Nổi tiếng vì siêu bền, các hãng sản xuất Nhật Bản lại đang "đau đầu" vì chẳng thể bán được hàng mới - Người dân dùng đồ 10 năm chưa bỏ

Khánh Vy, Theo Nhịp sống thị trường 18:00 12/12/2023
Chia sẻ

Giá cả tăng nhanh hơn lương khiến người Nhật tiết kiệm hơn và dùng đồ lâu hơn.

Nổi tiếng vì siêu bền, các hãng sản xuất Nhật Bản lại đang đau đầu vì chẳng thể bán được hàng mới - Người dân dùng đồ 10 năm chưa bỏ - Ảnh 1.

Theo tờ Nikkei Asia, người dân Nhật Bản đang dành nhiều thời gian hơn cho những chiếc ô tô và tủ lạnh cũ thay vì mua những chiếc mới khi giá cả tiêu dùng đang tăng nhanh hơn mức lương.

Chu kỳ thay thế đối với 11 loại hàng hóa lâu bền đã được theo dõi bởi dữ liệu của chính phủ từ tháng 3 năm 2005 đến tháng 3 năm 2023.

Theo đó, thời gian thay thế trung bình của 11 mặt hàng là 9,2 năm tính đến cuối tháng 3 năm 2023, tăng gần 40% so với tháng 3 năm 2005 (6,7 năm). Đây là con số dài nhất từng được ghi nhận.

Dữ liệu được thực hiện từ Khảo sát niềm tin người tiêu dùng của Văn phòng Nội các, bao gồm máy giặt, máy điều hòa không khí, tivi và ô tô.

Cụ thể, khoảng thời gian giữa các lần mua hàng như máy giặt tăng từ 9,3 năm lên 11 năm. Chu kỳ thay thế điện thoại di động kéo dài từ 2,4 năm lên 4,4 năm, trong khi chu kỳ thay thế ô tô mới từ 6,7 năm lên 9,1 năm.

Người tiêu dùng Nhật Bản tìm mua sản phẩm mới phải đối mặt với giá cả tăng cao. Các nhà sản xuất đã tăng chi phí vật liệu và năng lượng cao hơn kể từ năm ngoái.

Masahiko Ishino, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: ''Chi tiêu ngày càng trở nên chọn lọc hơn giữa một rừng các mặt hàng tiêu dùng lâu bền''.

''Người tiêu dùng đã bắt đầu hạn chế mua các thiết bị đắt tiền có xu hướng khó hỏng mà thay vào đó là mua các mặt hàng được trợ giá cao như tấm pin mặt trời'', Ishino nói thêm.

Nổi tiếng vì siêu bền, các hãng sản xuất Nhật Bản lại đang đau đầu vì chẳng thể bán được hàng mới - Người dân dùng đồ 10 năm chưa bỏ - Ảnh 2.

Đối với các mặt hàng điện tử như máy tính cá nhân và điện thoại, Nhật Bản đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn số lượng người sử dụng. Tỷ lệ người tiêu dùng thay thế thiết bị vì muốn có những mẫu máy mới nhất, cao cấp nhất đã giảm xuống 29,9% trong cuộc khảo sát, giảm 15,1 điểm phần trăm so với tháng 3 năm 2005.

Niềm tin của người tiêu dùng nhìn chung đang thấp hơn. Tính đến tháng 10 năm nay, chỉ số sẵn sàng mua hàng lâu bền của Văn phòng Nội các đã giảm 20,1 điểm so với tháng 10 năm 2005.

Đại diện tại một chuỗi cửa hàng điện tử lớn cho biết, với những mặt hàng như tủ lạnh và máy giặt hầu hết có giá từ 200.000 - 300.000 yên (tương đương 34 - 50 triệu đồng), ''các mẫu mới ngày càng khó bán hơn''.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, giá một chiếc tủ lạnh tại 23 quận của Tokyo tính đến tháng 10 đã lên tới 220.000 yên (khoảng 37 triệu đồng), tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2005. Máy giặt tăng khoảng 60%, trong khi ô tô chở khách nhỏ gọn tăng hơn 30% ở mức 2,23 triệu yên (hơn 370 triệu đồng).

Panasonic đã tăng giá hơn 250 sản phẩm vào năm 2022. Các nhà sản xuất ô tô như Nissan và Honda đã tăng giá ô tô và các loại xe khác trong năm nay.

Các nhà bán lẻ đang cố gắng thử nhiều cách khác nhau để thúc đẩy việc mua hàng mới. Chuỗi cửa hàng điện tử Sofmap của Bic Camera đang nâng cao giá trị chương trình thu cũ đổi mới với máy tính. Yodobashi Holdings đã mở rộng đáng kể không gian trải nghiệm thực tế và trình diễn tại cửa hàng mới ở Sendai để giúp tăng khả năng mua hàng.

Tham khảo: Nikkei Asia

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày