Một cần thủ nữ đã bất ngờ câu được một sinh vật có cơ thể rất dài màu đỏ. Sinh vật này có phần miệng chiếm tới gần 1/3 chiều dài cơ thể của nó. Vậy danh tính của loài sinh vật biển này là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Sinh vật kỳ lạ bị cần thủ nữ bắt được (Ảnh: West Hawaii Today)
Sinh vật bí ẩn trên chính là một con cá lao không vảy (danh pháp khoa học: Fistularia petimba) - một loài cá hiếm cùng họ với cá ngựa, sống ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng có thể sống cả môi trường nước mặn và nước lợ, nơi có các rặng đá ngầm hay san hô.
Chiều dài của loài cá này thường rơi vào khoảng 100 cm, kích thước tối đa là 200 cm. Chúng ưa thích sống ở độ sâu 18 - 57 m với thức ăn chủ yếu là các loài cá và tôm nhỏ và thời gian kiếm ăn chủ yếu vào lúc chạng vạng.
Cá lao không vảy (Ảnh: Wiki)
Chiếc miệng dài của cá lao giúp chúng hút các sinh vật nhỏ hay thọc sâu vào các khe đá hẹp để bắt lấy con mồi đang trốn bên trong. Ở Việt Nam cũng có loài cá kỳ lạ này, người ta thường gọi chúng là cá chìa vôi đỏ.
Trong đó, cá chìa vôi đỏ tập trung chủ yếu ở các vùng biển có các rặng san hô thuộc miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định...). Loài cá này rất nhiều thịt, chỉ có một trục xương sống ở giữa, thịt chứa nhiều dinh dưỡng nên là món ăn đắt đỏ.
Thịt cá là nguồn cung cấp nhiều chất đạm, canxi, sắt... giúp tạo hồng cầu, acid béo omega-3, ít chất béo, nhiều vitamin như niacin, B6 và khoáng chất như canxi, sắt... Ngoài ra, loài cá này còn được dùng làm thuốc (tên gọi của loài cá này trong y học là cá hải long).
Theo trang Hải Sản Tươi Sạch Biên Hòa, giá của cá chìa vôi đỏ trong các nhà hàng hải sản Đà Nẵng có thể trên dưới 1 triệu đồng. Do đó đây là món mà chỉ có 'nhà giàu mới dám ăn' vì giá cao và ngày càng khan hiếm.