Bài viết là lời chia sẻ của một cô gái tên là Christine Ji.
Vào năm cuối Đại học - mùa thu năm 2022, tôi quyết tâm phải vào một ngân hàng nổi tiếng, kiếm thật nhiều tiền tại phố Wall nên đã nộp đơn đi xin việc khắp nơi. Tôi đã dành hơn 100 giờ chuẩn bị phỏng vấn, kết nối hơn 50 cuộc điện thoại với 4 ngân hàng lớn để có công việc mơ ước. Sự chăm chỉ của tôi đã được đền đáp, tôi được về làm việc và trở thành chuyên viên chính thức cho một ngân hàng lớn.
Tôi biết công việc ngân hàng sẽ căng thẳng nhưng tôi không thể ngờ nó quá kinh khủng khi tôi trở thành chuyên viên chính thức. Nhà phân tích năm thứ nhất là tôi đã dành hàng giờ để làm bất cứ điều gì và mọi thứ khi nhận được yêu cầu từ lãnh đạo.
Tôi tư vấn cho khách hàng những thương vụ thu mua, sáp nhập doanh nghiệp, làm báo cáo phân tích tài chính, làm side PowerPoint để thuyết trình trohng các cuộc họp, trả lời email và gọi điện suốt ngày đêm. Thu nhập mà tôi nhận được là mức lương 6 con số - 110.000 USD/năm (khoảng 2,7 tỷ đồng).
Môi trường làm việc khá cạnh tranh. Không ít nhà phân tích sau một thời gian leo lên vị trí trưởng phòng, giám đốc điều hành,... Nhưng cũng không ít người dù làm việc chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nhưng mất việc sau nhiều đợt sa thải.
Christine Ji.
Toàn bộ cuộc sống của tôi xoay quanh công việc . Tôi mất ngủ, lo lắng và cảm thấy bất hạnh. Tuần mà tôi ngất xỉu là do cơ thể mệt mỏi, phải thức khuya liên tiếp nhiều đêm để nhóm của tôi hoàn tất một hợp đồng.
Để đảm bảo tiến độ công việc, tôi đành nghiến răng uống caffein trong 8 tháng. Vào một ngày khi đang nói chuyện với đồng nghiệp, tôi bỗng thấy những đốm đen nhảy múa trước mặt. Đột nhiên mắt tôi tối sầm, tôi thở gấp và đổ gục xuống sàn. Tôi cố gắng đứng dậy nhưng trước mắt là một màu đen.
Một đồng nghiệp của tôi đã gọi xe cấp cứu. Tôi được đưa đi trên cáng, đầu đau nhức và thấy buồn nôn kinh khủng. Suốt 1 ngày dài, tôi phải chụp CT, làm xét nghiệm, truyền dịch, lấy mẫu nước tiểu. Sau đó bác sĩ kết luận là do tôi lao lực, cần về nhà nghỉ ngơi.
Khi từ bệnh viện về nhà, tôi nhận ra mình có 3 cuộc gọi nhỡ, trong đó có một bạn sinh viên năm cuối. Tôi vội vàng nhắn lại: "Xin lỗi ngày mai tôi không thể gặp bạn và trao đổi, tôi đang không khoẻ. Bạn vui lòng liên hệ với một thành viên khác trong nhóm tôi để được hỗ trợ nhé".
Tôi thấy sự háo hức, mong chờ của bạn sinh viên cũng giống như mình hồi trước. Tôi lại tự hỏi bạn ấy có biết mình đang dấn thân vì điều gì hay không.
Sau lần ốm đó, các đồng nghiệp đã trấn an rằng tôi không nên hoảng sợ, sẽ ổn thôi. Tôi được biết rằng tôi không phải là người đầu tiên trong công ty gặp phải chuyện như vậy. Công ty cho tôi được nghỉ ngơi 1 tuần để ổn định sức khoẻ. Nhưng cứ nghĩ đến hợp đồng sắp ký kết khiến tôi nôn nóng, tôi thấy mình phải quay lại văn phòng càng sớm càng tốt. Vì thế tôi chỉ nghỉ 3 ngày rồi quay trở lại công việc, 3 ngày đó tôi chỉ dành để ngủ vùi.
Trở lại làm việc, tôi thấy rõ mọi người chấp nhận sự việc như "sản phẩm phụ" không thể tránh khỏi của công việc. Email và hàng tá việc lại chất đống, xoay vần tôi. Cuối cùng do không thể chịu đựng, tôi quyết định sẽ nghỉ việc. Nhiều người khuyên tôi nên cân nhắc, thay vì rời đi hãy tìm cách vượt qua nỗi đau. Tôi tự hỏi liệu mình có quyết định đúng đắn, định hướng sự nghiệp sau tuổi 22 sẽ ra sao?
(Ảnh minh hoạ)
Nhưng rồi tôi nhận ra, tôi không muốn tiếp tục làm việc quá sức đến mức suy sụp. Tôi cảm thấy sức khoẻ tinh thần và thể chất rất quan trọng. Tôi không thể tiếp tục làm việc như con robot đã được lập trình, Mới ra trường, tôi không thể huỷ hoại cuộc đời mình.
3 tháng sau lần bị ngất xỉu, tôi quyết định nghỉ việc để theo đuổi ngành Báo chí. Đây là ngành học mà tôi đam mê nhưng không có thời gian khám phá khi làm chuyên viên ở ngân hàng. Tôi nghĩ khởi đầu sẽ rất khó khăn nhưng tôi sẽ nỗ lực và qua sự việc, tôi cũng sẽ chú ý đến sức khoẻ hơn. Bởi có những thứ mà có nhiều tiền cũng không thể mua được, đó là sức khoẻ, là hạnh phúc, là sự bình yên tâm hồn.
Nguồn: BI