Trong suốt nhiều năm qua, VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc đã thống trị bộ môn đi bộ của Việt Nam. Cô gái sinh năm 1990 chia sẻ rằng việc thi đấu ở giải VĐQG không khác nhiều một buổi tập, nơi mà Thanh Phúc không cần bung hết sức cũng vẫn về đích trước các đối thủ khác từ 15 đến 20 phút. Thậm chí nếu có một cuộc thi cho cả VĐV nam và nữ, cô cũng tự tin mình sẽ về thứ 3, chỉ sau 2 VĐV nam là Thành Ngưng (em trai Thanh Phúc) và Xuân Vĩnh.
Ở đấu trường quốc tế, Thanh Phúc có 3 lần liên tiếp giành huy chương vàng SEA Games , từng đoạt huy chương bạc châu Á và vượt chuẩn B để có vé tham dự Olympic London 2012.
Những thành tích trên của Thanh Phúc càng ấn tượng hơn khi cho tới trước SEA Games 26 (2011), ngay việc tham dự một đấu quốc tế cũng là điều xa xỉ với đi bộ Việt Nam. Chỉ riêng chuyện có huy chương SEA Games thôi cũng chẳng mấy ai mơ tới, chứ đừng nói đến những điều lớn lao như đi Olympic bằng suất chính thức.
Nhưng rồi, tất cả đã thay đổi bởi một quyết định đầy táo bạo của Nguyễn Thị Thanh Phúc.
VĐV quê Đà Nẵng kể lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi: "Lần đầu tiên tôi dự SEA Games là vào năm 2011 trên đất Indonesia. Và đó cũng là lần đầu tiên mình được xuất ngoại. Hãnh diện lắm chứ. Đối với một người nông dân như mình, được xuống phố chơi cũng là xa vời rồi chứ nói gì việc được đi nước ngoài (cười lớn).
Tôi vẫn nhớ tháng 12/2010, tôi đoạt huy chương vàng ở Đại hội TDTT toàn quốc. Trước đó ở đại hội năm 2006, tôi bị trượt nên ấp ủ ghê lắm, quyết tập luyện 4 năm để giành huy chương vàng. Với một VĐV thi đấu trong nước thì đó là đỉnh cao nhất của sự nghiệp rồi.
Sau đại hội năm 2010, mọi người bảo môn đi bộ của Việt Nam cũng chẳng có vị thế gì ở SEA Games cả, tốt nhất thôi đừng đi cho tốn kinh phí. Thấy vậy nên tôi cũng tìm hiểu về các nước khác thì thấy thành tích của họ cũng chả là gì so với Việt Nam mình cả. Tôi thấy có niềm tin và nói với thầy cứ thử đi SEA Games đi, biết đâu trời lại thương.
Vậy là thầy trò đề xuất lên và rồi cũng được đi SEA Games. Nhưng thực sự mình không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông, lãnh đạo đâu. Cứ âm thầm mà đi thôi.
Với điền kinh, hi vọng được đặt vào những cái tên như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương… Mọi người bảo môn đi bộ lần đầu xuất ngoại thì cũng không có kỳ vọng gì nhiều, động viên bọn tôi cứ làm hết khả năng chứ không cần áp lực huy chương. Nhưng đó là mọi người nói, còn mình nghĩ đi thì phải được huy chương chứ, không được thì đi làm gì (cười)".
Và rồi, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã chinh phục tấm huy chương vàng theo cách không ai ngờ tới. Nữ VĐV này nhớ lại hành trình khó quên trên đất Indonesia:
"Cự ly 20km của tôi bắt đầu rất sớm, hơn 4h sáng mình đã phải dậy để 5h xuất phát. Trời bên Indonesia lúc ấy sương mù rất nhiều. Ba thầy trò (HLV, Thanh Phúc và Thành Ngưng - PV) gọi nhau dậy rồi đi chứ cũng chẳng có ai đi theo hết. Nghĩ lại lúc đó thấy tủi thân dã man, muốn khóc luôn ấy (cười). Ban tổ chức chở chúng tôi đi thi đấu bằng một chiếc xe cũng khá đơn sơ, dọc đường đi xe cứ dập dìu lên xuống.
Mọi người nói không áp lực huy chương nhưng tôi tự đặt chỉ tiêu cho mình ít nhất phải có huy chương đồng. Vì thế khi vào cuộc đua, tôi giữ vị trí thứ tư, đi theo 3 VĐV dẫn đầu để đến đoạn cuối rồi bứt lên.
Nhưng đi được nửa đoạn đường tôi thấy VĐV ở vị trí thứ ba đi chậm quá. Thế là tôi bứt lên để cạnh tranh huy chương vàng luôn. Mà tự tìm hiểu thì tôi biết cô gái dẫn đầu còn có gia đình và sinh con rồi. Mình vừa đi vừa nghĩ trong đầu rằng người ta có con rồi, mình còn chưa có con thì phải sung hơn chứ, tự tin lên nào.
Đang đi thì thầy chạy ra báo tin Thành Ngưng đã giành được huy chương đồng. Nghe thấy em trai có huy chương mà mình sung dã man, vậy là đi bộ của Việt Nam mình có thành tích rồi. Tôi nghĩ bụng giờ bắt đi thêm 10 km nữa mình cũng đi được (cười).
Vậy là đến khi còn khoảng 1,5 vòng (3 km), tôi bắt đầu bứt lên luôn. Thậm chí đi bộ qua cả đích rồi vẫn chưa dừng lại làm họ phải đuổi theo báo là đủ 20 km rồi chị ơi. Mà tôi còn phải hỏi lại xem có phải mình được huy chương vàng không.
Tới lúc chắc chắn rồi 2 thầy trò mới cùng nhau vỡ òa, dù lúc ấy thành tích của mình (1 giờ 43 phút 22 giây) còn không bằng khi tập ở nhà. Nghĩ cũng không thể tin được, nhưng tiếc là không có tấm hình nào để lưu lại bởi đâu có ai đi theo bọn tôi đâu.
Tới lúc tôi giành huy chương vàng xong rồi anh em báo chí mới chạy ra, bảo mình diễn lại để chụp hình. Nghĩ cũng hơi buồn nhưng mà thôi niềm vui vẫn lớn hơn.
Từ chỗ mình không được kỳ vọng gì, không có tên tuổi gì cả mà rồi 2 chị em giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng. Thực sự vui lắm. Có lẽ nếu được kỳ vọng giành huy chương ngay từ đầu thì mình cũng không vui được đến mức đó đâu".
Sau tấm huy chương vàng bất ngờ trên đất Indonesia, Nguyễn Thị Thanh Phúc bắt đầu nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn từ địa phương. Và không phụ sự mong mỏi của tất cả, nữ VĐV người Đà Nẵng tiếp tục lập nên một dấu mốc mới cho môn đi bộ của Việt Nam.
Tại giải vô địch châu Á diễn ra vào tháng 3/2012, Thanh Phúc xuất sắc giành được huy chương đồng với thành tích 1 giờ 35 phút, qua đó đạt chuẩn B Olympic và giành quyền tới London.
"Tới khi về đích, thầy mới bảo tôi đạt chuẩn Olympic rồi. Mà nghĩ cũng buồn cười, mình nghe thế còn hỏi lại "thế là em có được đi Olympic không?", bởi trong đầu tự nhiên nghĩ không biết môn đi bộ có được tạo điều kiện không hay phải ưu tiên cho những môn khác.
Hơn nữa việc nội dung 10 km và 20 km được thi cùng nhau cũng khiến tôi bị loạn. Thấy nhiều người vượt lên mình quá, nhưng hóa ra do họ chỉ đi cự ly 10 km thôi nên mới vậy. Tới lúc được đem huy chương trao lên cổ, mình còn hỏi lại rằng cái này là huy chương động viên vì hoàn thành cuộc thi hay là huy chương đồng? (cười)".
Theo chia sẻ của Nguyễn Thị Thanh Phúc, lý do khiến thành tích của cô cải thiện vượt bậc, nhanh hơn tới 8 phút so với SEA Games 26 là bởi khi ra giải châu Á, cô không còn phải… sợ trọng tài.
Điều khó nhất của môn đi bộ chính là quy định rất ngặt nghèo về kỹ thuật thi đấu. VĐV không được để cơ thể bay trên không mà phải luôn có một hoặc cả hai chân cùng chạm đất. Đồng thời VĐV cũng không được nâng cơ đùi lên và để cong gối, hay lệch trọng tâm cơ thể về trước hoặc sau.
Nếu mắc lỗi 3 lần, VĐV sẽ phải ngừng thi đấu 2 phút mới được trở lại đường đua. Sau đó nếu còn tiếp tục vi phạm sẽ bị trọng tài truất quyền thi đấu. Điều này khiến các VĐV luôn phải chú ý tới từng bước đi để không bị trọng tài phạt thẻ.
"Tháng 11/2011 vô địch SEA Games thì tới tháng 3/2012 tôi giành được huy chương đồng châu Á. Tấm huy chương đó mới đúng với khả năng của mình. Ở SEA Games tôi không dám bung hết sức vì còn sợ trọng tài, còn giải châu Á đó mình bung hết sức ra và tự nhiên đạt chuẩn Olympic luôn."
"Cái khó của đi bộ nằm ở chỗ có vài trọng tài được bố trí thì nhận định của họ có thể khác nhau. Điều khiến tôi khó chịu nhất là việc họ bắt bằng mắt thường, không có hệ thống camera giám sát nào cả. Vì thế trong đường đua, trọng tài là cha là mẹ. Họ mà đã phất cờ, giơ thẻ thì VĐV phải chịu, chứ không lẽ đứng lại tranh cãi. Thành ra VĐV phải làm hài lòng tất cả những trọng tài được bố trí.
Để đạt được tấm huy chương không phải đơn giản. Trong quá trình thi đấu đầu mình phải chú ý đến tốc độ, kỹ thuật và quan sát trọng tài. Nhiều khi mình sung quá, không làm chủ được cái chân, cái hông của mình, hoặc với tay lấy nước hơi dướn người lên là sẽ dính lỗi".
Ở SEA Games 26, Thanh Phúc đã vượt qua được nỗi sợ trọng tài để giành huy chương vàng. Nhưng rồi tới SEA Games 27 (năm 2013), "nữ hoàng đi bộ" của Việt Nam đã phải rơi nước mắt. Thanh Phúc bảo đó là những giọt nước mắt cay đắng vì bị chủ nhà Myanmar "cướp" đi vinh quang.
"Năm đó tôi đã khóc bởi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, lên cũng chết mà lùi cũng chết. Nếu lùi thì mình không giành được huy chương vàng cho đoàn, mà vượt lên thì dễ phạm quy, trắng tay luôn. Chính vì thế mà tôi phải lui về để lấy tấm huy chương bạc. Đó là sự ấm ức mình phải chịu."
"Thực ra tôi cảm thấy bất bình thường ngay từ lúc xuất phát. Với một người từng trải như tôi, nhìn sự chuẩn bị và những gì diễn ra xung quanh cũng giúp mình nắm bắt được tình hình. Nhìn quan chức của chủ nhà Myanmar đến rất đông, tôi nghĩ có lẽ bằng mọi giá họ sẽ giành lấy tấm huy chương vàng này, bởi đó cũng là ngày mở hàng của môn điền kinh.
Vậy là mình đi bộ, còn VĐV chủ nhà họ chạy!", Thanh Phúc nhớ lại.
Cô kể tiếp: "Tôi biết chắc chắn mình không thể lấy được huy chương vàng bởi khi cả hai bám đuổi sát nhau tôi đã bị trọng tài phạt 2 thẻ, còn VĐV Myanmar chưa dính thẻ nào. Họ chạy, còn mình đi bộ, vậy mà họ chưa bị thẻ nào.
