Năm 2011, Tencent từ vị thế nhà phát hành của Riot Games tại Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn sau khi chi số tiền 400 triệu USD cho 93% cổ phần của "cha đẻ" tựa game LMHT.
Nhà sản xuất của LMHT, Riot Games là một công ty con của Tencent. Ảnh: Riot.
4 năm sau, Tencent mua nốt 7% còn lại với số tiền không được tiết lộ để nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Riot Games.
Riot Games tuy vẫn được toàn quyền sáng tạo LMHT nhưng Tencent đã có những tác động lớn đến công ty. Nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận từ sự bùng nổ của các tựa game trên thiết bị di động, Tencent đã cố gắng thuyết phục Riot tạo ra một phiên bản LMHT Mobile.
Sau khi bị Riot từ chối, Tencent vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng bằng tựa game mang hơi hướng LMHT trên di động của riêng họ với tên gọi Arena of Valor (Liên Quân). Liên Quân sau đó nhanh chóng trở thành một trong những trò chơi di động có lợi nhuận cao nhất ở Châu Á và Riot không hài lòng về điều đó.
Mối quan hệ giữa 2 bên hiện đang có phần tốt hơn trong thời gian gần đây khi Tencent đã chịu xuống nước và phía Riot cũng đang phát triển phiên bản LMHT di động. Nhưng không thể phủ nhận một điều, việc mua lại hoàn toàn Riot của Tencent đã củng cố vị thế "ông vua" ngành thể thao điện tử của công ty game lớn nhất thế giới.
Khoản đầu tư 330 triệu USD của Tencent vào Epic Games vào tháng 6/2012 có thể nói đã làm thay đổi hoàn toàn ngành game. Epic Games cùng Tencent đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các trò chơi miễn phí được phát hành như dịch vụ.
Việc Epic Games bắt tay với Tencent đã tạo ra thay đổi lớn trong cách tiếp cận dịch vụ free-to-play. Ảnh: Polygon.
Sau khi nhận thấy mô hình bán game truyền thống không hiệu quả, nhà sáng lập Epic Games Tim Sweeney đã quyết định hợp tác với Tencent để tìm hiểu rõ hơn về việc vận hành các trò chơi và dịch vụ trực tuyến. Quyết định của Sweeney về sau đã chứng minh nó đáng giá tới từng xu.
Với khoản đầu tư của Tencent, Epic Games từ bỏ việc phát hành engine Unreal Engine 4 dưới dạng thuê bao hàng tháng để chuyển sang dạng miễn phí và thu tiền bản quyền khi bán. Epic Games mất đi khoản tiền từ các nhà phát triển nhưng đổi lại, việc phát hành Unreal Engine miễn phí đã đem lại cho hãng một cộng đồng lớn các nhà phát triển độc lập.
Thành công lớn nhất của Epic Games cho tới lúc này vẫn là cơn sốt mang tên Fortnite. Năm 2018, Fortnite đã đem về cho Epic 2,4 tỷ USD và trở thành tựa game có doanh thu số một của năm.
Tencent đang nắm cổ phần trong cả 2 tựa game "làm mưa làm gió" thị trường game những năm gần đây, Fortnite và PUBG. Một điều thú vị hơn nữa là Tencent cũng có quyền phát hành cả 2 trò chơi ở thị trường Trung Quốc.
Chưa hài lòng với 11,5% cổ phần của nhà sản xuất PUBG, Tencent dự tính thâu tóm hoàn toàn Bluehole như từng làm với Riot Games. Ảnh: Bluehole.
Năm 2017, Tencent bắt đầu đầu tư vào nhà sản xuất của PUBG khi mua lại 1,5% cổ phần Bluehole. "Gã khổng lồ" Trung Quốc tiếp tục chi đậm hơn sau đó để thâu tóm thêm 10% cổ phần với khoản tiền không được tiết lộ.
Chưa dừng lại ở tổng cộng 11,5% cổ phần, PCGamer đưa tin Tencent đang có ý định mua lại toàn bộ cổ phần của "cha đẻ" PUBG để biến Bluehole thành công ty con.
Tencent là một trong một số những nhà đầu tư đã cứu Ubisoft sống sót khỏi sự thâu tóm của Vivendi - công ty thời điểm ấy đang là cổ đông lớn nhất.
Ubisoft suýt nữa đã bị Vivendi thâu tóm hoàn toàn nếu không có những nhà đầu tư bao gồm cả Tencent. Ảnh: Polygon.
Trong nhiều năm gần đây, Vivendi đã có ý định thâu tóm Ubisoft bằng cách mua nhiều cổ phần nhất nhằm lật đổ nhà sáng lập Yves Guillemot và giành quyền kiểm soát hoàn toàn.
Tình hình ảm đạm chỉ kết thúc khi Ubisoft bất ngờ đạt được thỏa thuận với Vivendi khi tập đoàn Pháp có ý định thoái vốn cổ phần của mình cho nhiều nhà đầu tư, trong đó bao gồm cả Tencent.
Như một phần trong thỏa thuận, Tencent chỉ đóng vai trò là đối tác thầm lặng và không thể tăng quyền biểu quyết hoặc sở hữu trong Ubisoft. Điều khiến cho việc Tencent nếu có ý định thâu tóm Ubisoft là không thể.
Sau khi mua lại từ Vivendi, Tencent hiện sở hữu hơn 5,6 triệu cổ phiếu của Ubisoft. Thương vụ này cũng là một phần trong mối quan hệ đối tác chiến lược khi Tencent sẽ trở thành nhà phát hành các trò chơi Ubisoft tại thị trường Trung Quốc.
Nhiều năm trước khi đầu tư vào Ubisoft, Tencent từng giúp đỡ Activision Blizzard thoát khỏi sự thâu tóm tương tự của Vivendi.
Trước Ubisoft, Tencent cũng từng giúp đỡ liên doanh Activision Blizzard thoát khỏi sự thâu tóm tương tự của Vivendi. Ảnh: Los Angeles Times.
Cụ thể, năm 2007, Activision rơi vào tầm kiểm soát của Vivendi khi bị sáp nhập với công ty con Vivendi Games nhằm hợp tác cùng Blizzard và hưởng lợi từ thành công vang dội của trò chơi nhập vai thế giới mở huyền thoại World of Warcraft.
Năm 2008, Vivendi sáp nhập cả 2 công ty game thành liên doanh Activision Blizzard và nắm trong tay bản quyền gần như toàn bộ thương hiệu game Blizzard.
5 năm sau đó, các công ty sáp nhập từ liên doanh Activision Blizzard đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của Vivendi trong công ty và trở nên độc lập. Tencent ngay lập tức tận dụng cơ hội và nhảy vào mua 5% công ty với số tiền không được tiết lộ.