Cả gia đình 6 người cùng đăng ký hiến tạng
Ghép tạng là thành tựu quan trọng của y học trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được thì cần phải được ghép thay thế mới có thể tiếp tục sống.
Sáng ngày 2/10 tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP. HCM đã diễn ra chương trình "Chung tay vì sự sống" năm 2016. Chương trình do Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người -Bộ Y tế tổ chức.
Nhiều người dân đến đăng ký hiến tạng trong chương trình.
Hôm nay, đã có rất nhiều người đăng ký tham gia hiến tạng sau khi qua đời, trong đó có một trường hợp khá đặc biệt, chính là gia đình của chị Nguyễn Tài Ngân (39 tuổi, làm phụ bếp, hiện đang ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM). Gia đình chị Ngân hiện có 6 thành viên, và cả 6 thành viên đều tự nguyện đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Chị Ngân và hai người con lên sân khấu chia sẻ về việc cả gia đình đăng ký hiến tạng.
Chia sẻ về việc cả gia đình cùng nhau đăng ký hiện tạng, chị Tài Ngân cho biết: "Chị biết đến việc hiến tạng cách đây mười mấy năm rồi. Đây là một việc làm rất ý nghĩa. Gia đình chị tuy không giàu có, nhưng vẫn thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Thế nhưng mình đâu thể nào giúp hết được tất cả mọi người. Bản thân mình có thể giúp được gì thì mình cứ làm thôi, đâu cần lý do gì cao cả. Vì mình chết đi rồi cũng có đem theo thứ gì, vậy thì nếu đã chết mà vẫn cứu được người thì có gì phải suy nghĩ".
Chị cho biết đây là một công việc ý nghĩa mà chị đã muốn làm từ rất lâu rồi.
Khi được hỏi về ý kiến của các thành viên nhí trong gia đình khi đăng ký tham gia hiến tạng, chị Ngân cũng chân thành tâm sự: "Các bé vẫn còn nhỏ tuổi chưa hiểu biết nhiều, cũng như chưa hiểu hết được việc hiến tạng cụ thể là như thế nào. Nhưng chị vẫn luôn tìm cách giải thích cho các bé hiểu rõ. Và chị luôn nhấn mạnh rằng việc đem lại sự sống cho một ai đó là một điều vô cùng quý giá. Thế nên các bé rất ủng hộ việc hiến tạng".
Các em tuy còn nhỏ nhưng cũng mong muốn được cứu giúp các bệnh nhân.
"Con thấy điều này rất ý nghĩa, vì khi mình chết rồi mà vẫn còn cứu được người nữa"
Tuy nhiên 3 người con của chị Ngân là Kim Ngân (16 tuổi), Hữu Vinh, Gia Ngân đều chưa đủ 18 tuổi để thực hiện việc đăng ký hiến tạng. Nhằm thể hiện mong muốn của mình, cô bé Kim Ngân đã thay mặt 2 người em viết một bức thư đầy cảm xúc để gửi đến Trung tâm Điều phối hiến tạng Quốc gia. Bức thư có nội dung như sau:
Kim Ngân (áo đen) đã gửi thư xin cho các chị em trong nhà mình được hiến tạng khi đủ tuổi.
"Kính gửi các cô chú trong Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người!
Con tên là Nguyễn Khánh Kim Ngân, 16 tuổi, là con của mẹ Nguyễn Tài Ngân, địa chỉ ở Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Hôm nay con thay mặt các em là Nguyễn Trần Hữu Vinh, Nguyễn Khánh Gia Ngân, viết lá thư này. Cách đây khá lâu, con xem ti vi thấy những bệnh nhân mắc các bệnh thận, bệnh gan hoặc mù… không có mô, tạng để ghép. Con nghe các cô, chú bác sĩ trên ti vi bảo nếu được ai đó cho tạng để ghép vào thì họ sẽ được cứu sống. Một lần đi cùng mẹ vào bệnh viện thăm người nhà chúng con nhìn thấy những người bệnh nhân đau đớn vì mắc bệnh thận ai nấy đều gầy còm và cánh tay thì sưng vù lên, con cảm thấy rất thương. Con chỉ ước gì con người đừng bị bệnh tật hủy hoại nữa.
Tuần trước, có 1 đoàn các cô chú trong Trung tâm Điều phối đến nhà tư vấn cho mẹ, dì và cậu con về việc đăng ký hiến tạng sau khi chết. Mẹ, dì và cậu con đã đồng ý vì con nghe mẹ bảo đã có tâm nguyện đăng ký hiến tạng cứu người từ lâu. Con nghe các cô chú nói là một người hiến mô tạng sau khi chết sẽ cứu được rất nhiều người. Con thấy điều này rất ý nghĩa,v ì khi mình chết rồi mà vẫn còn cứu được người nữa. Tụi con cũng muốn đăng ký nhưng các cô chú nói tụi con chưa đến tuổi, vì thế, hôm nay con viết thư này gửi các cô, các chú TT Điều phối ghép tạng Quốc gia thể hiện nguyện vọng cho 3 chị em con sau này khi đủ tuổi được đăng ký hiến tạng để cứu người.
Con cảm ơn và chào các cô chú!"
Người phương Đông vẫn còn ngại việc chết không nguyên vẹn thân thể
Không thể phủ nhận rằng đa số người phương Đông vẫn còn quan niệm khá nặng nề về việc hiến tạng. Từ lâu trong văn hóa phương Đông vẫn cho rằng khi chết phải còn nguyên vẹn để chôn cất, và quan niệm này vô tình khiến nhiều người Việt Nam vẫn còn e dè trong việc đăng ký hiến tạng. Nhiều bậc cha mẹ còn ngăn cấm không cho con cái đăng ký hiến tạng hay hiến xác.
Các sư thầy có mặt trong chương trình để lý giải về các quan niệm về sự sống và cái chết của đạo Phật.
Trường hợp của chú Nguyễn Văn Hai (66 tuổi) là một ví dụ, vợ và các con của chú hoàn toàn không đồng ý việc chú đăng ký hiến tạng, nhưng sáng ngày 2/10 chú vẫn đến chương trình để làm thủ tục đăng ký. Chú tâm sự: "Chú có ý từ lâu rồi, tính đi đăng ký mà chưa biết đăng ký ở đâu. Chú mong muốn mình mất rồi sẽ giúp đỡ những người còn sống. Bà xã và các con không ủng hộ, nhưng chú cố gắng thuyết phục. Những quan niệm về cái chết toàn vẹn nay đã xưa rồi, mình phải mở rộng lòng hơn. Khi mình đem chôn đi hay thiêu thì các mô tạng cũng hư, vậy thì tốt nhất mình nên đem hiến để cứu sống người khác".
Chú Hai và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã đăng ký hiến tạng tại ngày hội.
Tại chương trình nam ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cũng đã thực hiện đăng ký hiến tạng, anh chia sẻ: "Hùng thấy rằng đây là một chương trình rất ý nghĩa và nhân văn, chúng ta có thể đóng góp một phần cơ thể của mình để đem lại sự sống cho những bệnh nhân. Đồng thời khi ta mất rồi nhưng một phần cơ thể chúng ta vẫn còn hiện hữu thì cũng như chúng ta vẫn còn đang hiện hữu vậy".
Nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy mãn thận đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi.
Tặng hoa và quà cho những người đã đăng ký hiến tạng.
Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở. Mong rằng chương trình ngày càng được lan rộng để nhiều bệnh nhân được giữ lại sự sống.