Tôi bảo với thầy rằng chấp cô ta chạy luôn. Họ chạy mà vẫn lẽo đẽo theo sau mình đi bộ mà. Tôi bảo khi nào bị 2 thẻ thì sẽ lui. Đối phương thì cứ vừa đi vừa chạy, còn trọng tài thì liên tục nhắc nhở tôi.
Mà lúc ấy VĐV phải nhận 3 thẻ sẽ bị truất quyền thi đấu luôn, chứ không bị phạt dừng lại 2 phút như bây giờ đâu. Tôi cũng nắm được tình hình khi tất cả các trọng tài đều dồn ra để nhắc nhở mình. Thực sự mình đã cố gắng đi đẹp hết sức rồi mà vẫn bị nhắc thì phải biết ý rằng họ muốn gì. Mình đành phải tùy cơ ứng biến và chấp nhận lấy huy chương bạc.
Tới lúc cử hành quốc ca, mình tức quá mà bật khóc. Đáng ra lá cờ cao nhất phải là của Việt Nam mình.
Nước mắt cứ thế ứa ra!
Cá nhân mình thì chẳng sao nhưng mình đang đại diện cho đất nước để đi thi đấu. Chẳng thà VĐV đối thủ muốn bao nhiêu tiền mình cũng nhường hết, nhưng đến lúc đứng lên bục cảm giác khó tả lắm, bởi đời VĐV được bao nhiêu lần như thế đâu.
Rõ ràng đối thủ chạy chứ đâu có đi bộ. Vậy mà mình phải nhìn họ về đích rồi lãnh đạo ra ôm, chúc mừng, rồi cầm cờ chạy ăn mừng, trong khi đáng ra những cảm xúc đó phải là của mình. Người ta cướp đi cảm xúc thăng hoa của mình, chứ nếu cướp vật chất thì mình chẳng tiếc đâu. Cảm xúc thiêng liêng nhất của mình mà bị cướp đi thì còn gì để nói nữa.
Chẳng thà mình phạm quy thì không sao, hoặc nếu VĐV của họ chơi đúng luật thì chẳng sao cả. Đây tự dưng cô ấy chẳng dự giải châu Á nào, vậy mà tự nhiên ra SEA Games VĐV đó có huy chương vàng. Thành tích đó đáng ra phải đi dự ASIAD rồi chứ".
Chia sẻ với chúng tôi, Thanh Phúc cho biết dù chấp nhận giành huy chương bạc nhưng thời điểm đó cô không khỏi nghi ngờ về việc VĐV Myanmar sẽ dính doping khi kiểm tra. Và quả thật sau 3 tháng, kết quả cho thấy Saw Mark Lar New dương tính với chất cấm.
VĐV người Myanmar bị hủy bỏ thành tích ở SEA Games 27, còn tấm huy chương vàng được trao bù cho Thanh Phúc vào năm 2015. Đó cũng là năm VĐV của Việt Nam tiếp tục thống trị khu vực với tấm huy chương vàng SEA Games 28 trên đất Singapore.
Sau nhiều năm miệt mài thi đấu và giành được rất nhiều thành tích, cuối năm 2016, Nguyễn Thị Thanh Phúc quyết định kết hôn và sinh con. Tưởng như đó cũng sẽ là thời điểm VĐV này quyết định chọn một hướng đi mới cho sự nghiệp, nhưng rồi đam mê với bộ môn đi bộ đã thôi thúc cô trở lại thi đấu.
"Khi sinh em bé, tôi nghĩ hình như điền kinh Việt Nam chưa có ai sinh rồi quay lại thi đấu cự ly đường dài mà vẫn giành được huy chương vàng đại hội TDTT toàn quốc cả. Vậy là tôi bảo với chồng: "Để em thử cho vui". Chồng thấy vậy bảo rằng sao tôi chọn bài toán khó vậy, nhưng mà khó thì giải được mới thích chứ (cười).
Vậy là tôi xin HLV và các bác lãnh đạo sắm cho mình cái máy chạy. Chưa đầy 1 tuần sau, chiếc máy đã được đặt ở phòng tôi. Chồng tôi cũng ngạc nhiên với quyết tâm của vợ.
Tôi bắt đầu tập lại từ lúc con được 6 tháng tuổi, và tới khi con 14 tháng tuổi thì bước vào thi đấu. Cứ chờ đến lúc em bé ngủ thì mình tập. Tôi giảm được 30 kg trong 8 tháng (từ mức gần 80 kg xuống 50 kg - PV) và giành được tấm huy chương vàng Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018.
Nhiều lúc có những điều tưởng như mình không thể, nhưng có quyết tâm, có mục tiêu thì sẽ làm được. Một phần cũng bởi trong lúc nghỉ sinh em bé, ngồi xem SEA Games 2017 thấy VĐV đi bộ của mình lại bị xử ép mà tôi thấy tức quá, quyết tâm phải trở lại", Thanh Phúc hồi tưởng lại.
Thanh Phúc (trái) giảm 30 kg để trở lại giành huy chường vàng Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 (Ảnh: FBNV)
Không chỉ vậy, cô cũng tiết lộ rằng đã phải đầu tư kha khá để hài hòa giữa việc tập luyện, thi đấu và chăm sóc gia đình:
"Mình cũng phải nịnh chồng, tặng quà, rồi làm nhiều chiêu nữa. Tôi bảo chồng nếu cho em thi đấu lại thì cuộc thi nào em cũng cho anh đi cùng, còn nếu không thì không có được đi du lịch nữa đâu. Nói chung mình cũng phải chịu chi cho chồng nữa (cười). Từ ngày tôi quay lại thi đấu, đi đâu chồng cũng đi theo cổ vũ."
"Còn với con gái, đi đâu tôi cũng dắt con đi theo đó chứ. Có một kỷ niệm thế này. Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, nếu VĐV giành huy chương vàng thì Đà Nẵng thưởng cho 5 triệu đồng. Mà đi tập huấn tôi đưa em bé, bà nội, bà ngoại, mẹ chồng đi theo luôn. Đúng là thi đấu vì đam mê chứ không nghĩ gì đến tài chính cả. Con mình còn nhỏ quá làm sao mình xa con được. Như đợt tập huấn Đà Lạt này tôi cũng đem em bé và bà ngoại theo 40 ngày. Mình dùng tích lũy của mình trước đây để giờ có thể đưa con theo.
Mình cũng rất vui khi con gái mình rất tự lập, tác phong như bộ đội vậy (cười). Vừa rồi tôi gọi về, bảo rằng "mẹ nhớ con", thế là con gái bảo là: "Con cũng nhớ mẹ, nhưng con phải nói với mẹ rằng mẹ phải mạnh mẽ lên, cố gắng lên". Tức là con gái động viên ngược lại mình luôn.
Tôi thấy đó cũng là may mắn cho mình khi con rất mạnh mẽ như vậy. Còn nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân khi đi tập về mà không được ôm con, để con phải thiếu thốn hơi mẹ. Nhưng lúc tĩnh tâm lại, điều mình khó vượt qua là sự nhớ con thôi, còn những khó khăn trong cuộc sống, tập luyện mình đều đủ bản lĩnh để vượt qua được. Đó cũng là điểm yếu của mình nên luôn tìm mọi cách để ôm bé đi theo".
Gia đình Nguyễn Thị Thanh Phúc (Ảnh: FBNV)
"TUỔI XUÂN CỦA MÌNH LÀ TUỔI XUÂN ĐỂ CỐNG HIẾN"
Khép lại cuộc trò chuyện với chúng tôi, "Nữ hoàng đi bộ" Nguyễn Thị Thanh Phúc giãi bày nhiều hơn về những câu chuyện đời thường mà một VĐV như chị hay gặp phải. Thanh Phúc kể về một ly bia mà chị luôn rất thèm, đó là ly bia được uống với bạn bè sau khi giành chiến thắng ở một giải đấu.
Cuộc sống của một VĐV chuyên nghiệp khiến chị phải chấp nhận hi sinh những cuộc gặp gỡ cùng bạn bè, chấp nhận bỏ qua những cuộc vui để toàn tâm toàn ý cho việc tập luyện. Để rồi chỉ đến khi hoàn thành xong giải đấu, Thanh Phúc mới có cơ hội để giãi bày, để tận hưởng những phút giây đời thường nhất.
"Khi đã theo con đường VĐV, không chỉ ra sân thi đấu mình mới chuyên nghiệp mà phải có được điều đó ngay trong những sinh hoạt thường ngày. Đó chính là sự cống hiến của mình. Mình sẽ cống hiến cả tuổi xuân cho thể thao. Và khi đã xác định như thế rồi thì không việc gì mình phải buồn hết, không bao giờ nghĩ sao mọi người được đi chơi còn mình phải tập luyện. Nói chung tập luyện có mệt đến mấy thì tới lúc về đích cũng phải nở nụ cười.
Phụ nữ ai cũng có một tuổi xuân rất đẹp để lưu giữ. Tuổi xuân của những cô gái khác là xinh đẹp, còn tuổi xuân của mình sau này ai muốn xem lại chỉ cần mở máy tính gõ tên Nguyễn Thị Thanh Phúc là sẽ thấy nó được lưu lại mãi. Với tôi đó chính là ý nghĩa mình mang lại, chứ không bao giờ nghĩ rằng mình đánh mất tuổi xuân vì không được đi chơi với bạn bè, không được tận hưởng những niềm vui đời thường. Tuổi xuân của mình là tuổi xuân để cống hiến", Thanh Phúc chia sẻ.
Có trong tay tấm bằng cử nhân Đại học TDTT Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thanh Phúc tin rằng những năm tháng đánh đổi, vừa tập luyện vừa đầu tư học tập sẽ giúp cô có được nền tảng vững chắc hơn cho những dự định trong tương lai.
Nhưng trước mắt ở tuổi 32, Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ hướng tới chiếc huy chương vàng SEA Games thứ tư trong sự nghiệp của mình. Và xa hơn sẽ còn là những giải đấu lớn khác trong tương lai:
"Mục tiêu của tôi trong năm nay là SEA Games 31 nhưng tôi tin rằng đây chưa phải SEA Games cuối cùng của mình đâu. Tôi còn phấn đấu cho Đại hội TDTT toàn quốc 2022 và các giải đấu sau đó nữa.
SEA Games 31 sắp tới tôi thi đấu đúng vào ngày 19/5, vừa là ngày sinh nhật Bác Hồ và cũng là ngày thi đấu cuối cùng của đoàn điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31. Mình cảm thấy đó là một điều may mắn khi trở thành người khép lại cho bộ môn điền kinh.
Tôi cũng có kế hoạch cho tương lai rồi nhưng vẫn còn trong mình đam mê và khát vọng với bộ môn đi bộ. Thầy cô cũng có hỏi trêu rằng bao giờ tôi giải nghệ để học trò của họ được lên. Nhưng biết làm sao được, con tim mình vẫn còn nhiều khát vọng lắm.
Nếu bây giờ tôi không thi đấu nữa, các bạn khác sẽ giành được huy chương vàng thôi, nhưng thành tích sẽ là bao nhiêu? Tôi nghĩ với thành tích 1 giờ 33 phút 33 giây mà tôi có được ở Olympic London (kỷ lục quốc gia của Việt Nam), nếu một ngày có ai phá được kỷ lục đó chắc chắn tôi sẽ tìm đến để thưởng người đó một món quà. Tôi rất khát khao ngày đó sẽ đến, mong rằng lứa trẻ sẽ hơn mình. Điều đó cũng là vì mong muốn cho sự phát triển chung của bộ môn".