Ở Việt Nam, dường như đồng tiền lẻ, nếu dưới 1 nghìn đồng, thường được mặc định là "vô giá trị" hay sẽ được quy đổi tương đương thành cái gì đấy chả cần thiết với khách hàng, tiêu biểu là kẹo.
Nói chuyện này là bởi vì dạo gần đây người ta kêu ca về chuyện "quy ước giá trị tiền tệ bằng kẹo" ở các siêu thị hay cửa hàng bách hoá, hay câu chuyện về những chuyến taxi trả tiền chẵn, còn thừa một hai bạc lẻ thì tài xế nghiễm nhiên cầm luôn khỏi phải hỏi ý kiến...
Tự dưng chính người Việt đang đặt ra tư tưởng "tiền bé là tiền ôi", vì một tờ thì chả mua được gì, nên là thôi cho luôn không tiếc.
Nhưng mà các nước phát triển có làm vậy không?
Nhân đây (lại) nói về nước Nhật
Đồng tiền đối với người Nhật là vô cùng trân quý. Đường đường vị thế là một trong những nước dẫn đầu trên bản đồ kinh tế thế giới, tuy nhiên người dân Nhật chưa bao giờ ngưng tiết kiệm, dù đó là từng đồng bạc lẻ.
Đơn cử, mỗi khi đi siêu thị ở Nhật, đừng lo bạn sẽ phải mang về mấy viên kẹo mà đến trẻ con cũng chẳng thèm ăn, hay cái phong bì mà cả năm chẳng có cái đám cưới nào để mà đi, bạn thừa bao nhiêu, siêu thị trả lại bạn từng ấy.
Một người đàn ông thành đạt hoàn toàn có thể đứng đợi để siêu thị thối lại dù chỉ 1 hay 5 yen( mệnh giá chỉ 200-1000 đồng), chứ không vì sĩ diện mà ngúng nguẩy bỏ đi, tự dưng góp phần đi làm giàu thêm cho siêu thị mà chẳng cờ hoa biển hiệu tri ân nào cả.
Ví dụ, bạn đi siêu thị và còn thiếu 1 Yen nữa phải trả tiền, trong khi ví chỉ có tờ 1000 Yen mà thôi. Trường hợp ấy siêu thị sẽ trả lại cho bạn đủ 999 yen tiền xu, với đủ các mệnh giá từ lớn đến nhỏ. Thống kê nhé, tiền xu nhật có các loại mệnh giá là 1 Yen, 5 Yen, 10 Yen, 50 Yen, 100 Yen và 500 Yen. Vậy tức là siêu thị sẽ trả cho bạn ít nhất là 1 xu 500 yên, 4 xu 100 yen, 1 xu 50 yen, 4 xu 10 yen, 1 xu 5 yen và 5 xu 1 yen, tổng cộng cầm về 16 đồng xu!
Tiền bạc ở Nhật chưa bao giờ bị coi thường, kể cả là đồng xu mệnh giá bé nhất.
Chính người Nhật rất hiểu con người, khách hàng của họ, rằng bản thân chính họ và khách hàng đều không cần thiết các vật phẩm đó. Bên cạnh đó, ở Nhật có rất nhiều máy bán hàng tự động với nhiều mặt hàng có thể mua được bằng vài xu lẻ. Không có một mớ leng keng trong túi ư? chịu khó đi bộ thêm vài trăm mét nữa mới mua được chai nước bạn nhé!
Có thể bạn không tin, nhưng phần lớn đàn ông có vợ ở Nhật chỉ toàn cầm tiền lẻ theo mình mà thôi. Mức sống ở Nhật là rất cao, điều đó lại càng ảnh hưởng hơn khi bạn đã lập gia đình. Thông thường đàn ông xứ sở hoa anh đào sẽ giao hết lương cho vợ quán xuyến, được cho tiêu bao nhiêu thì cho, mà các bạn biết đấy, còn lâu mới có chuyện vợ cho chồng nhiều tiền tiêu, ăn uống vợ lo sẵn nên chỉ được tiền lẻ mà cầm đi mỗi ngày.
Đàn ông có vợ ở Nhật thường chỉ được vợ cho tiền lẻ đi tiêu vặt mà thôi...
Bởi vậy nên tiền lẻ ở Nhật vẫn luôn có trọng lượng, có chỗ đứng, và được tôn trọng chẳng khác gì những đồng tiền có mệnh giá lớn. Và quan trọng nhất, tiền thì vẫn là tiền, muốn có tiền thì phải bỏ công bỏ sức, mà chẳng ai là coi thường công sức của chính mình cả.
Lại đến chuyện thú vui tiêu tiền lẻ ở phương Tây
Trong khi ở Việt Nam, tiền xu sinh ra là một đứa con ghẻ, đứa kê chân bàn thằng làm đồ chơi, ở phương Tây đồng tiền được lưu hành nhiều nhất lại chính là những xu lẻ!
Như người Úc chẳng hạn, rất thích dùng tiền xu. Tiền lẻ được sử dụng rộng rãi mọi nơi mọi chỗ mọi mục đích. Hiện tại ở xứ sở chuột túi lưu hành 4 loại xu chính: 5 cent, 10 cent, 20 cent và 50 cent, đủ phục vụ các thể loại nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Có những cây đồng hồ tính phí đỗ xe mà bạn phải bỏ tiền xu vào để đếm giờ được "chiếm dụng diện tích", vẫn tồn tại nhiều bốt điện thoại công cộng sử dụng tiền lẻ, các máy bán hàng tự động nhong nhóc như lợn con khắp nơi khắp ngả, tàu điện xe buýt, các phương tiện công cộng đều dùng tiền lẻ cả, đi giặt đồ cũng phải mang theo mấy xu keng.
Ở các nước phát triển không khó để tìm thấy các máy bán hàng tự động sử dụng tiền xu.
Người dân ở Úc, người nào cũng trữ tiền xu bên mình, có người cẩn thận thì làm cái ví bé bé xinh xinh đựng tiền lẻ ở trong, và tất nhiên, không phải để đem đi cạo gió.
Mà không phải chỉ ở Úc hay Anh hay Châu Âu xa xôi, hãy sang nước bạn Thái Lan, nơi người ta xếp cả hàng dài để đổi tiền xu lẻ đi tàu điện trên không mới thấy tiền lẻ hữu dụng đến thế nào. Rõ ràng không phải lúc nào tiền to mới làm bố!
Thái Lan cũng sử dụng tiền xu rất nhiều.
Cho đến hạch toán ngân sách không thiếu một hào ở Mỹ
Đầu tiên phải nói đến chi phí làm ra những đồng tiền đã.
Có thể bạn không biết, nhưng để đúc ra một đồng xu là khá tốn kém. Như ở trường hợp của hai mệnh giá thấp nhất trong tiền tệ Mỹ là đồng 1 cent (~ 2 trăm đồng) hay 5 cent (~ 1 nghìn đồng), phí đúc tiền thậm chí còn hơn cả giá trị đồng tiền thành phẩm. Ví dụ như vào năm 2011, khi chi phí leo cao đến đỉnh điểm, để đúc xu 1 cent phải mất 2.41 cent, hoặc đồng 5 cent thì mất 11.18 cent để ra thành phẩm. Đã bao lần chính phủ Mỹ tìm cách thức cắt giảm chi phí đúc tiền nhưng đều bó tay vì chả tìm ra cách nào hết.
Có lẽ bởi vậy, người Mỹ rất trân trọng những đồng tiền dù là nhỏ nhất này, điều ấy thể hiện ở chính cách mà họ đối xử với đồng tiền ấy.
Trên thực tế với 1 cent người ta chẳng thể mua được cái gì cả, nhưng không vì thế mà người ta loại bỏ nó trong đời sống, hay trong chính tâm trí mình. Khi đi mua hàng, người dân vẫn được trả lại tiền xu thừa đầy đủ chẳng thiếu đồng nào, hay không phải tự nhiên phải nhận 1 cái kẹo trong khi đang bị tiểu đường!?
Chi phí đúc tiền xu ở Mỹ là không hề rẻ, có khi còn hơn cả giá trị thực của đồng tiền.
Hoặc trong sổ sách của các doanh nghiệp, kể cả lớn đến mấy cũng không có khái niệm "làm tròn tiền lẻ", vẫn ghi chính xác đến từng penny, từng nickel ( 1 cent, 5 cent). Trẻ em Mỹ thường ngày cũng được bố mẹ dúi cho mấy xu nhỏ để bắt đầu học cách tiêu tiền, học cách tiết kiệm cũng như biết quý trọng từng đồng mà mình có.
Ở các nước phát triển, người ta biết cách tạo ra mục đích sử dụng cho tiền lẻ ngay trong mọi sinh hoạt thường ngày, cũng chính vì thế mà nhận thức về tầm quan trọng của tiền lẻ của người dân cũng trở nên cao hơn, người ta cũng quý trọng đồng tiền hơn. Chỉ cần có chỗ dùng, ắt chẳng ai chê tiền lẻ cả!