Tàu biển bị sóng thần đưa lên cạn. Ảnh: BBC
Ngày 28/9, những con sóng lớn hung hãn đổ vào bờ biển tỉnh Sulawesi sau một trận động đất mạnh 7,8 độ richter. Các nhà nghiên cứu tại thời điểm đó đã bày tỏ sự bất ngờ đối với kích thước của các con sóng thảm họa.
Hãng BBC đưa tin cuộc khảo sát mới đây tại khu vực vịnh bên ngoài Sulawesi đã phát hiện một vết tích kinh ngạc trên bề mặt đáy biển. Vết lún này nhiều khả năng do sự chuyển động đột ngột của nước biển gây ra.
Động đất chính là các hoạt động địa chất gia tăng khi các phần khác nhau của vết nứt vỏ Trái đất đứt gãy và xê dịch. Thông thường, đó không phải là dạng động đất có thể kèm theo sóng thần quy mô lớn. Tuy nhiên, đây lại là điều đã xảy ra vào buổi tối 28/9. Giới chuyên gia quan sát thấy hai đợt sóng lớn, trận thứ hai lớn hơn và tấn công sâu 400 m vào đất liền.
Ông Udrekh Al Hanif làm việc tại Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ Indonesia phát biểu tại phiên họp của Hội Địa vật lý Mỹ cho biết nguồn phát sinh sóng thần phải hình thành ở rất gần thành phố bởi vì khoảng thời gian xảy ra động đất dẫn đến sóng thần dâng cao chỉ chưa đầy ba phút.
Ông Hanif cùng các đồng nghiệp đã tìm kiếm câu trả lời thông qua bản đồ đo độ sâu của vùng vịnh bên ngoài Palu. Nhóm của ông vẫn đang tập trung phân tích dữ liệu, song những thông tin ban đầu phát hiện bề mặt đáy vịnh đã bị sụt xuống trong động đất. Theo họ, yếu tố trên kết hợp với một chuyển động đột ngột của vỏ Trái đất ở hướng Bắc chắc chắn là nguyên nhân gây ra sóng thần.
Liệu hai yếu tố trên đã đủ để giải thích về kích cỡ của thảm họa sóng thần tấn công Palu hay chưa thì vẫn cần phải nghiên cứu kỹ hơn.
Trong ngày đen tối đó, mặt đất tại nhiều khu vực ở Palu bỗng nhiên hóa lỏng, trôi tuột đi. Ông Hermann Fritz, chuyên gia tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) nhận định thảm họa xảy đến với thành phố Palu chính là một thách thức đối với toàn bộ người dân Indonesia.
“Trận sóng thần xảy đến rất nhanh, chỉ trong ít phút”, ông Fritz nhấn mạnh, “Về cơ bản không đủ thời gian để phát cảnh báo. Điều này khác với Nhật Bản (năm 2011) khi vẫn còn một khoảng thời gian hơn 30 phút cho đến lúc người dân đầu tiên thiệt mạng. Đó chính là thử thách của các cơn sóng thần ở đây: người dân phải tự sơ tán”.
Video "đất hóa lỏng" làm biến dạng cả một vùng Indonesia (nguồn: Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia):
Thủ phủ Palu của tỉnh Sulawesi là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thảm họa kép. Bộ trưởng Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia Basuki Hadimuljono cho biết sau ba thảm họa động đất, sóng thần và đất hóa lỏng đã không còn cơ hội xây dựng lại thành phố Palu trên nền đất cũ. Thành phố này đã bị phá hủy và biến đổi hoàn toàn, vì vậy cần phải xây dựng một thành phố mới.
Tổng chi phí cần thiết để xây dựng thành phố mới chưa được chính thức công bố nhưng Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở ước tính sẽ lên tới khoảng 4.000 tỷ rupiah (tương đương gần 300 tỷ USD). Hình ảnh vệ tinh cho thấy thảm họa động đất và sóng thần tấn công các khu vực ở miền Trung Sulawesi đã phá hủy ít nhất 5.146 công trình và nhà cửa.