Sau 12 năm học phổ thông, học sinh sẽ phải lựa chọn một hướng đi cho tương lai của mình. Có những bạn mơ ước đậu vào ngôi trường đại học mà mình yêu thích, cũng có những bạn dừng lại sự nghiệp sách vở và bước chân vào xã hội luôn. Mỗi quyết định đều có những ưu - nhược điểm riêng, tuy nhiên, học đại học suy cho cùng vẫn là sự lựa chọn được số đông lựa chọn. Bởi như người ta vẫn nói, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng có thể là con đường ngắn nhất, vững chắc nhất.
Vấn đề có nên học đại học không cũng từng được ông Nguyễn Trung Dũng - CEO DH Foods nêu quan điểm. Theo đó, ông cho rằng đại học sẽ dạy mọi người cách học, tìm kiếm kiến thức mới một cách nhanh chóng hơn. Còn khi so sánh với những người chỉ tham gia vào những chương trình/ khóa học ngắn hạn, họ thường chỉ biết được những kiến thức xung quanh cái mà họ học trong khóa học, còn khi chuyển sang công việc khác thì có thể gặp khó khăn ít nhiều.
Tuy nhiên, ông cũng không ngoại trừ trường hợp có những người đặc biệt xuất sắc khi có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhiều công việc, nhưng số lượng những người như vậy không nhiều. Đặc biệt, ông khẳng định những người xuất sắc mà không học đại học cũng chẳng là bao.
"Các bạn đang học đại học, thì hãy học thật tốt. Học thêm những khóa học ngắn hạn khác thì các bạn hơn hẳn rồi. Các bạn khác chỉ có bằng ngắn hạn thôi, đây bạn vừa có bằng đại học vừa có các khóa học ngắn hạn", ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.
Trước quan điểm của ông, nhiều netizen cũng để lại suy nghĩ của mình:
- Học đại học không chỉ lấy kiến thức sách vở đâu mà còn nhiều thứ lắm. Có cơ hội thì hãy cứ học đi.
- Chỉ lo không đủ khả năng để học đại học thôi, chứ có cơ hội thì cứ đi học.
- Học đại học giống như xây đắp cái gốc cho mình vậy. Gốc tốt thì cây cũng sẽ tăng trưởng tốt, mà cây tăng trưởng tốt mà gặp gió to bão lớn, gốc cây vững sẽ không bao giờ đổ.
- Bằng mọi giá phải học đại học nha mọi người!
- Mình đồng ý với quan điểm của bác.
1. Xác định mục tiêu học tập
Các bạn tân sinh viên cần tự xác định rõ mình học để làm gì, học như thế nào, lập mục tiêu cho việc học trong thời gian ngắn hạn (mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi học kỳ) và mục tiêu dài hạn (mỗi năm học, sau khi tốt nghiệp…).
Lưu ý rằng mục tiêu càng cụ thể, gần gũi với bản thân sẽ càng dễ thực hiện. Có thể nói, việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp sinh viên thúc đẩy bản thân cố gắng, nỗ lực hơn và phát triển tiềm năng của bản thân.
2. Lập kế hoạch học tập
Thay đổi môi trường học tập từ cấp 3 lên đại học đôi khi khiến các bạn học sinh bị "choáng ngợp". Vậy nên, việc lập kế hoạch học tập lúc này là vô cùng quan trọng. Ở phần này, các bạn cần xác định khoảng thời gian cụ thể sẽ làm công việc gì và đảm bảo sẽ hoàn thành việc đó đúng thời hạn.
Lập kế hoạch tổng quát dài hạn và kế hoạch ngắn hạn càng cụ thể càng thuận lợi khi thực hiện và đạt hiệu quả cao. Hãy nhớ rằng thời gian phải cân đối và hợp lý giữa học tập và các hoạt động khác. Bởi lẽ, vừa học tập tốt, vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào sẽ giúp sinh viên tích lũy thêm trải nghiệm, gia tăng các mối quan hệ xã hội.
Ảnh minh họa
3. Phương pháp học tập
Sau khi đã lập kế hoạch rồi thì phải có phương pháp học tập phù hợp. Ở bước này, các bạn cần sắp xếp thời gian học tập hợp lý, đảm bảo mức độ tập trung để tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.
Nếu có thể thì hãy ngồi bàn đầu để giúp bản thân tập trung chú ý để nghe rõ bài giảng hơn. Ngoài ra, việc học và làm việc nhóm ở đại học sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị và hữu ích cho các bạn do đó hãy tìm cho mình nhóm bạn thật chất lượng. Tại đây, mọi người sẽ cùng trao đổi và tiếp nhận những quan điểm khác nhau, học hỏi những kỹ năng để cùng nhau phát triển. Có thể cùng nhau sinh hoạt ở các CLB, tham gia những sự kiện, những buổi hội thảo, kỹ năng mềm để tích lũy thêm cho mình kiến thức và kỹ năng.
Ngoài ra, hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình trong quá trình học. Điều đó có thể giúp bạn có cơ hội trao đổi, làm rõ vấn đề từ đó hiểu và nắm chắc kiến thức hơn.