Gặp Bác sĩ Hà Mai Linh (sinh năm 1990) tại Trung tâm Hỗ Trợ Sinh Sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), nhiều người sẽ nhầm tưởng với một kỹ thuật viên trẻ nhưng sự thực đó là nữ bác sĩ trẻ tài năng của Bệnh viện, người đã mang về giải thưởng Best Oral Presentation tại Hội nghị Sáng kiến về Hỗ Trợ Sinh Sản Châu Á Thái Bình Dương năm 2022 với đề tài "Tỷ lệ khảm ở phôi nang và các yếu tố liên quan".
Bản lĩnh thể hiện qua những công trình khoa học
Nghiên cứu này được tiến hành trên 975 phôi nang thu được từ 328 cặp vợ chồng làm thụ tinh ống nghiệm và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phát hiện lệch bội tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội từ tháng 1/2019 đến hết tháng 12/2020.
Nghiên cứu nhằm khảo sát mối liên quan giữa các đặc điểm của mẹ, của bố, phác đồ kích thích buồng trứng cũng như các đặc điểm của bản thân phôi với nguy cơ mang bộ NST khảm (phôi có chứa 2 hoặc hơn 2 dòng tế bào với bộ NST khác nhau) ở phôi nang.
Nghiên cứu này đã cung cấp thêm thông tin để bác sĩ lâm sàng tư vấn cho khách hàng và giúp chuyên viên phôi học có thêm cơ sở khoa học để lựa chọn được những phôi tốt nhất trước khi sinh thiết hoặc chuyển phôi cho người bệnh.
Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này là thành quả của tập thể Trung tâm IVFTA, nhưng báo cáo viên chính là người trình bày đề tài đó để thuyết phục hội đồng đánh giá, không những phải nắm vững các kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải có bản lĩnh vững vàng trước các đồng nghiệp quốc tế và trả lời được tất cả những vấn đề được hội đồng đặt ra.
Trước đó, Bác sĩ Hà Mai Linh cũng là báo cáo viên cho đề tài nghiên cứu khoa học với đề tài "Mối liên quan giữa hình thái phôi nang với bất thường nhiễm sắc thể và kết quả lâm sàng". Nghiên cứu này cũng đã được lựa chọn để báo cáo tại hội nghị Sáng kiến về Hỗ Trợ Sinh Sản Châu Á Thái Bình Dương năm 2020. Đề tài có tác dụng giúp các chuyên viên phôi có thể lựa chọn được những phôi tốt nhất trước khi làm sinh thiết và chuyển phôi cho người bệnh.
Bác sĩ Hà Mai Linh theo học ĐH Y Hà Nội 9 năm (6 năm đại học chuyên ngành Bác sĩ đa khoa và 3 năm học Bác sĩ nội trú chuyên ngành Mô - phôi thai học), ra trường cầm 2 tấm bằng loại giỏi, cũng có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn khác. Nhưng Mai Linh đã chọn đầu quân cho BVĐK Tâm Anh Hà Nội và trở thành nữ bác sĩ phòng lab IVFTA. Cô góp mặt vào đội ngũ "người giấu mặt" trong hành trình giúp hàng nghìn những em bé ra đời và mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho những người đang khát khao làm cha làm mẹ. Một lý do khác nữa cũng vì đam mê nghiên cứu khoa học vốn luôn ở trong cô và Linh biết đây là môi trường có nhiều điều kiện tốt cho cô phát huy thế mạnh của mình như luôn được quan tâm phát triển nghiên cứu khoa học, được học tập, đào tạo nâng cao trình độ liên tục…
Hà Mai Linh vẫn nhớ như in cảm xúc khi lần đầu tới nơi mình sẽ chọn gắn bó: "Khi mới bước chân đến đây, môi trường bệnh viện "5 sao" toàn diện không chỉ dịch vụ, môi trường làm việc và văn hoá ứng xử giữa đồng nghiệp, thầy cô… khiến tôi có cảm giác khác biệt hoàn toàn với các bệnh viện trước đấy mình hình dung hay đã từng thực tập.
Ở đây không có mùi cồn thuốc, không có bệnh nhân ngồi dài mệt mỏi, chật chội chờ ở hành lang mà mọi người được chăm sóc, phục vụ, khám chữa bệnh với cả sự tận tâm, tình yêu thương, chia sẻ, quan trọng nhất là sức khoẻ và hiệu quả điều trị của người bệnh được đặt lên hàng đầu. Tôi thấy hạnh phúc nhiều hơn, không có sự đau khổ như người ta nghĩ về bệnh viện. Đặc biệt hơn nữa khi tiếp xúc và làm việc trực tiếp với PGS Lê Hoàng, sự gần gũi như người cha, người thầy lớn khiến tôi cảm thấy vững tâm.
Bản thân tôi là người cầu thị học tập nên dù có 2 tấm bằng loại giỏi nhưng việc định kỳ phải trải qua những cuộc thi nâng bậc dần, đạt được các yêu cầu cao mới được chính thức làm và nâng bậc khiến tôi luôn có cảm hứng thú với việc chinh phục những nâng thang mới".
Bác sĩ nếu không nghiên cứu khoa học chỉ là người thợ khám
Nói kỹ hơn về "người thầy" đưa cô đến với các đề tài nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVFTA, Linh nói: "Thầy đã nói với chúng tôi rằng bác sĩ nếu không nghiên cứu khoa học chỉ là người thợ khám. Chính vì vậy tại Trung tâm mảng nghiên cứu khoa học luôn được chú trọng bằng việc cho các bác sĩ đi học, mời người về đào tạo. Từ kiến thức cơ bản đến nâng cao, dần dần chúng tôi đủ tự tin để đưa những nghiên cứu này ra trong nước và quốc tế".
