Liên quan đến vụ người vợ tố gia đình chồng đối xử tệ bạc, khi ly hôn lại bị gia đình chồng cướp trắng quyền nuôi con từ khi đứa bé 7 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi) cho biết, hơn 1 năm nay, chị đã đi cầu cứu khắp nơi để mong gặp lại con nhưng vẫn không có kết quả.
Chị Hạnh xem lại ảnh của cậu con trai đầu lòng của mình.
Nỗi nhớ con của người mẹ lớn lên từng ngày khi đã hơn 1 năm nay, chị không được gặp con.
Mặc dù cho đến nay, TAND TP Biên Hòa cũng đã ban hành 3 quyết định buộc anh Lê Ngọc Thành (chồng cũ chị Hạnh, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa) giao bé Lê Đức T. (SN 2016) cho chị Hạnh nhưng quyết định này chẳng được thi hành.
Chị Hạnh tâm sự, suốt hơn 1 năm nay, từ lúc bé trai vừa được 7 tháng tuổi, chị đã không gặp lại con của mình. Nhiều lần, chị Hạnh đã lặn lội lên nhà chồng để thăm con nhưng bị gia đình chồng tìm mọi cách để không cho gặp con khiến chị rất bức xúc.
"Em không biết bây giờ con trai đã lớn ra sao, có nhớ mẹ nó hay không. Em chỉ muốn được chăm sóc con, giành lại quyền làm mẹ của mình. Có người mẹ nào lại không thương con cơ chứ?", chị Hạnh nghẹn ngào.
Nghĩ đến tương lai của con, chị Hạnh phải lặn lội buôn bán ngày đêm để kiếm tiền.
Mỗi ngày, chị Hạnh kiếm được khoảng 300.000 đồng và dành dụm số tiền này để lo cho con.
Theo chị Hạnh, sau khi bị gia đình chồng hắt hủi, chị trở về xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để nương nhờ bố mẹ đẻ. Kể từ đó đến nay, lúc nào chị cũng nhớ con, đong đếm từng ngày mong được gặp lại con.
"Cứ cách vài tháng, em lại bắt xe đò lên TP Biên Hòa đến nhà chồng tìm gặp con nhưng đều bị cấm cản... Em không biết làm sao để được gặp con?", chị Hạnh bật khóc.
Nghĩ đến việc sau này sẽ chăm lo cho đứa bé, chị Hạnh không ngại ngày đêm đi buôn bán trái cây để dành dụm tiền, mong một ngày được ở bên cạnh con. Chị Hạnh nói: "Mỗi ngày em đi bán từ sáng đến tối cũng kiếm được vài ba trăm nghìn. Hơn một năm nay, em chỉ ước được nhìn thấy mặt con, mua quần áo, đồ chơi cho nó mà thôi. Dù có vất vả, cực khổ đến mấy em cũng chấp nhận, chỉ cần có con ở bên cạnh là được".
Nỗi đau đớn của người mẹ, đêm nào chị cũng nhớ đến con.
"Em nhớ con lắm, cứ đi làm về em lại giam mình trong phòng và nghĩ đến con. Em chỉ ước một lần nghe con cất tiếng gọi mẹ. Em sợ rằng cứ kéo dài thời gian, đứa bé sẽ không còn nhận ra em nữa...", chị Hạnh đau đớn nói.
Cơ quan Thi hành án cần quyết liệt, phải khởi tố hình sự
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư gia đình, thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết pháp luật Hôn nhân gia đình đã quy định cụ thể con dưới 3 tuổi phải ưu tiên cho người mẹ nuôi dưỡng để đảm bảo cho bé phát triển về mọi mặt.
Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư gia đình, thuộc đoàn luật sư TP.HCM.
Những lá đơn, thư gửi cơ quan chức năng của chị Hạnh.
Tuy nhiên, hiện nay các vụ tranh giành quyền nuôi con xảy ra rất nhiều, trường hợp của chị Hạnh cũng không phải là hiếm khi gia đình chồng không hợp tác nên người mẹ vẫn chưa thể nào giành lại quyền nuôi con cho mình. Luật sư Hùng phân tích:
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 165 Luật Thi hành án dân sự quy định:
1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 304 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội không chấp hành án như sau: "Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Nỗi đau, nước mắt của người mẹ tội nghiệp.
Luật sư Hùng phân tích những điểm bất hợp lý của quá trình thi hành án.
"Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án cần quyết liệt hơn nữa để thi hành bản án, trả lại quyền nuôi con cho người mẹ. Bởi theo tôi, có thể người chồng đang cố tình kéo dài thời gian để đứa bé đủ 3 tuổi, từ đó yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Vì vậy, cơ quan thi hành án cần quyết liệt hơn nữa, tiến hành cưỡng chế để giao con cho chị Hạnh trong thời gian sớm nhất. Nếu người chồng vẫn cố tình trốn tránh, không giao con thì các cơ quan chức năng tại TP Biên Hòa phải khởi tố trách nhiệm hình sự người chồng, buộc phải giao con, không thể nào tước đoạt quyền làm mẹ của chị Hạnh được", luật sư Hùng nhấn mạnh.
Ngoài việc bán trái cây, chị Hạnh còn phụ bố mẹ bán tạp hóa ở nhà.
Như trước đó chúng tôi đã thông tin, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1982) và anh Lê Ngọc Thành (SN 1978) kết hôn vào năm 2015 và có một con trai chung (SN 2016). Vì cuộc sống gia đình mâu thuẫn, cả hai ly hôn vào 8-2016 và đều muốn giành quyền nuôi con. Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đã thống nhất trao quyền nuôi con cho người mẹ nhưng anh Thành không chịu giao con. Dù cơ quan Thi hành án dân sự TP Biên Hòa đã ban hành 3 quyết định cưỡng chế nhưng vẫn bất lực vì anh Thành không hợp tác. Hơn 1 năm nay, chị Hạnh đã gõ cửa cầu cứu khắp nơi để đòi lại quyền nuôi con nhưng bất thành khiến chị vô cùng đau đớn.