Sự việc xảy ra vào ngày 29 tháng 11 năm 1980, tại công trường xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở phía nam thành phố Cao An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Theo Sina, khi những công nhân ở đây đang làm việc thì vô tình đào trúng một hố đen rất lớn, không thể nhìn thấy đáy. Chỉ đến khi có người mang đèn pin ra chiếu thẳng xuống hố, họ mới phát hiện ra ở phía dưới có rất nhiều "vật thể lạ" có màu trắng xanh với những hình dáng khác nhau, bị bùn đất vùi lấp. Khi chúng được đưa lên khỏi mặt đất, mọi người có mặt tại hiện trường đều không giấu được sự ngỡ ngàng.
Theo các công nhân tại hiện trường, chúng là những chiếc bình, cái bát, cái đĩa.....đều được làm bằng gốm sứ, có chất lượng tốt, tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo. Vì nghi ngờ những thứ này có thể là di vật văn hóa, đội công nhân liền báo ngay cho cảnh sát và giám đốc Bảo tàng thành phố Cao An đến để kiểm tra. Hiện trường cũng ngay lập tức được phong tỏa để phục vụ cho việc khai quật.
Sau khi nghiên cứu những "vật thể lạ" trên, 4 chuyên gia được cử đến hiện trường kết luận chúng là những món đồ gốm, sứ vô cùng tinh xảo được đúc từ lò Cảnh Đức Trấn, lò Long Tuyền, lò Quân và lò Từ Châu. Những món đồ gốm này có đặc điểm là nét họa phóng khoáng, nhiều chi tiết được vẽ theo kết cấu tầng tầng, lớp lớp. Chưa hết, lớp men của chúng cũng có màu trắng hơi có ánh xanh, sáng bóng. Có loại sứ còn có màu trắng hẳn hay xanh hẳn, vô cùng độc đáo.
Theo thống kê, có tổng cộng 239 món đồ sứ đã được tìm thấy. Trong đó, giá trị nhất là 19 món đồ sứ trắng xanh tinh xảo được làm vào thời nhà Nguyên ở Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết trên thế giới có không quá 300 món đồ sứ trắng xanh được chế tác từ thời Nguyên. Và, 19 món đồ sứ này được tìm thấy trong lần khai quật này đều nằm trong số đó.
Không những thế, khi nghiên cứu sâu về những món đồ sứ này, các chuyên gia còn tìm ra chủ nhân của chúng là nhà họ Ngô - một gia tộc lớn thời nhà Nguyên. Họ phỏng đoán rằng do chiến tranh loạn lạc, gia tộc này phải di tản tới vùng đất khác. Tuy nhiên, vì không thể đem theo số đồ sứ này nên họ đã chôn tất cả xuống dưới lòng đất. Mãi đến hơn 700 năm sau, chúng mới được đội công nhân ở thành phố Cao An tìm thấy.
Các chuyên gia ước tính vào thời điểm đó, giá trị của mỗi món đồ sộ này là hơn 100 triệu NDT (hơn 348 tỷ đồng). Điều đó có nghĩa là với tổng số 239 món đồ sứ được tìm thấy, tổng giá trị của chúng không dưới 10 tỷ NDT (34.000 tỷ đồng). Sau hoàn thành việc nghiên cứu, các chuyên gia đã gửi số đồ sứ này đến Bảo tàng thành phố Cai An để trưng bày và bảo vệ.
Gốm sứ vốn là một trong những phát minh quan trọng của người Trung Quốc. Trải qua nhiều thời đại, cùng với những thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Trung Quốc không ngừng chuyển mình, thay đổi và phát triển vươn lên đỉnh cao, để từ đó cho ra những dòng gốm và sản phẩm gốm sứ ấn tượng, đặc sắc. Không chỉ mang giá trị lịch sử quan trọng, đồ gốm sứ còn là "bảo vật" thiêng liêng đại diện cho văn hóa truyền thống rực rỡ của đất nước tỷ dân. Do đó, việc tìm thấy số đồ gốm sứ thời Nguyên này vô cùng có ý nghĩa đối với cộng đồng khảo cổ Trung Quốc nói riêng và văn hóa - lịch sử Trung Quốc nói chung, góp phần lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa cổ xưa.
Theo Sina