Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ, ngành và các địa phương về việc triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải trình bày phương án triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; ý kiến phát biểu của các Bộ, các địa phương, đơn vị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có kết luận.
Cụ thể, việc khôi phục các đường bay kết nối giữa các tỉnh trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, dần đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý việc phục hồi các tuyến bay cho hành khách và nhân dân đi lại cũng tiềm ẩn phát sinh nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, có nguy cơ bùng phát ổ dịch mới, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, sức khỏe của nhân dân.
Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương là phải từng bước phục hồi các đường bay, chuyến bay, bảo đảm thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi/đến, trên máy bay và quá trình di chuyển về các địa phương.
Cùng với đó, địa phương phải đảm bảo nắm chắc tình hình và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời các ca F0 (nếu có), không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.
Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp kịp thời, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ ngành, hãng hàng không, cảng hàng không và chính quyền các cấp.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, đơn vị liên quan thống nhất phương án tổ chức khôi phục các tuyến bay do Bộ GTVT đã trình.
Trong trách nhiệm của ngành mình, địa phương mình tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm từ ngày 10/10 đến 20/10, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, tuân thủ chặt chẽ tất cả tiêu chuẩn, quy trình an toàn bay.
Đặc biệt, sau thời gian dừng bay khá dài, cần phải rà soát, kiểm tra đánh giá nhân lực vận hành, khai thác (phi công, tiếp viên, kỹ thuật mặt đất, không lưu...); kiểm tra kỹ thuật tàu bay, rà soát toàn bộ quy trình vận hành, khai thác mặt đất, trên không...
Trong thời gian thí điểm, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương trong việc thực hiện quy định tạm thời.
Cùng với đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không, cảng hàng không triển khai phương án khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng quán triệt các địa phương trên toàn quốc thực hiện nghiêm túc Quy định tạm thời về phương án triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách do Bộ GTVT ban hành.
Đồng thời, chủ động hướng dẫn các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn thực hiện kiểm soát chặt chẽ người dân, hành khách từ vùng dịch về địa phương mình, tuyệt đối không để bùng phát thành các ổ dịch.
Vì sao Bộ GTVT không chủ động quyết định mở đường bay mà lại lấy kiến từng địa phương?
Trước đó, tại Tọa đàm "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" diễn ra sáng 8/10, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết, trong số 21 địa phương được lấy ý kiến về Kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay nội địa, còn 2 địa phương chưa phản hồi là Quảng Ninh và Quảng Nam.
Trong số 19 địa phương trả lời, có 16 địa phương đồng ý với Kế hoạch khôi phục bay nội địa là TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang). Còn 3 tỉnh, thành phố chưa đồng tình gồm Hải Phòng, Gia Lai, Hà Nội.
Riêng với Hà Nội, ông Võ Huy Cường cho biết, ngày 29/9, Hà Nội có văn bản báo cáo Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ xin ý kiến Hà Nội và không gây sức ép về việc mở đường bay.
"Trước đây, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, từ ngày 22/7 đã đóng toàn bộ hoạt động hàng không nội địa. Chỉ duy nhất đường bay Hà Nội - TP.HCM duy trì một số chuyến bay của Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, Hà Nội không cho vận chuyển hành khách thương mại nên khi thực hiện những chuyến bay này phải có chỉ đạo từ Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để khách công vụ, ngoại giao không phải cách ly tập trung", Phó Cục trưởng Cục Hàng không thông tin và nói rõ về thẩm quyền Bộ GTVT ban hành kế hoạch nên ý kiến của địa phương là quan trọng.
Ông Cường giải thích thêm, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến mở dần đường bay theo lộ trình (giai đoạn một trong 10 ngày), không phải có hàng chục chuyến bay dồn ngay đến Hà Nội trong một ngày. Ngoài ra, yêu cầu phòng dịch với hành khách đã được quy định chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và áp dụng kinh nghiệm nhiều nước.
Về lý do vì sao Bộ GTVT không chủ động quyết định mở đường bay mà lại lấy kiến từng địa phương, ông Võ Huy Cường cho biết, quyết định đón khách phụ thuộc năng lực hậu cần, y tế của mỗi tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh địa phương đưa ra kiến nghị tạm thời "đóng cửa", nếu Bộ GTVT vẫn quyết định mở đường bay sẽ không hiệu quả vì địa phương không đủ năng lực.
"Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ khó bảo đảm yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu thiếu sự phối hợp, đồng thuận cũng như chuẩn bị sẵn sàng của các địa phương", ông Cường nói.