Như tin đã đưa, tối 9/5, tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc (Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 3 anh em ruột Tăng Văn Đượm (SN 1983), Tăng Văn Đươm (SN 1985) và Tăng Văn Đới (SN 1989) trú tại thôn Đồng Bào tử vong tại chỗ do ngạt khí hầm biogas.
Sáng 12/5, gia đình, họ tộc, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu, an táng cho các nạn nhân.
Chị Ngân (vợ anh Đươm) bên di ảnh, di cốt của chồng cùng anh, em chồng trước giờ an táng. Ảnh: Đ.Tuỳ
Sự việc kinh hoàng khiến ai nhớ lại cũng sợ hãi. Là người đầu tiên đến hiện trường để đưa các nạn nhân lên khỏi hầm biogas, anh Tăng Văn Sỉnh (SN 1975, con bác ruột) chưa hết bàng hoàng. Anh kể, vào thời điểm xảy ra sự việc lúc đó gia đình anh đã đóng cửa và cổng đi ngủ. Tuy nhiên, khi nghe thấy tiếng bà Mơ gọi thì anh giật mình chạy sang.
“Khi tôi sang đến nơi, thấy khu vực hầm biogas tối om không có điện, nhưng có chạm thấy chiếc thang dựng sẵn đi xuống hầm và biết chắc chắn 3 anh em đang ở dưới đó. Sau đó tôi đi xuống tìm các em mà không hề nghĩ dưới hầm có khí độc”, anh Sỉnh cho biết.
Anh Sỉnh là người đầu tiên có mặt tại hiện trường cứu 3 anh em ruột bị rơi xuống hố biogas. Ảnh: Đ.Tuỳ
Khi đi xuống thang, anh Sỉnh lấy chân khùa dưới hố thì phát hiện ở bên dưới nước có người và tìm cách đưa lên trên. "Tuy nhiên, miệng hầm có diện tích nhỏ nên việc đưa từng người lên là rất khó, cùng thời điểm này anh Tăng Văn Tuyển (45 tuổi, hàng xóm) đã chạy sang giúp đỡ và cùng tôi đưa 3 anh em lên".
Nhớ lại sự việc, anh Tuyển kể, khi bà Mơ gọi tiếng kêu cứu 3 con trai bị chết dưới hố biogas thì khu xóm đã đóng cửa đi ngủ cho nên rất ít người biết sự việc để đến ứng cứu.
“Lúc đó, tôi đang ra đóng cổng thì thấy bà Mơ sang gọi anh Sỉnh, bà nói: "thằng Đượm chết dưới hố ga rồi Sỉnh ơi!". Nghe thấy vậy, tôi mở cổng định chạy sang nhưng biết khu hố ga đó không có điện nên chạy vào nhà lấy đèn pin. Sang tới nơi thấy anh Sỉnh đang tìm cách đưa các nạn nhân lên miệng hầm”, anh Tuyển kể lại.
Vị trí hồ biogas khiến 3 anh em ruột bị ngạt khí tử vong. Ảnh: Đ.Tuỳ
Do miệng hố ga bé chỉ một người chui vừa, cho nên khi đưa các nạn nhân lên trên là một điều khó, có những lúc phải dùng thanh sắt để móc vào quần áo. Khi anh Đới, anh Đượm được đưa lên trên, do khu vực miệng chật nên phải đẩy các anh ra phía xa để lấy chỗ cho người còn lại.
Anh Tuyển cho biết: “Khi cả 3 anh được đưa lên trên, tôi thấy chân anh Đượm vẫn còn giãy giụa đạp lung tung và tôi nghĩ còn có thể cứu được, còn anh Đươm và Đới thì nằm bất động. Tuy nhiên, khi đưa lên bệnh viện thì cả 3 anh em đã tử vong".
Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, không đêm nào anh Sỉnh và anh Tuyển ngủ được, lúc nào hình ảnh 3 anh em tử nạn cũng ám ảnh trong suy nghĩ. Càng nghĩ đến 3 anh em, hai anh lại buồn và thương xót.
Căn nhà xập xệ của nạn nhân Tăng Văn Đới với 2 đứa con thơ trong khi vợ bỏ đi nhiều năm. Ảnh: Đ.Tuỳ
Anh Tuyển nghẹn ngào: “Từ trước đến nay, tuy không có quan hệ họ hàng ruột thịt nhưng mấy anh em ở cùng xóm vui buồn và khó khăn gì đều có nhau. Nhìn thấy 3 anh em gặp nạn mà chúng tôi không cứu được đau lòng lắm. Tôi chỉ mong 3 anh em sớm siêu thoát và bình an nơi chín suốt”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, hầm biogas của gia đình bà Mơ được xây dựng vào cuối năm 2016, hầm này có chiều sâu hơn 2m, rộng khoảng 10 khối và từ bề mặt nước lên trên miệng hầm khoảng hơn 1m. Cách ngày xảy ra sự việc đau lòng khoảng 1 tuần hầm biogas bị tắc, cho nên các con bà Mơ đã bơm cạn nước để sửa, nhưng các nạn nhân lại không biết dưới hầm này có loại khí độc nếu không để thoát hết mà xuống sửa ngay thì sẽ không an toàn.
"Lúc chúng tôi sang cứu 3 anh em chỉ nghĩ là bị thụt xuống hầm chứ không nghĩ là bị ngạt do khí độc. Bây giờ tôi nghĩ lại vẫn thấy sợ, nhưng trước sự việc như vậy ai còn biết gì nữa, chỉ biết cứu người là trên hết...", anh Sỉnh cho biết.
Anh Sỉnh kể lại sự việc khi có mặt tại hiện trường sự việc