Nghiên cứu khoa học phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, chính từ trong quá trình làm việc, người thực hiện có những băn khoăn lựa chọn phương pháp A hay phương pháp B tốt hơn và giải bài toán đó. Tuy nhiên, không thể sử dụng một câu trả lời cảm tính, phải sử dụng bằng chứng từ những nghiên cứu có tính giá trị bằng số liệu cụ thể và dữ liệu khoa học đủ thuyết phục.
Công việc của Linh hiện ở vai trò một bác sĩ phòng lab IVF được cô giải thích bao gồm các kỹ thuật trên noãn, tinh trùng và phôi từ sau thủ thuật chọc hút noãn như xử lý noãn, tinh trùng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, trữ lạnh và chuyển phôi... Quy trình của phòng lab là phải đảm bảo tuyệt đối đúng bệnh nhân, đúng phôi, đúng noãn, không thể có bất kỳ sai sót nào nên luôn phải làm việc tập trung nghiêm túc và có nhiều phương pháp kiểm tra, đối chiếu chéo. Hơn thế cũng cần làm nhanh và chính xác, hạn chế việc noãn và phôi tiếp xúc lâu với môi trường bên ngoài. Tại IVF Tâm Anh còn một khó khăn nữa là liên tục phải học tập, làm chủ các máy móc kĩ thuật mới hiện đại hàng đầu thế giới được trang bị mỗi năm. Có những công nghệ thiết bị vừa mới được biết qua thông tin sách vở thì có thể ngay ngày mai đã có mặt tại IVF Tâm Anh, nên các bác sĩ và nhân viên vừa thích thú nhưng cũng rất áp lực. "Máy móc thiết bị hiện đại như những chú ngựa chiến bất kham, làm chủ không dễ nhưng chắc chắn khi thuần phục sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công việc, cho người bệnh. Thành công của mỗi ca IVF không còn là nhờ may rủi mà tỷ lệ được nâng cao bền vững nhờ công nghệ hiện đại và quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt trong toàn bộ các khâu", Bác sĩ Mai Linh chia sẻ.
Luôn là người đứng đằng sau trong hành trình tạo nên những "em bé ống nghiệm" nên một lời cảm ơn có tính động viên cũng là xa xỉ với bác sĩ phòng lab vì bệnh nhân không biết họ là ai. Tuy nhiên, bác sĩ Mai Linh không chạnh lòng: "Mình không có suy nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu suy nghĩ thiệt thòi mình đã không bước chân vào".
Học Y đã khó, tốt nghiệp loại giỏi trường Y còn khó hơn, sau này lại làm nhiều liên quan đến nghiên cứu khoa học - một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao, nhiều người quan tâm đến phương pháp học tập và nghiên cứu của Mai Linh. Nữ bác sĩ này tiết lộ thời đi học cô cũng vẫn còn học theo cách truyền thống nhiều do mạng internet chưa phát triển như bây giờ. Cách thức học của Mai Linh mà cô thấy hiệu quả với chính mình là đọc bài trước khi đến lớp, gạch những điểm nhấn và hỏi lại thầy cô khi có thắc mắc. Cách học này cho cô nhớ bài lâu, dù nó mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nó cho cô 1 phương pháp học chủ động, tư duy thích khám phá, thích đào sâu nên cô không thấy mệt vì thích thú.
Ở đời sống riêng tư, sau khi lấy chồng 2 năm mới có con, nên cô thấu hiểu và đồng cảm với bệnh nhân hiếm muộn. Bởi vậy, có những ca chính cô day dứt vì bệnh nhân do nhiều nguyên nhân mà chưa thể thành công. Ngoài ra có những ca khó mà bệnh nhân lớn tuổi, hoặc suy buồng trứng, thậm chí có người bệnh đã từng chọc hút rất nhiều lần và lần này chỉ có 1 nang noãn duy nhất, vì thế, khi tìm thấy noãn, cả phòng lab và phòng thủ thuật có thể reo lên vui mừng. Hạnh phúc đôi khi chỉ là vì tìm thấy một cơ hội, dù là nhỏ nhoi được làm cha mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bác sĩ Hà Mai Linh với hình ảnh cuộc sống thường ngày.
Công việc ở trung tâm bận rộn do bệnh nhân nhiều, đôi khi có chuyên gia về hướng dẫn nghiên cứu khoa học, hoặc say mê nghiên cứu 10 giờ đêm mới về đến nhà. Nhưng Mai Linh không hề cảm thấy quá vất vả. Dù hiện tại đã có gia đình nhỏ, đã làm vợ, làm mẹ, nhưng nữ bác sĩ vẫn đầy nhiệt huyết vì: "Cũng may có ông bà giúp đỡ trông cháu, đưa đón con đi trẻ giúp".
Cuối cùng nữ bác sĩ trẻ tâm sự: "Mình chọn nghề này và cảm thấy tự hào. Mỗi em bé ra đời là thành công của cả đội ngũ y bác sĩ và nghị lực của một gia đình. Được làm một mắt xích trong hành trình tìm con của những vợ chồng hiếm muộn cũng là hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy đến muộn hơn những người khác, nhưng hạnh phúc nào cũng là điều tuyệt vời mà tôi và các bác sĩ phòng lab được trải nghiệm".