Nguồn tin của VTC News tại Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 25/1, Đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc đơn vị này phối hợp với một số lực lượng khác kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh pháo hoa số 3 tại 54 Nguyễn Văn Thương, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ.
Lực lượng chức năng phát hiện Phạm Văn Khánh (sinh năm 1980, trú tổ 10, phường Phú Bài), người có ký hợp đồng với chủ cửa hàng trên, có hành vi buôn bán và tàng trữ 21 giàn pháo hoa các loại, tổng trọng lượng khoảng 17kg, không có hoá đơn chứng từ. Số pháo hoa này nghi là giả mạo pháo hoa của Bộ quốc phòng.
Khánh cùng số pháo hoa nghi làm giả pháo hoa của Bộ Quốc phòng và không có hoá đơn, chứng từ. (Ảnh: NTCC)
Ngoài ra, lực lượng công an phát hiện 18 giàn pháo hoa thuộc diện phải thu hồi về nhà máy nhưng vẫn đang được bày bán tại cửa hàng nói trên.
Làm việc với công an, Phạm Văn Khánh khai việc mua số pháo này từ Hà Nội về bán, không có hoá đơn chứng từ. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Thừa Thiên - Huế đang tạm giữ số pháo trên để giám định và xử lý.
Đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị khác phá đường dây cho vay lãi nặng với số tiền cho vay lên đến 35 tỷ đồng; bắt giữ 2 người có liên quan.
Hai người bị bắt giữ là Lương Hoàng Nhật Nam (được xác định là kẻ cầm đầu, sinh năm 1996, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế) và Huỳnh Văn Trường Phát (sinh năm 1996, trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế).
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2020, Nam và Phát đăng quảng cáo hoạt động cho vay trên mạng xã hội Facebook với nội dung: Lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không cần thẩm định, vay với hạn mức tối đa, hỗ trợ nợ xấu… với tiền lãi từ 3.000đ - 11.500 đồng cho 1 triệu đồng mỗi ngày, tức lãi suất từ 109.5%/năm đến 419.75%/năm.
Nam và Phát sử dụng phần mềm Mecash để quản lý các hợp đồng cho vay tiền cũng như tính toán lãi suất, nhắc nợ; chia nhỏ lãi suất vay bằng 2 hợp đồng và phân chia tiền lãi thành nhiều khoản phí tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Nếu đến hạn mà khách hàng chưa trả kịp, Nam và Phát thuê người đe dọa, theo dõi vị trí xe và đến tận nhà để siết xe, đòi nợ. Từ năm 2020 đến thời điểm bị bắt giữ, 2 kẻ này lập hơn 2.000 hợp đồng với số tiền cho vay lên đến 35 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 7 tỷ đồng.
Tại hai địa điểm mà Nam và Phát hoạt động cho vay (số 3 tỉnh lộ 10, phường Phú Thượng, TP Huế và 169 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế), công an phát hiện, thu giữ 1 ô tô, 39 máy tính, điện thoại, camera các loại, nhiều tài khoản ngân hàng, thẻ sim, 2 thùng thiết bị định vị cùng một số tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay.