Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cô nàng khiến cộng đồng mạng không khỏi thương cảm. Cô bước ra khỏi cuộc hôn nhân với chồng cũ từ năm 2012 khi con mới tròn 2 tuổi. Cho đến nay, hàng tháng chồng cũ chỉ chu cấp tiền nuôi con 5 triệu.
Sau nhiều năm làm cầu nối cho tình cảm giữa con và bố, cô bất lực khi đứng giữa hai lựa chọn: Nên mặc kệ chồng cũ với lựa chọn chu cấp ít ỏi, hay đề nghị anh ta đưa thêm tiền để con không thiệt thòi?
Câu chuyện của cô gái có thể tóm gọn như sau: Sau khi ly hôn, người con về sống cùng mẹ. Mới ly hôn, dù mới bắt đầu đi làm trở lại và "cầm chắc" khó khăn về tài chính, song cô chỉ nhận được từ chồng cũ 2,5 triệu/tháng tiền nuôi con.
Cho đến hiện tại, chồng cũ đã gia tăng tiền nuôi con là 5 triệu/tháng. Trong khi đó, mọi khoản chi phí nuôi con còn lại đều do người mẹ đảm nhận. Thậm chí có một lần hai mẹ con xin chồng cũ đóng giúp 2 khóa học Ngoại ngữ và Âm nhạc với chi phí dưới 10 triệu. Tuy nhiên, ông bố từ chối với lý do "không có tiền".
Cô nàng chia sẻ bản thân "không đến mức không lo được cho con", Song cô thấy buồn vì sự không quan tâm của chồng cũ khiến tình cảm bố con trở nên xa cách.
Do đó, cô đang cân nhắc hai phương án:
- Phương án 1: Cô muốn thương lượng lại với chồng cũ để tăng thêm tiền trợ cấp hàng tháng cho con. Số tiền này sẽ giúp con gia tăng tài khoản tiết kiệm. Thêm vào đó, cô cũng cho rằng, việc đề nghị bố gia tăng tiền trợ cấp cũng có thể là "cầu nối" gắn kết tình cảm hai bố con, vốn đã có nhiều sứt mẻ.
- Phương án 2: Ở diễn biến ngược lại, cô thấy không đáng để nói chuyện với chồng cũ về vấn đề tiền chu cấp. Vì cô hiểu với tính cách của chồng cũ thì anh ta sẽ từ chối với lý do "lương thấp", dù cô đoán đây có thể chỉ là lời "ngụy biện" của đối phương.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều bày tỏ bất bình với quan điểm tài chính và cách hành xử của chồng.
Anh ta đã "đầu hai thứ tóc", không còn trẻ nữa mà lại đẩy gần hết trách nhiệm nuôi con sang cho vợ. Dù anh ta đang có lương cao hay thấp thì việc chỉ đưa vỏn vẹn 5 triệu/tháng để nuôi con là hành động vô trách nhiệm với cả đứa trẻ và người vợ cũ. Bởi lẽ số tiền này là quá ít cho chi phí nuôi dạy và chăm sóc một đứa trẻ. Đó còn chưa kể, người bố bày tỏ thái độ rất ít khi chăm sóc và quan tâm con cái, nhưng lại thích khoe mẽ độ giàu có của bản thân.
Nhiều người cũng gửi lời nhắn nhủ đến cô nàng, rằng ở trường hợp này thì thay vì chờ đợi sự giúp đỡ tài chính từ chồng cũ, cô nên tự kiếm tiền và chăm sóc con cái. Bởi lẽ, "giang sơn dễ đổi bản tính khó dời" và người đàn ông này chưa bao giờ thể hiện là người bố có trách nhiệm.
Một số bình luận của cư dân mạng về câu chuyện này:
- "Bỏ qua đi bạn, con lớn lên con sẽ hiểu, biết người ta không chấp nhận chi thêm tiền thì mình muốn thêm cũng đâu có được. Bản thân bạn suy nghĩ thì chỉ khổ thân mình thôi. Cố gắng vun vén cho 2 mẹ con trong khả năng của mình là ok rồi. - Vì ex không quan tâm, thăm hỏi con nên sao chị không coi mình như không có chồng. Tuy nhiên, mỗi tháng mình vẫn có thêm 5 triệu thì phải vui vẻ chị à".
- "Quan điểm của mình là chia tay mà dứt được càng xa là càng tốt, để ý làm gì về cuộc sống của người ta nữa bạn. Bạn cứ tự tin vẫn lo được cho con, họ vẫn chu cấp ít (đủ trong giấy tờ khi ly hôn) thì cứ nhận thôi. Còn tình cảm của con thì mình đoán, con chả còn tình cảm với bố nữa đâu bạn ạ. Đứa trẻ nào cũng thế, ai yêu thương nó, gần gũi nó thì nó mới mến".
- "Cho em hỏi là nếu cho con đi du học mà mẹ rất vất vả thì chị có nhất thiết phải cho con đi không? Một phần vì đầu tư giáo dục cho con nên em nghĩ tác động đến cảm xúc của chị khi nghĩ về khoản tiền mà bố con cho.
Người ta khoe gì thì đó là việc của người ta, vì dù sao đã ly hôn lâu rồi. Mình chỉ quan tâm khoản tiền thương lượng giữa 2 bên họ có làm đúng, đủ hay không thôi chứ nhỉ? Không thể nào vì họ làm ăn được mà chị muốn họ cho con tăng lên tỷ lệ thuận được. Thà là bố sống cùng con thì lại khác.
Chị nhấn mạnh là có thể tự nuôi con, vậy thì thôi mình buông bỏ cho nhẹ lòng đi chị. Họ cho sao thì nhận vậy. Kể cả chuyện con ngại khi nhắn tin với bố cũng thế, đó là cái "quả" của 1 cái "nhân" vì bố đã không gần gũi con. Giờ cho dù bố có cho 10 triệu hay 20 triệu cũng vậy thôi".
- "Thế thì phải kể với chị, có rất nhiều người ly hôn xong cả năm cho con được 5 triệu hoặc thậm chí không đồng nào cơ chị ạ, có năm còn chả gặp con. Em nói thế không phải để cổ súy cho những ông bố dở tệ, mà là để chị bớt kỳ vọng vào chồng cũ. Anh ta mà tốt thì đã không "cũ", đúng không? Anh ta mà yêu con thì không cần chị đôn đốc, chứ chị có cố đôn đốc nữa thì anh ta vẫn từ chối chu cấp cho con đấy thôi.
Ly hôn nhiều năm rồi, chị nên thoát ra khỏi mối quan hệ và tư tưởng với người đấy đi chị ạ. Xác định rõ là chỉ có chị mới thương con để mà cày cuốc cố gắng thôi. Con lớn đến tầm này rồi thì cháu cũng tự hiểu và đối xử lại như thế nào với người yêu/không yêu mình. Đó là quyền của con, mình chẳng cần là cầu nối giữa chồng và con hay gì hết.
Còn nếu thấy kinh tế mình khó khăn, nuôi con du học mệt mỏi cho cả mẹ cả con, thì đáng ra chị nên định hướng con với môi trường trong nước thôi, tốt nhất nhưng không quan trọng bằng phù hợp nhất. Bố cháu giàu đến mấy nhưng bao nhiêu năm vẫn ki bo đong đếm với mẹ con chị thì chị cứ cố đấm ăn xôi đòi quyền lợi cho con cũng không được gì đâu".
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?