Ông Vũ Trọng Lương. Ảnh: Sở Giáo dục Hà Giang.
Qua điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi của 114 thí sinh tại Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục của tỉnh.
Ông Vũ Trọng Lương là ai?
Theo ghi nhận trên báo Vietnamnet, ông Vũ Trọng Lương (SN 1978, quê quán huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trước khi về công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang. Ông Lương là giáo viên dạy môn Vật Lý.
Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) được đánh giá là một cán bộ có chuyên môn tốt.
Ông này từng phụ trách đội tuyển thi HSG Quốc gia môn Vật lý của trường Chuyên Hà Giang nhiều năm. Sau đó, ông Lương về Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, biên chế tại Phòng THPT.
Năm 2010, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng được thành lập, ông Vũ Trọng Lương được chuyển sang phòng này, giữ chức vụ Phó phòng Khảo thí từ năm 2010 đến nay.
Tại kỳ thi THPT QG năm 2018 tại Hà Giang, ông Lương là Thư ký Hội đồng thi THPT QG năm 2018 của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang.
Trả lời trên báo Tiền phong, ông Vũ Trọng Hiền - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết" "Sáng nay ông Vũ Trọng Lương vẫn đang công tác tại Sở bình thường.
Các CQĐT, cụ thể là bên công an vẫn chưa có kết luận gì về vụ việc nên không ảnh hưởng tới công việc của ông Lương tại Sở. Chưa có án thì làm sao có thể tạm giam, tạm giữ được? Hiện ông Lương đã bị đình chỉ chức danh thư ký tại Hội đồng thi Hà Giang".
Nhà ông Lương mấy ngày nay luôn đóng cửa, không ai ra vào. Ảnh cắt từ clip. Nguồn: VTC News.
Tuy nhiên, khi phóng viên báo này xin gặp ông Lương tại cơ quan cũng như ở nhà riêng đều không được. Người dân xung quanh cho biết, nhà ông Lương đóng cửa, không ai ra vào mấy hôm nay, bình thường vị này cũng là người ít giao tiếp.
Ông Lương "phù phép" điểm số bằng cách nào?
Nhiều năm nay, ông Lương được giao xử lý máy quét phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh thi THPT quốc gia và gửi về Bộ, ông Lương được sử dụng máy tính có kết nối mạng để thao tác công việc của cơ quan và cá nhân.
"Quá trình điều tra, kiểm tra điện thoại của ông Lương, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh", ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An thông tin tại buổi họp báo chiều qua (17/7).
Khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính.
Ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An nêu cụ thể về hành vi gian lận của ông Lương.
"Ngày 27/6, sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án 9 môn thi THPT quốc gia, ông Lương tải toàn bộ đáp án về, xử lý sang file excel, lưu vào máy. Ông này sau đó copy file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh", ông Khương thông tin.
Sau khi điều chỉnh kết quả của thí sinh trên file excel, ông Lương tiếp tục sửa bài thi trắc nghiệm.
Qua kiểm tra dữ liệu camera ở Sở Giáo dục Hà Giang, công an phát hiện ngày 27/6, Phó trưởng phòng Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi trắc nghiệm và máy tính từ khu vực bảo mật đến phòng Khảo thí thuộc Sở.
Trong hơn 2 tiếng, từ 12h đến 14h38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước.
Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An phân tích trên báo Zing.vn, nếu có người sửa điểm, làm lại hay làm thêm vào bài thi để có điểm cao thì hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhằm làm rõ ai phạm tội, phạm tội gì, mức độ đến đâu.
Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.
Tổng hợp