NÓNG: Sau Bách Khoa Hà Nội, thêm một "trường đại học" được chuyển thành "đại học"

Đông, Theo Phụ nữ mới 14:50 04/10/2023
Chia sẻ

Để "đẩy" chữ "trường" ra khỏi tên gọi, đơn vị này đã trải qua thời gian dài chuẩn bị.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc chuyển "Trường đại học Kinh tế TP.HCM" thành "Đại học Kinh tế TP.HCM". Với quyết định này, sau Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ chính thức bỏ chữ "trường" ra khỏi tên gọi của mình.

Theo đó, Đại học Kinh tế TP.HCM là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đại học Kinh tế TP.HCM phải thực hiện cơ cấu lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở "Trường đại học Kinh tế TP.HCM" theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan.

Hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng của Trường đại học Kinh tế TP.HCM tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hội đồng đại học, công nhận chủ tịch hội đồng đại học và công nhận giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM. Trong quá trình tổ chức lại, nhà trường phải đảm bảo hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

NÓNG: Sau Bách Khoa Hà Nội, thêm một trường đại học được chuyển thành đại học - Ảnh 1.

"Trường đại học Kinh tế TP.HCM" đã chính thức đổi tên thành "Đại học Kinh tế TP.HCM"

Để "đẩy" chữ "trường" ra khỏi tên gọi, đơn vị này đã trải qua thời gian dài chuẩn bị. Từ năm 2021, Đại học Kinh tế TP.HCM đã thành lập 3 trường thành viên gồm Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cùng với Phân hiệu Vĩnh Long.

Việc chuyển từ "Trường đại học Kinh tế TP.HCM" thành "Đại học Kinh tế TP.HCM" khiến UEH chính thức trở thành 1 trong 7 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình "đại học đa ngành, đa lĩnh vực", bên cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, ba đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Quy mô đào tạo của toàn trường hiện tại là hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ đại học, 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ.

Đại học và trường đại học khác nhau ra sao?

Theo dự thảo Luật quy định rõ hệ thống Giáo dục Đại học Việt Nam bao gồm: Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở GDĐH khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, "trường đại học" là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018.

Còn "đại học" là tập hợp nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo. Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số các cơ sở giáo dục đại học khác. Ngoài ra, đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày