Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền

Thanh Hải, Theo Tiền Phong 21:34 04/08/2022
Chia sẻ

Nottingham Forest đã trở lại và chuẩn bị chơi trận đầu tiên ở Premier League sau 23 năm vắng bóng. Đó là lúc chúng ta nhớ lại khoảng thời gian hào hùng của họ, khi làm nên những kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá châu Âu.

Nottingham Forest đã trở lại và chuẩn bị chơi trận đầu tiên ở Premier League sau 23 năm vắng bóng. Đó là lúc chúng ta nhớ lại khoảng thời gian hào hùng của họ, khi làm nên những kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá châu Âu.

Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền - Ảnh 1.

Cho đến nay, câu chuyện kỳ diệu mang tên Nottingham Forest vẫn còn được lưu truyền trên khắp châu Âu. Từ hạng hai mùa 1976/77, họ 'đột nhập' vào giải hạng nhất và 'đánh cắp' chức vô địch ngay trong mùa đầu tiên chơi ở đây (1977/78). Nhân tiện, cũng giành luôn League Cup trong năm đó.

Những điều khó tin nhất vẫn còn ở phía trước. Đội bóng của HLV Brian Clough trở thành Vua châu Âu mùa 1978/79 sau khi đánh bại Malmo ở Munich. Họ lại chiến thắng một lần nữa vào mùa 1979/80, lần này trước Hamburg ở Madrid. Không phải là một hiện tượng thoáng qua, Forest mở ra thời kỳ lừng lẫy, với 9 danh hiệu lớn trong 12 năm (1 VĐQG, 2 Cúp C1, 4 League Cup, 1 Siêu Cúp Anh và 1 Siêu Cúp châu Âu).

Thành phố Nottingham từng nổi tiếng với nhân vật đầy màu sắc huyền thoại Robin Hood, chuyên cướp của người giàu và chia cho dân nghèo. Trong bóng đá, Nottingham Forest chính là hóa thân của Robin Hood. Từ một đội bóng khiêm tốn, họ tấn công thẳng vào tầng lớp quý tộc của bóng đá Anh và viết lại lịch sử bóng đá Anh. Đó là câu chuyện đầy cảm hứng về kẻ yếu có thể lật đổ những gã khổng lồ, biến điều không thể thành có thể.

Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền - Ảnh 2.

Trước khi gặt hái thành công cùng Brian Clough, Forest là đội bóng ở hạng 2. (Ảnh: Getty Images)

Vào bây giờ, thật khó để lý giải chính xác tại sao Forest lại thành công đến vậy dưới thời Clough, nhất là nhìn dưới góc độ bóng đá hiện đại, vốn bị ám ảnh bởi các phương pháp khoa học và phân tích dữ liệu.

Khi Clough tới Forest vào một ngày đầu năm 1975, trên chiếc Mercedes chiến lợi phẩm của mối tình kết thúc chóng vánh với Leeds, đội bóng này đang vật lộn ở giải hạng 2. Cơ sở vật chất ở một đội bóng như thế đương nhiên rất tồi tàn. Chẳng vấn đề gì. Clough nói rằng con người mới quan trọng nhất.

Nghe khá hợp lý, nhưng cách chọn người của Clough cũng rất dị. Ông đã mang Kenny Burns về từ Birmingham. Gã này nổi tiếng nát rượu đến nỗi Chủ tịch của Birmingham cũng cảm thấy ái ngại, khuyên “đừng mua làm gì, vì hắn chỉ mang tới rắc rối”. John Robertson thì nghiện thuốc nặng nhưng lại thích cười, khoe hàm răng đen kịt vì khói thuốc. Garry Birtles có công việc chính là giặt thảm, thỉnh thoảng đá phủi cho vui vào Chủ nhật.

Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền - Ảnh 3.

Brian Clough cùng chiếc Cúp C1 châu Âu. (Ảnh: Getty Images)

Clough cũng lôi kéo Frank Clark khi anh này chuẩn bị ký hợp đồng với đội hạng 4, 'thuổng' chiếc máy giặt từ phòng giặt là của đội làm phí mua Larry Lloyd. Sau khi hoàn thành thương vụ Brian Laws, ông lôi anh này đến quán rượu và hỏi: “Cậu nghĩ mình là cầu thủ giỏi hay tệ?”. Hơi choáng, Laws đáp: “Tôi giỏi, thưa sếp”. Clough nói tiếp: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu chuyện đó sau, nhưng này, nếu cậu giỏi thật, nhớ bảo tôi là người đưa cậu về. Còn là đứa tào lao, nói rằng (trợ lý) Ron Fenton làm việc đó”.

Bạn khó tưởng tượng rằng Laws sau đó trở thành hậu vệ phải cừ khôi, Birtles nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu, Burns được coi là “Bobby Moore của Scotland”, Lloyd lên tuyển Anh, Robertson là chuyên gia những bàn quyết định, đồng thời được nhiều chuyên gia đánh giá cao hơn huyền thoại Stanley Matthews.

Nếu cho rằng họ trở nên giỏi hơn nhờ các bài tập của Clough, bạn đã nhầm. Họ họp nhóm trong quán café McKay's đầy dầu mỡ và ních đầy một bụng khoai tây chiên. Trên sân tập, họ chơi trốn tìm hoặc cõng và đạp nhau ngã. Có nhiều lúc các cầu thủ được nghỉ cả tuần, chỉ gặp nhau vào thứ Sáu để lên xe, hành quân đến trận đấu vào thứ Bảy.

Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền - Ảnh 4.

Không chỉ một, Forest đã vô địch châu Âu 2 lần liên tiếp. (Ảnh: Getty Images)

Có một câu chuyện kể rằng đêm trước bán kết Cúp C1 năm 1980 gặp Ajax, các cầu thủ Forest đã nhậu say bí tỉ trong quán rượu ở khu đèn đỏ của Amsterdam. Tới chung kết, mặc kệ đối thủ là Hamburg, Clough tuyên bố cả đội không cần tập luyện, chỉ uống rượu và thư giãn. Đến khi chỉ còn 24 tiếng nữa sẽ bước vào trận chung kết, thủ môn Peter Shilton mới xin Clough cho cả đội vận động chút ít.

Vậy là Clough dẫn cả đội tới bãi cỏ ở khúc quanh của đường cao tốc và tập luyện. Cũng chính đội bóng ấy, với những con người tưởng như bệ rạc ấy đã ra sân và đánh bại Hamburg ngon ơ. Người ghi bàn cho Forest là Gary Mills trong khi ngôi sao Kevin Keegan bên phía Hamburg bị Burns biến thành gã vô hại. Số là trước trận, Burns nhai miếng kẹo cao su giả vờ là miếng thịt sống và dọa sẽ làm gỏi Keegan khiến tiền đạo 2 lần giành Quả bóng Vàng chết khiếp.

Chi tiết này phản ánh cá tính của Forest thời đó. Họ đầy tính chiến đấu. Clough là bậc thầy trong việc truyền cảm hứng, thổi bùng sự tự tin và khiến các học trò luôn ra sân với tâm lý kiêu ngạo của kẻ sắp giành chiến thắng. Những cầu thủ ông đưa về cũng không được mua một cách tùy tiện, mà nhờ con mắt tinh đời của trợ lý Peter Taylor. Họ được vui chơi thoải mái trên sân tập, yếu tố tạo nên sự đoàn kết, nhưng vào thời điểm nhất định, trải qua các bài tập khắc nghiệt ở trình độ cao.

Nottingham Forest và những năm tháng điên rồ, từ hạng 2 trở thành nhà vô địch châu Âu 2 năm liền - Ảnh 5.

Brian Clough huyền thoại trong một trận đấu của Forest tại Cúp FA năm 1979. (Ảnh: Getty Images)

Với phương pháp phi chính thống này, Clough đã giúp Forest đạt được những kỳ tích vô tiền khoáng hậu mà nhiều đội bóng chỉ có thể mơ ước. Ví dụ như việc vô địch châu Âu ngay mùa đầu tham dự, sau đó bảo vệ thành công ngôi vô địch ở mùa tiếp theo. MU cần 11 năm kể từ lần tham dự đầu tiên tới khi đăng quang (1968), sau đó chờ tiếp 31 năm nữa mới giành Cúp lần thứ hai.

Sau những thăng trầm, Forest không còn giữ được ánh hào quang xưa, phải lặn ngụp ở hạng dưới 23 năm trước khi được hít thở bầu không khí sang trọng của giải đấu hàng đầu nước Anh. Thế nhưng không gì có thể xóa mờ lịch sử vinh quang mà họ đã tạo ra. Trong sảnh danh vọng của Bảo tàng bóng đá Anh, Forest là một trong 7 đội được vinh danh, bên cạnh MU 1950 - 1968, ĐT Anh 1966, Liverpool 1978, Preston 1988-89, Man City 1968-70 và Aston Villa 1982.

“Chúng tôi giống như ngôi sao chổi lướt qua bầu trời đêm. Có thể nhiều người cho rằng nó quá ngắn ngủi, nhưng bạn ơi, chúng tôi đã rực sáng một thời gian rồi”, John McGovern, cựu tiền vệ của Forest nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày