Phát hiện chân của vận động viên leo núi trên đỉnh Everest sau 100 năm

Chi Chi, Theo Đời sống pháp luật 00:06 13/10/2024
Chia sẻ

Phát hiện mới này đã giải đáp được phần nào bí ẩn thế kỷ trong giới leo núi.

Vào tháng trước, một nhóm leo núi kết hợp quay phim đã phát hiện ra một bàn chân được bọc trong một chiếc ủng leo núi và một chiếc tất - trên đó có khâu một nhãn ghi rõ là của Andrew “Sandy” Irvine. Phát hiện này ngay lập tức gây chấn động trong cộng đồng leo núi, bởi nó có thể là mảnh ghép còn thiếu trong câu chuyện về chuyến thám hiểm định mệnh của Irvine và George Mallory vào năm 1924.

Phát hiện chân của vận động viên leo núi trên đỉnh Everest sau 100 năm- Ảnh 1.

Phát hiện chân của vận động viên leo núi trên đỉnh Everest sau 100 năm- Ảnh 2.

Chia sẻ với National Geographic, Jimmy Chin - nhà leo núi kiêm đạo diễn phim cho biết: "Tôi nhấc chiếc tất lên và nhìn thấy một nhãn màu đỏ có ghi 'AC Irvine'. Tất cả chúng tôi như phát điên, chạy vòng vòng và không ngừng thốt lên."

Irvine (khi đó 22 tuổi) và Mallory là thành viên của một đoàn thám hiểm người Anh chinh phục đỉnh Everest theo sườn núi phía đông bắc. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy họ là vào ngày 8/6/1924 khi họ đang cố gắng chinh phục đỉnh núi. Cả hai đã không bao giờ trở về, để lại một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử leo núi: liệu họ có tử nạn sau khi đã lên đến đỉnh núi như những gì các thành viên trong đoàn thám hiểm tin tưởng? Nếu đúng, đây sẽ là những người đầu tiên có thể chinh phục thành công “nóc nhà thế giới”. 

Phát hiện chân của vận động viên leo núi trên đỉnh Everest sau 100 năm- Ảnh 3.

Irvine và George Mallory được cho là đã thiệt mạng ở Everest nhưng không rõ liệu 2 người đã lập kỷ lục chinh phục đỉnh núi hay chưa

Phải đến 29 năm sau, vào năm 1953, Edmund Hillary và Tenzing Norgay mới chính thức được công nhận là những người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest. Tuy nhiên, câu chuyện về Mallory và Irvine vẫn luôn là một dấu hỏi lớn, thôi thúc các thế hệ nhà leo núi sau này tìm kiếm lời giải đáp.

Năm 1999, thi thể của Mallory được tìm thấy với những vết dây thừng sâu có thể là dấu hiệu của một cú ngã, phần nào hé lộ về nguyên nhân cái chết của ông. Tuy nhiên, bức ảnh vợ của Mallory mà ông dự định để lại trên đỉnh núi đã không được tìm thấy, khiến nhiều người tin rằng họ có thể đã đạt được mục tiêu của mình, trở thành những người đầu tiên trên thế giới chinh phục được đỉnh Everest. Hy vọng được đặt vào chiếc máy ảnh Kodak mà Irvine mang theo, nhưng cả nó lẫn phần còn lại của thi thể ông đều bặt vô âm tín.

Bàn chân được tìm thấy trên một dòng sông băng bên dưới sườn núi phía bắc Everest, ở độ cao thấp hơn so với nơi tìm thấy thi thể của Mallory. Hiện vật này đang được lưu giữ bởi Hiệp hội Leo núi Tây Tạng Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy phép leo núi ở sườn phía bắc Everest.

Julie Summers - cháu gái của Irvine và cũng là người viết tiểu sử của ông, chia sẻ: "Tôi đã sống với câu chuyện này từ khi 7 tuổi, khi cha tôi kể về bí ẩn về chú Sandy trên đỉnh Everest. Câu chuyện trở nên chân thực hơn khi các nhà leo núi tìm thấy thi thể của George Mallory vào năm 1999, và tôi tự hỏi liệu thi thể của Sandy có được phát hiện tiếp theo hay không. Một phần tư thế kỷ sau khám phá đó, dường như không có khả năng tìm thấy điều gì mới. Khi Jimmy nói với tôi rằng anh ấy nhìn thấy cái tên AC Irvine trên nhãn trên chiếc tất bên trong chiếc ủng, tôi đã xúc động rơi nước mắt. Đó là và sẽ vẫn là một khoảnh khắc phi thường và chua xót."

Giáo sư Joe Smith, giám đốc Hiệp hội Địa lý Hoàng gia, nhận định về phát hiện này: "Sandy là một nhân vật xuất chúng và có đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết của chúng ta về Everest và dãy Himalaya. Việc phát hiện ra hài cốt của ông ấy giúp khép lại ký ức cho người thân của ông ấy và cộng đồng leo núi nói chung."

Chin cho biết thêm: "Đây là bằng chứng thực sự đầu tiên về nơi Sandy kết thúc cuộc đời. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra… Khi ai đó biến mất và không có bằng chứng nào về việc chuyện gì đã xảy ra với họ, thì điều đó thực sự có thể là một thử thách đối với gia đình. Và thông tin về nơi Sandy có thể đã bỏ mạng cũng là một manh mối lớn cho cộng đồng leo núi về những gì đã xảy ra."

Nguồn: The Guardian 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày