Một phụ huynh Trung Quốc mới đây chia sẻ tình huống gây chú ý:
"Trường tiểu học nơi con trai tôi theo học có tỷ lệ "chọi" khá cao, giáo viên giỏi. Hiệu trưởng rất có trách nhiệm và luôn gửi tin nhắn riêng cho phụ huynh về những vấn đề của con em mình. Trường cũng sẽ tổ chức một ngày thảo luận sau mỗi học kỳ. Nếu có thắc mắc, các bố mẹ có thể cùng nhau trao đổi.
Có một phụ huynh hỏi, tại sao con tôi học hành chăm chỉ nhưng điểm thi, xếp hạng lại không tăng? Toàn bộ hội trường lúc đó im lặng vì cho rằng câu hỏi này hơi gay gắt.
Nhưng thầy giáo lại thành thật trả lời: "Điểm thi không cao có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, có một hiện tượng mà tôi nhận thấy rất nhiều em mắc phải. Đó là cha mẹ nghĩ con mình chăm chỉ, giỏi giang nhưng sự thật trẻ lại rơi vào nỗ lực ảo. Nỗ lực thực sự không nằm ở việc trẻ dành nhiều thời gian cho việc học mà là tìm ra phương pháp phù hợp".
Nhiều đứa trẻ thường thức khuya học bài. Sau khi tự học buổi tối, trẻ lại tiếp tục học đến 1-2 giờ sáng. Trẻ có thể ngồi liền hàng giờ để học nhưng hiệu quả tập trung không cao. Có thể trẻ chỉ bật đèn ngồi đọc truyện, sử dụng điện thoại hoặc làm những việc không liên quan đến học bài…
Trong đầu trẻ xuất hiện suy nghĩ: "Mình đã rất chăm chỉ học bài. Mình thức đến đêm muộn sẽ học được nhiều kiến thức hơn các bạn khác". Nhưng thực ra, đây chính là kiểu "nỗ lực giả tạo". Bởi dù trẻ kéo dài thời gian học nhưng không tập trung thì hiệu quả cũng rất thấp. Và hậu quả là ngày mai đến lớp, trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, không sẵn sàng tiếp thu bài học mới.
Nhiều học sinh đặc biệt chú ý đến việc ghi chép. Trẻ mua những cuốn vở đẹp, chuẩn bị nhiều bút màu để đánh dấu nội dung chính. Thoáng nhìn có vẻ thấy trẻ ham học, là người cẩn thận. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy cuốn vở của trẻ rất khó đọc, rối rắm bởi có quá nhiều sắc màu.
Nhiều trẻ đòi cha mẹ mua rất nhiều sách hay hay tải tài liệu về máy tính nhưng chẳng bao giờ mở ra học hoặc xem lại. Nhiều em tự đặt mục tiêu cho mình phải đọc sách, làm việc nhà nhưng thay vì bắt tay thực hiện thì bản thân lại dành thời gian để lướt mạng xã hội, đi chơi, xem phim hoặc nhắn tin.
Không ít em cảm thấy sự bất thường khi mọi hoạt động đều trở nên trì trệ và không có mục tiêu nào đề ra được hoàn thành. Trẻ tự trách móc bản thân, suy nghĩ tiêu cực rồi lại rơi vào vòng tròn luẩn quẩn. Cuối cùng, mục tiêu đọc 15 trang sách/ngày, đọc 1 cuốn sách/1 tuần bị rơi vào quên lãng.
Ngược lại, một đứa trẻ là "giỏi thật" thường có các đặc điểm này:
Một người kể: Tôi có một người bạn cùng lớp đã được nhận vào Đại học 211. Anh ấy có ý thức rất cao về mục tiêu. Anh ấy đã xác định được trường đại học mà mình muốn vào từ năm đầu trung học và dán một bức ảnh về trường đại học đó trên bàn làm việc của mình. Mỗi khi cúi đầu buồn ngủ, anh ấy sẽ lập tức vui lên khi nhìn thấy bức ảnh trường đại học yêu thích của mình trên bàn.
Theo lời anh, bức ảnh này chính là mục tiêu, động lực học tập và định hướng nỗ lực của anh. Tục ngữ có câu: Người không có đầu không thể đi, chim không có đầu không thể bay! Nếu một học sinh không có mục tiêu học tập rõ ràng thì giống như con tàu ra khơi mà không có phương hướng, điều đó thật đáng sợ!
Bạn có biết Florence Chadwick không? Cô là người phụ nữ đầu tiên vượt eo biển Anh thành công. Sau đó, cô muốn băng qua bãi biển California một lần nữa, nhưng hôm đó biển đầy sương mù dày đặc và nước lạnh cóng. Sau khi bơi suốt 16 giờ, cô đã rất mệt mỏi nhìn lên phía xa, không có gì ngoài sương mù rộng lớn.
Lúc này, tâm lý gợi ý mà cô đưa ra cho mình chính là cô vẫn chưa nhìn thấy bờ biển, lần này có lẽ cô không thể thành công. Với một gợi ý như vậy, cơ thể cô lập tức mềm nhũn, và cô thậm chí còn không còn sức để chèo nữa. "Hãy kéo tôi lên," cô nói với những người khác; " Hãy đợi thêm một chút nữa, chỉ còn một dặm nữa thôi ", những người trên thuyền động viên cô.
"Đừng lừa tôi, tôi thậm chí còn không nhìn thấy bờ, chắc phải hơn một dặm, kéo tôi lên đi," cô nói. Cuối cùng, khi nhân viên kéo cô lên thuyền, cô phát hiện ra rằng những người trên thuyền không hề nói dối cô, quả thực chỉ cách đó một dặm.
Sau này có người đã phỏng vấn cô: Tại sao cô không thể kiên trì thêm một thời gian nữa? Cô tức giận nói: " Nguyên nhân chính là trong mắt tôi không có mục tiêu, nếu không nhìn thấy mục tiêu thì tôi không có phương hướng và động lực".
Thực ra, việc học cũng giống như khi chúng ta ra ngoài đi dạo, dù đi làm hay đi học thì chúng ta cũng phải có đích đến.
Nhiều trẻ em ngày nay không có mục tiêu học tập. Các em thụ động đến lớp, nghe giảng, học xong và làm bài tập về nhà hàng ngày. Dù có thể nhìn thì chăm chỉ, nhưng thực sự việc này không duy trì lâu, không mang lại hiệu quả.
Bạn sẽ thấy rằng những học giả hàng đầu đó đều có mục tiêu và tập trung vào mọi việc họ làm. Họ càng tập trung thì hiệu quả học tập sẽ càng cao và càng dễ đạt được kết quả tốt. Khi đạt được kết quả tốt, họ sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu của mình.
Có rất nhiều phụ huynh "ép" con em mình học tập liên tục, điều này sẽ tạo ra sự mệt mỏi, áp lực quá giới hạn. Cần cho các em có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những quãng thời gian học tập căng thẳng trên lớp, lúc đó dù học ít nhưng hiệu quả nhận được lại nhiều hơn.
Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ cách vạch ra những thứ quan trọng, không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi làm bài tập về nhà, trẻ cần lưu ý những điều sau: Có bao nhiêu bài dễ hiểu và khó hiểu; Bài tập nào tốn nhiều thời gian và bài tập nào tốn ít thời gian; Bài tập nào có thể tự làm và bài tập nào cần sự giúp đỡ.
Nhờ đó, trẻ sẽ xử lý những bài dễ rất nhanh, biết cần tìm thêm thông tin cho bài nào và để dành bài nào để hỏi bố mẹ sau cùng. Thói quen này cũng giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn trong giờ kiểm tra. Đồng thời, cha mẹ nên cùng con đặt mục tiêu học tập. Mục tiêu không cần lớn, từng bước một. Trước tiên lấy kết quả bài kiểm tra làm mục tiêu, phân tích kết quả đạt được để đặt đích đến tiếp theo. Có thể đưa ra một số phần thưởng thích hợp để cổ vũ cho các em.
Một chuyên gia trong lĩnh vực sắp xếp nhà cửa kể rằng, khi cô tới nhà một khách hàng đã vô cùng ngạc nhiên trước căn phòng của đứa trẻ có hàng đống sách và đồ chơi khắp mọi nơi. Quần áo bày bừa, mùi của căn phòng thật khó chịu. Mẹ đứa trẻ phàn nàn: "Nó phải học cả ngày".
Trong một căn phòng giống như nhà kho, làm sao một đứa trẻ có thể chuyên tâm học tập?
Dưới sự khuyến khích của chuyên gia, những đứa trẻ trong nhà này tham gia vào dọn rác, sắp xếp lại căn phòng. Sau vài giờ, phòng sạch sẽ và gọn gàng. Đứa trẻ ngồi vào bàn học với sự hồ hởi và đọc sách mà quên mất sự tồn tại của người xung quanh. Chỉ cần dọn dẹp, con trẻ tự nhiên đã tập trung vào việc học.
Một khảo sát của Đại học Harvard cho thấy trẻ em có bàn làm việc gọn gàng, sạch sẽ thường có điểm tốt, tính cách vui vẻ, tập trung. Ngược lại, những đứa trẻ sinh hoạt lộn xộn, vứt đồ bừa bãi, thì thường hay lề mề, lười nhác, điểm số cũng nhàng nhàng.
Không nên coi nhẹ tác dụng của việc để trẻ tự sắp xếp không gian sinh hoạt của chúng. Thông qua việc này có thể rèn năng lực quan sát, khả năng tự lập, khả năng tự quản lý của trẻ, cũng như giúp tự điều chỉnh cảm xúc. Xa hơn, giúp trẻ tự hoạch định học tập, cũng như cuộc đời mình.
Một khảo sát cho thấy, đứa trẻ thích đọc sách sẽ có thành tích học tập bình quân cao hơn nhiều so với những trẻ không chịu đọc, 80% những người thi đỗ với điểm cao nhất đều là những người thích đọc sách.
Những đứa trẻ sớm kết bạn được với sách trong đời thì sẽ có nội tâm giàu có, suy nghĩ sâu sắc, ít có khả năng rơi vào nhận thức thiên kiến, mù quáng. Đọc sách không chỉ là một thói quen tốt, mà còn cho đứa trẻ một trái tim biết rung cảm trước mọi nhịp điệu cuộc sống, đào sâu kiến thức để hiểu vấn đề kỹ càng hơn.