Nhắc tới các cô gái truyền thống tại Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến bóng dáng hiền thục đang chậm rãi bước đi trên con đường phủ đầy cánh hoa anh đào vào mỗi độ xuân sang.
Sự dịu dàng ấy còn được nhiều cuốn sách nổi tiếng ca ngợi hết lời: "Họ luôn mang nét đẹp đằm thắm của phụ nữ châu Á, từ dung nhan phúc hậu cho tới cách cư xử chu đáo với gia đình".
Tuy nhiên, cũng không ít bậc nữ lưu hào kiệt trong lịch sử Nhật Bản đã phá vỡ những khuôn mẫu cứng nhắc về giới tính để trở thành một nữ chiến binh "onna bugeisha" với khả năng sử dụng vũ khí xuất sắc, góp phần dẹp tan bè lũ xâm lược trên mặt trận khốc liệt của dân tộc.
Những người phụ nữ tại Nhật Bản thường được nhắc tới với dáng vẻ dịu dàng như một đóa hoa e lệ.
Cần nhấn mạnh rằng, onna bugeisha (hay Nữ võ nghệ giả) hoàn toàn không liên quan gì tới geisha (hay Nghệ giả) – những cô gái làm công việc múa hát và mua vui cho thiên hạ, mang nhiều nét tương đồng với ả đào trong văn hóa Việt xưa hay ca kỹ trong văn hóa Trung Quốc.
Sử sách ghi chép: "Họ đều sở hữu khả năng dùng vũ khí cùng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, lập nên nhiều thành tích vẻ vang trong lịch sử truyền thống của xứ hoa anh đào".
Họ sẽ đi trên con đường phủ đầy cánh hoa anh đào hồng thắm, đôi khi còn cầm một chiếc ô nhỏ xinh trên tay vào mỗi độ xuân sang.
Ngoài ra, cần phân biệt rõ khái niệm giữa onna bugeisha và nữ samurai. Bởi nữ samurai là danh từ chung để nói về một người phụ nữ từng trưởng thành trong gia đình có truyền thống samurai.
Họ còn được xã hội gắn với vai trò kiểm soát thu chi tài chính nội bộ, hoặc đảm nhiệm công tác bếp núc như bao cô gái bình thường khác. Nét đặc trưng duy nhất nằm ở chỗ, các nữ samurai sẽ được huấn luyện võ thuật ngay từ nhỏ nhằm tự bảo vệ bản thân mỗi khi bị kẻ xấu uy hiếp.
Những "onna bugeisha" thường rất giỏi trong lĩnh vực trận mạc.
Còn onna bugeisha thường chịu sự huấn luyện như một chiến binh chân chính, có thể cầm vũ khí để bảo vệ cộng đồng. Nhưng vào thời bình, họ cũng phải đảm nhiệm công việc nội trợ như bất kỳ người phụ nữ nào khác trong xã hội phong kiến.
Nhà nghiên cứu lịch sử ông Edo Tasima cho biết: "Theo tôi tìm hiểu, nếu nam samurai không thể kiếm được con trai nối dõi thì họ sẽ truyền thụ những kiến thức của mình cho con gái. Đó chính là thế hệ onna bugeisha sau này".
Họ chịu sự huấn luyện như một chiến binh chân chính.
Những nữ chiến binh onna bugeisha đã tồn tại từ rất lâu đời, mà nổi bật nhất là Hoàng hậu Jingū sống vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên với một vài điển tích mang màu sắc truyền thuyết hơn là sự thực.
Quyển Nihon Shoki -日本書紀 có viết: "Hoàng hậu Jingū đeo trên cổ chuỗi vòng ngọc linh thiêng mang khả năng điều khiển sóng dữ ngoài biển cả. Nhờ vậy, vị nữ trung hào kiệt này bèn tiến hành xâm lược bán đảo Triều Tiên và chiếm đoạt thành công nhiều vùng lãnh thổ.
Theo vài lời đồn khác, bà dẫn quân xông vào bán đảo Triều Tiên nhằm trả thù cho cái chết của chồng là Thiên hoàng Chūai giữa lúc đang mang đứa con trai bẻ bỏng. Vậy mà nó vẫn chịu nằm im trong bụng mẹ suốt ba năm, đợi ngày chiến thắng thì mới chào đời".
Tranh vẽ miêu tả lại cảnh xung trận của Hoàng hậu Jingū.
Con trai của Hoàng hậu Jingū sau này trở thành Thiên hoàng Ōjin, người được đạo Shinto truyền thống tôn thờ là thần chiến tranh với tên gọi Hachiman-dai Bosatsu, có nghĩa là Bát Phiên Đại Bồ Tát.
Dẫu không thể xác định về sự tồn tại của Hoàng hậu Jingū hay Thiên hoàng Ōjin, song giới sử học vẫn đồng thuận với quan điểm như sau: Đã từng tồn tại một vương triều do phụ nữ đứng đầu ở trên vùng phía Tây của đất nước Nhật Bản vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên.
Ảnh minh họa về nữ chiến binh Tomoe Gozen.
Nhiều onna bugeisha trong lịch sử còn sở hữu đủ sức mạnh để sử dụng song kiếm. Nếu đạt tới trình độ nhất định, họ có thể được một vị lãnh chúa (daimyō) thu nhận vào quân đội và chiến đấu trong hàng ngũ binh sĩ vốn do các nam samurai chiếm đa số.
Một trường hợp nổi bật được sử sách ghi chép là Tomoe Gozen. Bà đã thay đổi vẻ bề ngoài, từ trang phục của ái thiếp quyền quý sang phong cách giống hệt với những người "đồng nghiệp" khác của mình khi xung trận.
Gozen là một nữ chiến binh sống vào khoảng cuối thế kỷ 12 – đầu thế kỷ 13 và cũng là ái thiếp của vị tướng Minamoto no Yoshinaka thuộc gia tộc Minamoto danh giá.
Trong chiến loạn Genpei mà kết quả dẫn tới sự thành lập chế độ Mạc phủ đầu tiên tại Nhật Bản, bà đã được công nhận như một nữ chiến binh quả cảm và sở hữu sức mạnh rất đỗi phi thường.
Gozen đặc biệt xinh đẹp cùng tài nghệ thuộc hàng xuất chúng.
Dù chưa rõ thực hư thế nào, song các giai thoại về nàng ái thiếp của vị tướng lừng danh vẫn khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
"Gozen đặc biệt xinh đẹp với làn da trắng, mái tóc dài cùng tài nghệ thuộc hàng xuất chúng.
Nàng dương được cung cứng, trên bộ hay trên lưng ngựa đều múa kiếm chọi nổi cả quỷ thần, sức địch nghìn người. Nữ chiến binh kiều diễm còn sẵn sàng mang theo giáp dày và đao to hệt như đại tướng, lần nào cũng lập công lớn", trích cuốn truyện dã sử Heike Monogatari.
Tomoe Gozen chém Uchida Ieyoshi trong trận Awazu.
Ở trận chiến Awazu nơi đánh dấu sự thất bại của Yoshinaka, nữ chiến binh kỳ tài đã dẫn theo nhóm thân binh chỉ bao gồm hơn 300 samurai và trực tiếp đối đầu với một đội quân 2.000 người.
Gozen còn kết liễu thành công hai đối thủ đáng gờm là Honda no Moroshige cùng Uchida Ieyoshi.
Tuy nhiên, nàng vẫn phải mang vài tùy tùng tháo chạy theo mệnh lệnh từ chồng vì hệ thống quân đội vào thời điểm ấy không thể chống chọi nổi với đại quân hùng mạnh từ kẻ địch Minamoto no Yoshitsune nữa.
Dù không ai hay biết về số phận cuối cùng của Gozen, thế nhưng bà vẫn xứng đáng trở thành một biểu tượng anh hùng trong nền văn hóa truyền thống ở xứ hoa anh đào.
Rất nhiều nữ chiến binh được ghi chép một cách rõ ràng trong lịch sử Nhật Bản – bao gồm những cái tên như Hangaku Gozen, Hojo Masako và đặc biệt là Nakano Takeko, người từng tham gia vào cuộc nội chiến Minh Trị Duy tân cuối thế kỷ 19.
Nhiều cuốn sách từng viết: "Nakano Takeko là một người phụ nữ đặc biệt thông minh với kỹ năng chiến đấu thành thạo bằng kích naginata. Bà nổi tiếng với phong cách mạnh mẽ và có thể giết chết đối thủ bằng những chiêu thức đáng kinh ngạc".
Takeko thuộc về thế hệ nữ chiến binh cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản. Ảnh minh họa.
Trong thời kỳ của Takeko, bầu không khí chính trị tại Nhật Bản đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Điều này cũng góp phần khiến bậc nữ nhi bắt đầu xông xáo hơn với việc tập luyện võ thuật và kỹ năng trận mạc.
Nổi tiếng nhờ tài nghệ xuất sắc, bởi vậy mà Takeko nhanh chóng được người lãnh đạo lựa chọn làm thủ lĩnh của cánh quân Jōshitai (Nương tử đội).
Tượng đài bất khuất về nữ chiến binh Nakano Yuko.
Sau khi nhận phát đạn hiểm vào giữa ngực trong trận chiến 1868, nữ tướng Takeko đã yêu cầu em gái ruột là Nakano Yuko chặt đầu của mình nhằm tránh việc thi thể rơi vào tay quân địch.
Yuko đã chấp nhận lời thỉnh cầu từ người chị xấu số. Sau đó, thủ cấp của bà được mang về chôn cất dưới một gốc cây thông nằm ngoài rìa ngôi đền Aizu Bange-machi trên mảnh đất quê hương.