PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bài học từ nước Mỹ giãn cách xã hội mang lại lợi ích 5.300 tỷ đô la so với không giãn cách

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 20:27 09/05/2021

Virus SARS-CoV-2 đã "chọc thủng" vào điểm yếu nhất của hệ thống phòng dịch. Đặc biệt lần này dịch bùng phát ngay tại bệnh viện đầu ngành trong cuộc chiến với Covid-19 là Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, rồi Bệnh viện K.

Sự chủ quan là mối hiểm hoạ

Trong vòng 10 ngày qua Việt Nam đã ghi nhận 256 ca bệnh Covid-19 tại 5 ổ dịch, lan ra 14 tỉnh thành với những nguồn lây nhiễm đa dạng và các chủng vi rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh từ Anh và từ Ấn Độ. Tin tức về diễn biến dịch, ca bệnh tăng lên được cập nhật từng giờ.

Việc bùng phát dịch lần này này cũng đã được các chuyên gia dự báo từ trước, khi mà các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á đang vật lộn với đợt bùng phát dịch mới.

Ấn Độ hàng ngày vẫn ghi nhận đều đều từ 300.000 đến nửa triệu ca và trên 4.000 ca tử vong, thậm chí con số đó thực tế còn gấp nhiều lần. Tiếp đến Thái Lan, Philippine, Indosnesia, Malaysia, Campuchia và Lào cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh.

Việt Nam chúng ta cùng nằm trong một khu vực với điều kiện khí hậu và địa lý cũng như mức sống gần giống với những nước kể trên, việc bùng phát dịch là điều không thể tránh khỏi khi mà việc đi lại, giao lưu chính thức cũng như không chính thức, bất hợp pháp diễn ra thường xuyên.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bài học từ nước Mỹ giãn cách xã hội mang lại lợi ích 5.300 tỷ đô la so với không giãn cách - Ảnh 1.

Chúng ta tập trung vào khu vực biên giới, khu vực nhập cảnh đường bộ, đường không, đường thủy để kiểm soát và đã làm rất tốt việc này.

Tuy nhiên trong nước thì nhiều người đã chủ quan, tin tưởng vào hệ thống phòng thủ chống dịch của Việt Nam đã chắc chắn để dịch không vào được nên cùng nhau tụ tập, tổ chức lễ hội, liên hoan, đi du lịch mà không thực hiện khuyến cáo 5K.

Kể cả một số cơ sở y tế cũng lơ là, mất cảnh giác, cẩu thả trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, hoạt động xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2.

Chính quyền địa phương nhiều nơi cũng không thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch của Chính phủ. Và hậu quả tất yếu là dịch bệnh đã bùng phát trở lại ngay trước ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Vi-rút SARS-CoV-2 biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ và biến chủng B.1.1.7 từ Anh cùng đồng loạt tấn công vào cộng đồng ở Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.

Đặc biệt, lần này dịch bùng phát ngay tại bệnh viện đầu ngành trong cuộc chiến với Covid-19 là Bệnh Viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, rồi Bệnh viện K. Hai tuyến đầu chống dịch là khu cách ly và các bệnh viện nơi mà chúng ta tin tưởng là nơi thực hiện 5K tốt nhất đã bị vi-rút chọc thủng.

Sau các đợt dịch bùng phát tại Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện của Thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế đã có rất nhiều công văn, chỉ đạo, thanh kiểm tra, ban hành các tiêu chí về an toàn bệnh viện nhưng vẫn không ngăn được vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập.

Chắc sắp tới đây công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bệnh viện vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng thiết nghĩ chừng nào còn cho người nhà, người ngoài vào bệnh viện trong tình trạng đại dịch hiện nay thì còn bùng phát dịch trong bệnh viện.

Đợt dịch này phức tạp và nguy hiểm hơn những đợt trước cả về quy mô và bản chất của vi rút. Dịch bùng phát nhiều nơi, có nơi chưa rõ nguồn gốc F0, hàng ngàn người F1 đã và đang di chuyển trong cộng đồng rất khó truy vết, cách ly và xét nghiệm.

Đặc biệt, khi dịch lan vào các bệnh viện đầu ngành tại thủ đô rồi phong tỏa bệnh viện thì mức độ nguy hiểm không riêng về góc độ dịch mà còn cả những vấn đề khác như nhiều bệnh nhân nặng sẽ mất cơ hội chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Có nhiều bệnh nhân ung thư cần được nhập viện để điều trị theo phác đồ mà tuyến dưới chưa đáp ứng được về thuốc men, kỹ thuật điều trị. Có những bệnh nhân cần được chuyển viện chuyên khoa để can thiệp chuyên môn sâu. Tất cả những hoạt động đó đều bị ảnh hưởng và để lại hậu quả nhất định.

Lần này việc chống dịch càng khó khăn gấp bội so với những đợt trước. Lần này dịch bùng phát nhiều nơi, lan ra nhiều tỉnh thành với hàng chục ngàn F1, F2, F3 rất khó truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Bài học từ nước Mỹ giãn cách xã hội mang lại lợi ích 5.300 tỷ đô la so với không giãn cách - Ảnh 2.

Nhiều người đã bị nhiễm vi rút nhưng không có triệu chứng có thể đang đi lại trong cộng đồng như những người bình thường.

Họ đi xe khách, đi máy bay, đi thang máy, sử dụng các phương tiện công cộng và họ đến nhà máy, công sở, khu chung cư là những nơi nhà kín, điều hòa nhiệt độ, thông thoáng khí kém. Thêm vào đó, lần này, các biến chủng vi rút mới, đặc biệt biến chủng Ấn Độ lây lan nhanh hơn nhiều, gây tử vong cao hơn và có khả năng lẩn tránh kháng thể do tiêm vác xin tạo ra. Khi có nhiều người trong cộng đồng bị nhiễm bệnh thì vi rút càng tiến hóa nhanh hơn, biến chủng nhiều hơn và gây ra những tác hại khó lường.

Khi có nhiều người nhiễm vi rút, chắc chắn sẽ xuất hiện những ca bệnh nặng ở những đối tượng có bệnh nền, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém... Nhu cầu điều trị sẽ tăng vọt. Chúng ta sẽ phải huy động nhân lực để điều trị, chăm sóc bệnh nhân, huy động máy thở, ô xy, thuốc men phục vụ các ca bệnh nặng. Tình trạng hiện nay ở Ấn Độ, Nepal là những bài học đắt giá

Giãn cách xã hội sẽ giúp chiến thắng con vi rút SARS-CoV-2 xảo quyệt và tàn bạo

Việt Nam hiện nay đang đứng trước một thách thức rất khó khăn, đó là duy trì phát triển kinh tế và phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu phong tỏa toàn tỉnh, toàn thành phố và giãn cách xã hội toàn quốc thì thiệt hại kinh tế là rất lớn, khó đạt được mức tăng trưởng GDP dự kiến của năm nay.

Nhưng nếu chúng ta để dịch lây lan rộng, kéo dài thì kinh tế còn thiệt hại lớn hơn. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ năm 2020 đã tính toán thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội và không giãn cách xã hội đã phát hiện ra rằng, giãn cách xã hội có lợi hơn là không giãn cách xã hội để dịch lây lan trong cộng đồng. Giãn cách xã hội mang lại lợi ích 5.300 tỷ đô la so với không giãn cách.

Khi dịch bùng phát mạnh, có nhiều người chết, có nhiều người cần điều trị, cần nhiều thuốc men, máy móc, hóa chất, nhân lực thì thiệt hại kinh tế sẽ lớn hơn nhiều. Khả năng vận hành, chống chọi với đại dịch của hệ thống bệnh viện nước ta trong tình trạng dịch bùng phát như ở các nước khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, chúng ta cần có sự tính toán và cân nhắc kỹ càng, thậm chí phải có một hội đồng gồm các chuyên gia kinh tế và y tế cùng ngồi lại thảo luận để tham mưu cho Chính phủ những biện pháp chống dịch phù hợp.

Chúng ta có thể vận dụng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội cục bộ thay vì phong tỏa toàn quốc hay toàn thành phố tùy theo tình hình dịch tễ như chúng ta đã làm trong đợt dịch bùng phát gần đây ở Hải Dương.

Tình hình dịch bệnh hết sức căng thẳng, cuộc chiến càng cam go hơn, đòi hỏi nhiều cố gắng và nỗ lực cũng như sự nhất trí đồng lòng của toàn dân.

Nếu nhà nước và nhân dân cùng quyết tâm truy vết, cách ly, phát hiện, khoanh vùng dập dịch, thực hiện tốt nguyên tắc 5K, tăng cường tiêm vác xin phòng Covid-19 thì nhất định một lần nữa chúng ta lại chiến thắng con vi rút SARS-CoV-2 xảo quyệt và tàn bạo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe Quang Trung, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày