Olympia bị gọi là cuộc thi tìm nhân tài nước Úc, cựu quán quân: Đâu cần mọi người lo hộ!

Lam Giang, Theo Nhịp Sống Việt 11:00 21/12/2021

Trần Thế Trung cho biết, anh cảm thấy rất khó chịu khi nhiều người nâng cao quan điểm lên quá nhiều.

Đó là suy nghĩ của Trần Thế Trung, cựu Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. Cách đây 2 năm ngay khi giành chức vô địch, Thế Trung đã cho biết sau khi đi du học, anh sẽ trở về Việt Nam.

Tuy nhiên 2 năm qua do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên Thế Trung không thể sang Úc du học như dự định. Cuối cùng, anh chàng lựa chọn theo học ngành Thiết kế đồ họa tại Trường ĐH RMIT Hà Nội.

Olympia bị gọi là cuộc thi tìm nhân tài nước Úc, cựu quán quân: Đâu cần mọi người lo hộ! - Ảnh 1.

Cựu quán quân Olympia 2019 Trần Thế Trung

Mới đây, khi trò chuyện với mọi người qua Podcast Olympia Radio số 2, Thế Trung đã có những chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện Đường lên đỉnh Olympia bị nhiều người gọi là: “Cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho nước Úc” do nhiều Quán quân, Á quân của sân chơi này đi du học rồi chọn định cư tại xứ sở chuột túi.

Chàng trai gốc Nghệ An bày tỏ không đồng tình với suy nghĩ đó và cho rằng đây là cái nhìn thiển cận.

Quán quân Olympia chưa bao giờ nên được coi là nhân tài. Mình rất ngưỡng ngưỡng mộ những anh chị đi trước nhưng mình không dám nhận bản thân giỏi.

Olympia là cuộc thi kiến thức chung, kiến thức rộng. Điều đó mình thấy rất cần thiết trong thời đại này, mỗi thứ đều biết một chút. Nhưng mình nghĩ có kiến thức sâu về chuyên môn về một cái gì đó sẽ hay hơn. Chính vì vậy mà gọi Quán quân Olympia là nhân tài thì có hơi quá không?” - Thế Trung nói.

Olympia bị gọi là cuộc thi tìm nhân tài nước Úc, cựu quán quân: Đâu cần mọi người lo hộ! - Ảnh 2.

Thế Trung hiện đang theo học tại Đại học Rmit Hà Nội

Cái tâm hướng về quê hương cũng là đáng quý

Về vấn đề “chảy máu chất xám” mà mọi người hay nhắc, cựu Quán quân cho rằng không phải cứ về Việt Nam mới là đóng góp cho quê hương, mà có rất nhiều cách khác như gửi ngoại hối hay những công trình hỗ trợ đầu tư về Việt Nam.

"Kể cả không đi nữa thì cái tâm mình hướng về Việt Nam cũng là điều đáng quý. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, phải lo miếng cơm, manh áo, lo cuộc sống của mình cho thoải mái đã rồi mới nghĩ đến người khác.

Đó một phần cũng là mong muốn của các anh chị Quán quân đi trước. Họ chọn ở lại Úc chứ không về Việt Nam. Vì về Việt Nam không có đất dụng võ, không có đủ điều kiện làm việc và nghiên cứu một cách tốt nhất.

Cứ cho rằng mình ích kỷ đi nhưng đó là nhu cầu chính đáng. Không có gì sai khi họ đưa ra quyết định cho bản thân và không làm ảnh hưởng đến người khác. Những chuyện đó không phải chuyện của mọi người mà phải lo hộ cho họ” - Thế Trung nói thêm.

Olympia bị gọi là cuộc thi tìm nhân tài nước Úc, cựu quán quân: Đâu cần mọi người lo hộ! - Ảnh 3.

Thế Trung đồng hành và giúp đỡ Duy Anh - thí sinh vào chung kết Olympia năm thứ 21

Cựu học sinh trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cảm thấy Quán quân, Á quân Olympia đang bị đem ra làm bia đỡ đạn. Bởi mỗi năm có hàng chục nghìn du học sinh ra nước ngoài học tập và nhiều người trong số họ mong muốn lập nghiệp và định cư tại nước ngoài. Nhưng tại sao không nói đến những người đó mà chỉ nói đến chuyện “chảy máu chất xám” của Quán quân Olympia?

Thế Trung nhấn mạnh: “Nhiều người còn nói nhà nước trả tiền cho Quán quân đi học rồi lại không trở về đóng góp cho đất nước. Nhưng đó là cơ hội mang tính cá nhân, học bổng 35.000 USD (hiện đã tăng lên 40.000 USD) là của nhà tài trợ, phần thưởng của trường Đại học Swinburne, Úc cấp cho Quán quân.

Những quyết định mang tính cá nhân đã bị thần thánh hóa, nâng cao quan điểm lên nhiều. Mình cảm thấy rất khó chịu”.