Ông Lê Tùng Vân từng làm giám đốc ở TP.HCM trước khi chuyển đến Tịnh thất Bồng Lai

PV, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 09:39 06/01/2022
Chia sẻ

Năm 2015, ông Vân bán toàn bộ đất đai ở TP.HCM và đến ở nhà của bà Cao Thị Cúc lập ra Tịnh thất Bồng Lai.

Tự phong mình là giám đốc

Báo Thanh niên dẫn lại hồ sơ lý lịch từ công an cho biết, năm 1975, ông Lê Tùng Vân rời quê nhà ở tỉnh An Giang lên quận 6, TP.HCM lập nghiệp.

Năm 1990, ông Vân tự lập ra Trại Dưỡng Lão và Cô Nhi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM và tự phong mình làm giám đốc.

Trại Dưỡng Lão và Cô Nhi Thánh Đức luôn có hàng chục người lưu trú, được ông Vân giới thiệu là trẻ mồ côi, người già cơ nhỡ được ông xót thương nhận về nuôi dưỡng. Hoạt động của trại này mang rất nhiều tai tiếng, hoài nghi liên quan đến các vấn đề nhân đạo và từ thiện xã hội, pháp luật về lưu trú, nhân thân những người trong Trại. Do đó, hoạt động của trại do ông Vân "giám đốc" đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vào cuộc và xác định cơ sở này hoạt động không hợp pháp, có nhiều sai phạm như không đăng ký tạm trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định, có dấu hiệu trục lợi bất chính từ các nhà hảo tâm...

Tháng 7/2007, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định chấm dứt hoạt động của Trại Thánh Đức.

Năm 2015, ông Vân bán toàn bộ đất đai ở TP.HCM và đến ở nhà của bà Cao Thị Cúc (số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) và nhiều người "con nuôi, cháu nuôi…" của ông Vân theo về đây ở cùng.

Tịnh thất Bồng Lai - Thiền am bên bờ vũ trụ ra đời thế nào ?

Theo hồ sơ của Công an tỉnh Long An, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (61 tuổi, quê huyện Cần Đước, Long An) mua căn nhà và mảnh đất 2.000 m2 tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa rồi chuyển về đây sinh sống, lập am tu tại gia.

Năm 2015, ông Lê Tùng Vân (85 tuổi, quê An Giang) về nương náu cùng với bà Cúc tại đây rồi tự xưng mình là hòa thượng Thích Tâm Đức. Ngôi nhà của bà Cúc được đặt tên là Tịnh thất Bồng Lai, do ông Lê Tùng Vân làm trụ trì.

Sau nhiều tai tiếng, đầu năm 2020, nơi "biến gia thành tự" này được ông Vân đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ. Nơi này không có liên quan gì đến Giáo hội phật giáo tỉnh Long An.

Ông Lê Tùng Vân từng làm giám đốc ở TP.HCM trước khi chuyển đến Tịnh thất Bồng Lai - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng huyện Đức Hòa kiểm tra hành chính ở Tịnh thất Bồng Lai

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, khẳng định trên báo Zing.vn, Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý.

Những người đang sống và sinh hoạt tại cơ sở này không phải là tu sĩ phật giáo. Nhóm người này lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo nhằm trục lợi.

Ông Lê Văn Bích, Trưởng ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, cho biết những người trong Tịnh thất Bồng Lai sống rất bí ẩn. Cánh cổng tịnh thất luôn đóng kín và không một ai biết điều gì đang xảy ra bên trong.

Công an tỉnh Long An xác định hộ bà Cúc có 18 người cư trú. Nhiều thanh niên, trẻ em sinh sống tại hộ bà Cúc không phải trẻ mồ côi mà có quan hệ huyết thống. Họ sống cùng với mẹ ruột.

Ngày 4/1, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đến khám xét và tống đạt quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những lùm xùm tại Tịnh thất Bồng Lai.

Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang tiếp tục điều tra 3 tội danh xảy ra tại nơi này. Cụ thể gồm: Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân; Tội loạn luân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày