ta đã nhanh chóng được tìm thấy. Dựa trên đặc điểm và sự phân bố của các vết răng, loài tấn công có khả năng cao nhất là cá mập hổ (Galeocerdo cuvier) hoặc cá mập trắng (Carcharodon carcharias)".

Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện các đánh giá cổ sinh học về xương để xác định thời điểm sống, giới tính và người này tử vong vào lúc bao nhiêu tuổi.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, người đàn ông này ở độ tuổi từ thanh niên đến trung niên vào thời điểm tử vong và sống vào khoảng năm 1370 đến 1010 trước Công nguyên. Thi thể của anh ta đã được tìm thấy ngay sau cuộc chạm trán với cá mập và được chôn trong nghĩa trang của người dân bản địa.

Cuộc chạm trán với cá mập có vẻ khốc liệt và các nhà nghiên cứu tin rằng, người đàn ông đã chết khá nhanh. Với số lượng vết cắn thấu xương trên cơ thể người đàn ông, động mạch đùi của anh ta dường như sớm bị cắn đứt, dẫn đến tử vong nhanh chóng do bị sốc mất máu, xảy ra khi cơ thể mất ít nhất 1/5 lượng máu trong khoảng thời gian ngắn.

Nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về những rủi ro trong cuộc sống săn bắn, hái lượm của người tiền sử. Nghiên cứu trên đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày