Từng đàn châu chấu di chuyển từ Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực Mường Nhé, Điện Biên.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia dẫn thông tin báo cáo từ Bộ tham mưu Quân khu 2 cho biết, từ ngày 20/7, trên địa bàn 4 bản: Bú Nhù Khó, Tá Miếu, Tả Gó Ky và A Pa Chải, xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) phát hiện châu chấu bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang phá hoại rừng tre, nứa, hoa màu tại địa phương.
Quan sát phát hiện tập tính châu chấu ăn theo đàn, mật độ khoảng 100-200 con/m2, di cư không ổn định. Về thiệt hại, đến chiều qua (23/7), khoảng 40ha rừng tre nứa, 20ha hoa màu (trong đó 5ha hoa màu) thiệt hại 70%.
Để kịp thời ngăn chặn đàn châu chấu gây hại, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công văn đề nghị Bộ tư lệnh Quân khu 2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tỉnh Điện Biên chỉ đạo triển khai công tác ứng phó đàn châu chấu.
Liệu đàn châu chấu trên có phải là châu chấu sa mạc đang gây thiệt hại lớn từ châu Phi, Nam Á?, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, loài châu chấu gây hại ở huyện Mường Nhé không phải là châu chấu sa mạc, đó là châu chấu tre.
Loài châu chấu tre này vẫn xuất hiện hàng năm ở khu vực này và di cư qua lại giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.
Do châu chấu tre di chuyển đều là châu chấu trưởng thành và một số đang ghép đôi nên sẽ tiếp tục bay phân tán, nguy cơ sẽ co cụm và đẻ trứng tại một số khu vực đồi tre, chít tại các địa điểm châu chấu xuất hiện và tiếp tục di thực gây hại các nương ngô trên địa bàn.
Cùng với châu chấu tre, Việt Nam đã lên kịch bản ứng phó với nạn dịch châu chấu sa mạc có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam từ các nước châu Phi, Nam Á, Trung Đông.
Liên quan đến dịch châu chấu tre lưng vàng ở Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 đến hết tháng 5/2020, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu... tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh.
Tổng diện tích nhiễm thời điểm đó là gần 70 ha, trong đó nặng nhất là Điện Biên gần 60 ha. Tại 3 tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, cao 400 - 600 con/m2, thậm chí tại Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2.
Trong báo cáo Thủ tướng về tình hình và kịch bản về phòng chống nguy cơ dịch châu chấu sa mạc xâm nhiễm và dịch châu chấu tre lưng vàng mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục bám sát tình hình phát sinh châu chấu non ở các địa phương để chỉ đạo phòng trừ sớm ngay từ khi châu chấu non mới nở.
Từ tháng 6-7/2020, có khả năng châu chấu trưởng thành từ Lào di trú sang Việt Nam gây hại. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp các địa phương vùng 4 miền núi phía Bắc giám sát châu chấu di cư qua biên giới để phòng trừ sớm ngay khi châu chấu xâm nhập xuống cây trồng nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim,…) để quản lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.