Trời nắng nóng thế này, câu chuyện có nên cố gắng mua một chiếc ô tô để việc di chuyển, đi lại đỡ vất vả hay không trở thành chủ đề “bỗng dưng lại hot”. Ai cũng biết có ô tô là mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Hơn nữa, vào các dịp nghỉ lễ dài như 30/4 - 1/5 năm nay, có ô tô đồng nghĩa với việc có thêm sự chủ động trong việc về quê, hoặc đi đây đi đó.
Nhưng có phải vì thế mà quyết định mua ô tô sẽ ít phần sai số đi hay không? Câu chuyện của 2 bạn trẻ dã quyết mua ô tô từ khi còn độc thân, vẫn đi ở nhà thuê sẽ phần nào giúp bạn tìm được câu trả lời của riêng mình.
Năm 2022, Thảo Ly (28 tuổi) quyết định mua đứt 1 chiếc xe 7 chỗ đã qua sử dụng nhưng còn gần như mới, với mức giá lăn bánh là 1,2 tỷ đồng. Chi phí rước chiếc "xế hộp" này hoàn toàn là tiền tiết kiệm của Thảo Ly sau nhiều năm vừa đi làm văn phòng, vừa làm thêm nhiều công việc tay trái.
Thảo Ly không cần vay ngân hàng hay “kêu gọi sự trợ giúp” từ gia đình, người thân. Bản thân Ly cũng coi đây là thành tựu nho nhỏ của mình.
Thảo Ly
"Mình quyết định mua xe vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều, cộng thêm cả đam mê xê dịch của mình nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy có xe thì mình sẽ chủ động hơn trong việc đi gặp đối tác, hoặc những chuyến đi xa cùng gia đình" - Thảo Ly chia sẻ.
Ở thời điểm chốt mua đứt chiếc xe 7 chỗ với giá 1,2 tỷ đồng, Thảo Ly chưa kết hôn. Hiện tại, sau gần 2 năm có xe, và đã bước vào cuộc sống hôn nhân, Thảo Ly càng cảm thấy quyết định mua ô tô của mình là đúng đắn, không có gì phải hối hận.
“Sau khi mua xe, mình thấy công việc thuận lợi hơn. Những chuyến đi du lịch hay đi chơi cùng đại gia đình cũng vậy.
Về cơ bản, khi quyết định mua xe, mình sẽ ưu tiên lựa chọn xe đã qua sử dụng, miễn sao không phải là xe quá cũ hay đã bị thay linh kiện, phụ tùng quá nhiều là được. Trước đây và cả hiện tại, mình không đặt nặng tiêu chí phải đập hộp xe mới hay phải mua được xe xang, vì ô tô là tiêu sản và mục đích mua ô tô là để phục vụ việc di chuyển của bản thân và gia đình mình” - Thảo Ly khẳng định.
Xác định rất rõ nhu cầu của bản thân khi mua xe nên đến hiện tại, Thảo Ly vẫn gắn bó với chiếc “xế hộp” mà cô đã mua bằng tiền tiết kiệm. Chi phí nuôi xe hay bảo đưỡng, đăng kiểm không phải gánh nặng với Thảo Ly vì cô đã dự trù việc này trước khi mua xe.
Cũng từng chốt mua đứt 1 chiếc ô tô 7 chỗ khi còn đang độc thân như Thảo Ly, nhưng cảm xúc của Thanh Tuấn (32 tuổi) với quyết định này lại không được mỹ mãn cho lắm.
2 năm trước, khi còn đang ở nhà thuê, Thanh Tuấn vẫn quyết định dùng 1,4 tỷ đồng tiết kiệm và vay thêm ngân hàng, người thân tổng cộng 1,8 tỷ đồng để mua một chiếc xe sang, thay vì mua nhà. Sau khi mua xe, trung bình mỗi tháng, Thanh Tuấn phải trả gần 16 triệu đồng tiền nợ.
Là Quản lý nhóm quản trị rủi ro cho một ngân hàng, Thanh Tuấn đã mua được chiếc xe sang này mức giá chỉ bằng khoảng 60% giá mua mới.
"Mình thấy nội bộ rao bán tài sản đảm bảo của khách hàng để thanh lý khoản nợ, mình nghĩ mất 2 ngày rồi chốt mua ngay vì tâm lý không nhanh tay thì hụt mất món hời. Thực sự rất khó để có thể mua được chiếc xe này với mức giá như vậy" - Thanh Tuấn chia sẻ, từ chối tiết lộ tên chiếc xe mà bản thân đã mua năm ấy.
Ảnh minh họa
Khi được hỏi về lý do quyết định mua xe thay vì mua nhà, Thanh Tuấn cho biết: "Nhiều người cũng thắc mắc tại sao mình đang đi ở nhà thuê mà lại bỏ ra chừng đó tiền để mua xe. Câu trả lời đơn giản là mình có nhà mặt đất rồi, nhưng vì nhà ở xa chỗ làm hiện tại quá nên mình quyết định cho thuê, rồi đi thuê nhà gần công ty để tiện cho công việc hơn thôi" .
Tuấn xác định mua xe để phục vụ mục đích di chuyển là chính nhưng sau khoảng 10 tháng sở hữu chiếc "xế hộp" hạng sang, Tuấn quyết định… đăng bán.
"Chỗ ở hiện tại của mình cách chỗ làm việc chưa đầy 4km nhưng nếu đi làm bằng ô tô, mình phải nhích từng cm vì tắc đường. Cả chiều đi lẫn chiều về ít nhất cũng mất 80-90 phút cho quãng đường chưa tới 8km.
Chưa có xe thì nghĩ khi có xe sẽ chủ động hơn trong việc di chuyển hàng ngày, nhưng thực tế với mình là không. Cả chuyện đi du lịch hay đi về quê cũng vậy. Tự lái xe thì có chủ động hơn thật nhưng đổi lại là không được uống bia, uống rượu. Đàn ông mà đi chơi với bạn bè, đi về quê gặp họ hàng mà như vậy thì thực sự rất khó.
Chưa kể, mỗi tháng mình còn phải trả khoảng 16 triệu tiền vay mua xe, cộng thêm tiền gửi xe rồi các loại phí khác nữa, trung bình mỗi tháng cũng tốn ngót nghét gần 20 triệu bạc. Dù con số ấy vẫn trong khả năng chi trả nếu mình cố, nhưng vì thấy nó không đáng nên mình quyết định bán" - Thanh Tuấn giải thích về quyết định bán chiếc xe sang.
Sau khi bán xe và trả hết nợ ngân hàng cũng như nợ người thân, Thanh Tuấn cho biết anh vẫn lãi “vài trăm triệu” chứ không ít. Tuy nhiên, vì từ ban đầu đã xác định mua xe để đi chứ không phải vì mục đích bán chênh lấy lời, nên dù không lỗ, Thanh Tuấn vẫn cảm thấy “chẳng vui cho lắm”.
Đều mua xe khi còn độc thân nhưng cảm xúc của Thảo Ly và Thanh Tuấn lại có phần đối nghịch. Để không rơi vào tình cảnh phải bán xe cắt lỗ, hoặc ít sử dụng, trước khi quyết định mua xe, đây là 2 yếu tố bạn cần quan tâm, cân nhắc.
Ảnh minh họa
1 - Ô tô là một loại tiêu sản
Một chiếc ô tô lăn bánh từ gara ra mặt đường là đã mất ngay giá trị, bạn sẽ không thể bán nó với giá tương đương hoặc cao hơn giá mua, trừ khi là dòng xe sang phiên bản giới hạn. Ô tô chỉ là phương tiện giúp che nắng che mưa, mang lại sự thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Không có nhiều tiền hay quá dư dả, đừng nghĩ tới việc mua xe cho oai.
2 - Cân nhắc tới các giải pháp thay thế
Có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác.
Câu hỏi quan trọng mà bạn phải trả lời trong trường hợp này: Chi phí nuôi xe (bao gồm tiền thuê chỗ để xe, xăng xe, chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm) tính theo tháng sẽ khoảng bao nhiêu tiền? Con số này liệu có ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu cơ bản, khoản tiết kiệm/đầu tư khác của gia đình hay không?
Nếu câu trả lời là không, mua ô tô có thể là quyết định hợp lý; còn nếu câu trả lời là có, hãy tìm các phương án thay thế như thuê xe tự lái hoặc thuê taxi, đặt xe công nghệ.