"Trái đất giống như một bảng pha màu: màu nhạt và màu đậm, tông sáng và tông tối, chúng về căn bản đều khác nhau. Vậy nhưng thời nay, để sống thật với màu sắc của chính mình lại là điều khó không tưởng", Hà Vi viết.
Phạm Hà Vi (sinh năm 2000, tại Hòa Bình) đã mở đầu bài luận giúp mình nhận học bổng 2,5 tỷ đồng của Trường Thế giới Liên kết UWC South East Asia (Singapore) cho 2 năm du học Bằng tú tài quốc tế (IB), theo cách đặc biệt như thế!
Nữ sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) đã không ngừng trăn trở về thực trạng nhiều phụ huynh lấy kết quả học tập, những tấm giấy khen xuất sắc hay một danh hiệu làm thước đo khả năng của con cái mình.
10X sợ rằng những ám ảnh về điểm số ấy sẽ gây cho người trẻ sự khập khiễng tệ hại trong nhận thức, bào mòn các khả năng khác và khiến "màu" của họ dần hòa tan.
Góc nhìn thẳng thắn về "căn bệnh thành tích" của xã hội mà mầm mống của nó từ gia đình, đã giúp của cô nữ sinh 10X sớm chạm tay vào ước mơ du học. Chúng ta cùng trò chuyện với cô bạn có bài luận thú vị này nhé!
Phạm Hà Vi
Học bổng toàn phần UWC South East Asia (Singapore).
Giải Đồng cấp quốc gia Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE).
Giải Nhì Tiếng Anh cấp tỉnh / Giải Nhất Tiếng Anh cấp thành phố.
Giải Khuyến Khích cấp tỉnh thi giải Toán học trên mạng (Violympic).
Đại diện tham dự Olympic tài năng tiếng Anh toàn quốc (OTE).
Thí sinh Cuộc Thi Sáng Tạo Ý Tưởng Kinh Doanh (Teen Entrepreneur).
Ban tổ chức trại hè Burst Outta Box 2016, Hogwart Camp Vietnam.
Hướng dẫn viên du lịch tại Hanoi Street Food Tour.
Phạm Hà Vi, nữ sinh có nụ cười tươi tắn, đã chinh phục Ban tuyển sinh trường Thế giới Liên kết UWC South East Asia (Singapore) nhờ bài luận về cái lườm nguýt của người lớn dành cho con trẻ.
Chào Hà Vi, bạn có thể tóm tắt cho độc giả biết những ý chính mình đã viết trong bài luận gửi đến UWC?
Bài luận của mình viết về cuộc sống của một cô bé 12 tuổi ở một thành phố nhỏ. Nơi ấy chứa đầy định kiến và khuôn mẫu của xã hội. Người lớn đã đẩy cô bé ấy đến suy nghĩ sự tồn tại của mình là đúng hay là sai? Dù thế nào thì những người trẻ vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Họ cần lời góp ý và động viên chứ không phải cái lườm nguýt, trù dập mà phần lớn người đời quy chụp cho khả năng của mình.
Có phải bạn từng là nạn nhân của chuyện ấy nên ngay khi có cơ hội đã quyết định "lên tiếng"?
Gián tiếp hay trực tiếp, chúng ta đều đã từng là nạn nhân của định kiến xã hội, của những cái lườm nguýt. Còn câu chuyện về một thành phố nhỏ và cô bé 12 tuổi đấy, mình xin gửi gắm trí tưởng tượng của các bạn độc giả. Đó có thể là mình, có thể là viễn tưởng, hoặc có thể đâu đây bạn thấy bản thân phảng phất trong đó.
"Người trẻ cần lời góp ý và động viên chứ không phải cái lườm nguýt, trù dập mà phần lớn người đời quy chụp cho khả năng của mình", Hà Vi nói.
Những người xung quanh Hà Vi, họ lườm nguýt con cái mình hay người trẻ khác biệt vì lý do gì?
Phần lớn mọi người lớn đều không thích khi con cái hay những người trẻ làm trái ý mình. Đơn giản khi chúng ta còn nhỏ, không ăn cơm thì bị coi là hư. Lớn hơn một chút, không có hứng thú học hành thì bị cho là lêu lổng. Trưởng thành, bố mẹ đặt đâu con không ngồi đó thì coi là bất hiếu…
Việc nào cũng có hai mặt của nó, mình không nói việc trái ý người lớn là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, lạ kì thay các tiêu chuẩn của xã hội - gia đình đặt ra cho con trẻ quá sức kỳ lạ, dù có cố gắng răm rắp làm theo đến thế nào, bạn cũng chả thế làm vừa lòng nổi những "khán giả" khó tính.
10X cảm thấy buồn vì người trẻ phải uốn mình theo định kiến xã hội quá nhiều.
Bố mẹ, thầy cô nên có cách tiếp cận vấn đề như thế nào để vừa khích lệ ý chí vươn lên của bạn trẻ mà không làm họ cảm thấy áp lực bị so sánh?
Bố mẹ, thầy cô nên tránh so sánh trực tiếp con cái mình với những người khác. Lý do đơn giản nhất là người bị đem ra so sánh sẽ ngay lập tức bắt chước hành động ấy và so sánh ngược lại bố mẹ, thầy cô.
Tạo ganh đua là tạo vòng luẩn quẩn và cái đích vô tận trong đấu trường của những người giỏi hơn mình.
Mình nghĩ hành động tuyệt vời nhất của bố mẹ và thầy cô là khuyến khích mà không ép buộc, cổ vũ mà không phàn nàn, tạo cảm hứng mà không đặt gánh nặng cho giới trẻ trong bất kì lĩnh vực. Bước đầu chấp nhận bản thân và khả năng của người trẻ chính là niềm động lực to lớn giúp họ tự tin thể hiện, phát triển tiềm năng của chính mình.
Hà Vi "hiến kế" để người lớn có cách tiếp cận đúng với con cái mình.
Ở một góc độ khác, giành được học bổng 2,5 tỷ khi còn học lớp 11 nghĩa bạn đã trở thành "con nhà người ta" rồi, bạn cảm thấy việc đó như thế nào?
Nếu ta chưa bao giờ xỏ trên mình chiếc giày của người khác, ta sẽ chẳng cảm thông, không chịu thấu hiểu những gì người khác đang chịu đựng. Sao cứ giày vò con trẻ bằng được với hình mẫu "con nhà người ta", khiến không ít con trẻ trở nên dằn vặt, sợ hãi và luôn cảm thấy có lỗi. Đừng quá áp đặt tư duy vào người trẻ, thay vì thế, bố mẹ hãy giúp chúng con tung lên đôi cánh đẹp nhất của mình!
Hà Vi có ý định du học từ bao giờ? Để chuẩn bị con đường đến cái đích ấy, bạn đã tự trang bị cho mình những kiến thức - kỹ năng gì?
Mình tìm hiểu về hệ thống trường liên kết thế giới (UWC) vào cuối năm lớp 10. UWC thực sự đã "đốn gục" mình với mục đích của trường! Cuộc sống mà UWC hướng tới là một xã hội bình đẳng, không nề hà vật chất. Đó là nơi bạn được chấp nhận, bạn có quyền ngôn luận, nơi giấc mơ được lắng nghe và quan trọng nhất, đó là bước đệm để bạn "dám" thay đổi.
Có điều gì thú vị trong các vòng phỏng vấn du học mà bạn muốn kể cho độc giả nghe không?
Quá trình tuyển chọn của UWC rất thú vị và thử thách. Theo mình, lý do khiến mình thực sự "yêu" quá trình này đó là ban tuyển sinh luôn khuyến khích bạn thể hiện chính con người thật của bạn.
Trước vòng phỏng vấn cuối, việc làm sao để tạo ấn tượng tốt làm mình lo lắng rất nhiều. Luẩn quẩn, bối rối lựa chọn từ quần áo, kiểu tóc, dáng đi đứng, phong thái nói chuyện, thậm chí mình đã định đi mua kính đeo để nhìn có vẻ thông minh hơn…
Hà Vi nhận ra Hội đồng tuyển sinh chấp nhận trao học bổng cho mình vì chính bản thân mình chứ không phải những lối cư xử, ngoại hình vay mượn.
Đến cuối cùng mình đã không theo bất kì kế hoạch nào từng được đặt ra cả mà quyết định sẽ xuất hiện trong dáng điệu mình cảm thấy thoải mái và tự tin nhất, điều đó đã giúp mình rất nhiều trong buổi phỏng vấn.
Hội đồng tuyển sinh chọn bạn vì chính bản thân của bạn có thích hợp với môi trường của UWC hay không. Vậy nên hãy dũng cảm thể hiện bản thân mình nhé, riêng bạn đã rất đặc biệt và độc nhất rồi!
Ai là người có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Hà Vi ở hiện tại và vì sao?
Chắc chắn là bố và mẹ mình rồi. Tuy họ chỉ là hai công nhân viên chức bình thường, có tính cách hoàn toàn khác nhau nhưng có quan điểm chung là đặc biệt nghiêm khắc trong giáo dục con cái.
Mình lớn lên với bài học của bố và ước mơ còn dang dở của mẹ. Họ luôn khuyến khích mình theo đuổi đam mê riêng và tin tưởng vào trách nhiệm của mình. Điều trân trọng nhất ở họ là bố mẹ không xen vào việc riêng hay cố quản thúc đời mình. Nhưng bố mẹ cũng như bao phụ huynh khác, không phải người không có tì vết. Phải chăng đó là cách bố mẹ và mình học cách lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau đã tạo ra sự đồng thuận quan điểm giữa hai bên.
Thế hệ 9X thường có được học bổng khi đã lên ĐH hay sau ĐH nhưng 10X lại khác, họ theo đuổi giấc mơ này từ rất sớm. Theo Hà Vi, điều then chốt nào đã tạo nên sự khác biệt này giữa hai thế hệ?
Thế hệ 9X hay 10X thì cũng luôn có người này người kia, khó có thể dùng một vài cá nhân để đánh giá cho cả một thế hệ được. Mình thiết nghĩ, sự khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ này được tạo ra bởi sự tiếp xúc với công nghệ thông tin mới: Internet.
Điều Hà Vi trân trọng nhất ở bố mẹ là họ không xen vào việc riêng hay cố quản thúc đời cô bạn.
Và cuối cùng, bạn muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang chịu nhiều áp lực từ phía gia đình, không sống đúng với mong muốn của họ?
Mình xin mượn câu nói của John Mason để khép lại cuộc trò chuyện này: "Sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao". Theo mình, đáng sợ nhất là cuộc đời của mình nhưng đã cam chịu sống để hài lòng đời người khác.