Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy khi những người bán hàng ở Trung Quốc đang biểu tình vì bị đối xử bất công.
Từng được coi là đối thủ mới thách thức ngôi vương của Amazon tại Mỹ nhưng giờ đây Temu lại ngập trong khủng hoảng vì "chiêu trò" né thuế, không đăng ký kinh doanh, tận dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh hàng giá rẻ đang bị chính phủ siết chặt quản lý.
Chính điều này đã khiến Temu phải thay đổi chính sách, đồng thời ưu đãi người mua hơn để giữ tăng trưởng, qua đó chèn ép bên bán khiến bên cung ứng tại Trung Quốc nổi giận.
Hãng tin CNN cho biết hàng trăm người biểu tình tại Trung Quốc đã tụ tập ở văn phòng Temu đặt tại Guangzhou để phản đối các chính sách bất công của hãng.
Những người biểu tình này cho biết việc Temu phạt người bán một cách vô lý, găm giữ các khoản doanh thu quá lâu dù hàng đã bán cùng vô số những động thái coi thường khác đã khiến mọi người phẫn nộ.
Cuộc biểu tình trên bắt đầu nổ ra từ đầu tuần và đã kéo dài đến tận giữa tuần này, qua đó cho thấy cuộc khủng hoảng của Temu đang phải đối mặt.
Mặc dù mới chỉ thành lập được 2 năm nhưng Temu đã nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của Amazon tại Mỹ, qua đó giúp công ty mẹ PDD vượt mặt Alibaba để trở thành hãng TMĐT có tổng mức vốn hóa lớn nhất Trung Quốc.
Số liệu của Marketplace Pulse cho thấy hơn 100.000 cửa hàng bán trên Temu là đến từ Trung Quốc, tận dụng quy định không phải nộp thuế của hải quan Mỹ.
Cụ thể, Mục 321 trong Luật hải quan Mỹ, hay còn được gọi là "De Minimis", cho phép các hãng TMĐT Trung Quốc tránh phải trả thuế hay lệ phí với những lô hàng được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu có giá trị dưới 800 USD.
Theo phóng viên CNN, đám đông người biểu tình tại Guangzhou đã căng biểu ngữ đòi lại tiền từ Temu, một số người đã đột nhập được vào văn phòng và ngồi lỳ ở đó yêu cầu được đại diện công ty ra giải quyết.
Tình hình vụ việc diễn ra khá căng thẳng và ầm ĩ nhưng không có xô xát hay thương vong nào.
Trả lời CNN, hai nhà cung ứng xin được giấu tên trong cuộc biểu tình cho biết họ muốn phản đối chính sách phạt bất công của Temu, đòi một tỷ lệ hoa hồng đáng kể từ doanh số nhưng dịch vụ hỗ trợ bên bán thì lại quá tệ.
Tình trạng giao hàng chậm, mô tả không đúng quy định về sản phẩm hay gửi sai hàng bị Temu phạt cao gấp 5 lần so với giá bán buôn của sản phẩm, khiến nhiều bên cung ứng nản lòng.
Thêm nữa, việc Temu tìm mọi cách để ưu đãi người mua như miễn phí trả hàng trong 90 ngày, miễn phí ship và chỉ được điều chỉnh giá sau mỗi 30 ngày dù hấp dẫn với khách hàng nhưng lại làm khó bên bán.
"Họ phạt chúng tôi kể cả khi lỗi không thuộc về bên bán. Nếu một lô hàng lỗi thì họ phạt hết toàn bộ số sản phẩm còn lại", một người biểu tình bức xúc.
Thậm chí một người bán còn cho phóng viên thấy anh nhận được 279 lần phạt với tổng số tiền lên đến 114 triệu Nhân dân tệ, tương đương 16 triệu USD.
Một người bán khác thì cho biết Temu đã đóng băng bất hợp pháp khoản doanh thu 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương 276.000 USD dù thương vụ đã được hoàn tất. Người phụ nữ giấu tên này cho biết khoản tiền này là để trả lương cùng những chi phí khác nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trên Temu.
"Họ bảo tôi là sản phẩm đã vi phạm các quy định của nền tảng nhưng tôi không hiểu mình sai ở chỗ nào khi khách hàng đã mua thành công. Tôi thực sự tuyệt vọng khi nghĩ đến cảnh mất sự nghiệp và đổ vỡ gia đình. Tôi rất hối hận khi đã tham gia nền tảng TMĐT này", người phụ nữ nói với CNN.
Phía đại diện Temu thì cho biết quy mô của cuộc biểu tình không đến hàng trăm người như CNN đã chứng kiến mà chỉ là "một vài" nhà cung ứng vốn cũng đang hoạt động cho đối thủ Shein tại Guangzhou.
"Họ không hài lòng với cách Temu xử lý các vấn đề hậu bán hàng liên quan đến chất lượng và tuân thủ quy tắc, dẫn đến tranh chấp số tiền lên đến hàng triệu Nhân dân tệ. Tình hình hiện vẫn ổn định và doanh nghiệp đang tích cực làm việc với bên bán hàng để tìm kiếm giải pháp", đại diện Temu trả lời hãng tin CNN.
Số liệu của Sensor Tower cho thấy kể từ khi ra mắt đến nay, Temu đã có hơn 600 triệu lượt tải xuống ở Mỹ và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại thị trường này năm 2023. Đây cũng là ứng dụng được tải nhiều thứ 8 trên toàn cầu trong năm ngoái.
Báo cáo của Goldman Sachs thì ước tính Temu đạt 45 tỷ USD GMV (chỉ số đo lường tổng giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ được bán qua một kênh TMĐT trong một khoảng thời gian nhất định) trong năm nay.
Con số này cao hơn nhiều so với mức 18 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và 300 triệu USD năm 2022.
Hãng Sensor Tower nhận định việc Temu giảm giá bất chấp, cắt các chi phí của bên bán hàng để chiều lòng người mua là một hành vi "ăn xổi", nhắm đến ngắn hạn và tồn tại nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ivy Yang của Wavelet Strategy cũng cho rằng cách kinh doanh bất bình đẳng này cuối cùng sẽ phản tác dụng khi người mua chỉ muốn hàng rẻ hơn, nhanh hơn khiến bên bán dần không còn lợi nhuận.
"Sự bất mãn của bên bán tại Temu đã âm ỉ trong thời gian dài và cuối cùng đạt điểm giới hạn khi mọi người không chịu đựng nổi nữa. Họ tức giận vì sự thiếu minh bạch cũng như không thể tiếp tục kiếm lợi nhuận trên nền tảng TMĐT này nữa dù đã đầu tư rất nhiều tiền", chuyên gia Yang nói.
"Từ góc nhìn của doanh nghiệp thì việc giảm giá để hút khách hàng, giành thị phần đang là điều quan trọng nhất với Temu. Thế nhưng giảm giá đồng nghĩa bên bán phải cắt giảm chi phí, qua đó hạ chất lượng sản phẩm, vi phạm quy định của Temu và bị phạt, qua đó tạo thành vòng luẩn quẩn", cô Yang bổ sung.
Quay trở lại cuộc biểu tình, một thương nhân bán điện thoại trên Temu cho biết anh bị lỗ đến 80.000 USD vì những khoản phạt của Temu. Đó là chưa kể đến 200 chiếc điện thoại bị khiếu nại khiến anh phải hoàn tiền cho khách nhưng chưa hề nhận được sản phẩm gửi lại.
Một người đàn ông khác tên Xiang thì cho biết rất nhiều người bán đã phá sản và phải ngừng hoạt động trên Temu. Bản thân ông Xiang kể từ khi kinh doanh trên Temu vào năm ngoái đã lỗ đến 41.000 USD, qua đó buộc phải đóng cửa kinh doanh kèm khoản nợ hàng chục nghìn USD.
"Chúng tôi không được chứng kiến bất kỳ tài liệu nào cho việc hoàn hàng cũng như không liên lạc được với người mua để hỏi lý do. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận bị phạt nếu họ đưa ra được bằng chứng nhưng công ty lại chẳng đưa ra thứ gì mà cứ phạt thẳng tay", chị Ke Ling, một người bán trên Temu tại Dongguan-Guangzhou tức giận nói.
Mặc dù phía Temu cho biết hãng làm đúng quy trình hợp đồng nhưng chị Ke cho biết chẳng có điều khoản nào về phạt như thế này khi chị ký đầu năm 2023. Mãi sau này Temu mới cập nhật thêm các điều khoản mới.
"Chúng tôi bị ép phải ký vào bản hợp đồng đó nếu còn muốn tiếp tục kinh doanh trên Temu, mà chúng tôi thì đã đổ quá nhiều tiền đầu tư vào đây rồi để có thể rút lui", chị Ke than thở.
"Người bán hàng không bị ép kinh doanh trên Temu mà có thể tự do rời sang những nền tảng khác bất cứ khi nào", người phát ngôn của Temu đáp trả.
Nguồn: CNN, WSJ, FT