HR vẫn thường xuyên nhận xét CV, đưa ra các lời khuyên bổ ích cho ứng viên để hoàn thiện CV của mình. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như Facebook, LinkedIn và TikTok càng khiến cho các ứng viên dễ dàng kết nối với các chuyên gia nhân sự. Các video nhận xét, sửa chữa CV của ứng viên, đặc biệt là đối tượng sinh viên có thể thu hút cả ngàn, đến cả trăm ngàn lượt views, biến các chuyên gia nhân sự trở thành những KOL, những "người nổi tiếng" đích thực trọng mắt các bạn trẻ.
Hoàng, một sinh viên ngành kĩ thuật tại một trường đại học có tiếng tại TP.HCM cho biết: "Ban đầu mình đi tìm việc bị từ chối khá nhiều, mình đoán là do CV mình chưa được chỉn chu, và chưa nêu bật được các kĩ năng cá nhân. Mình cũng muốn được HR hướng dẫn viết CV sao cho đúng, tuy nhiên rất khó để kết nối với các anh chị HR chuyên nghiệp. Nhưng kể từ khi có trào lưu sửa CV trên TikTok, mình chỉ cần gửi CV đến các anh chị chuyên tư vấn hướng nghiệp trên đó để CV mình được nhận xét một cách hoàn chỉnh".
Tuy nhiên, sự lan truyền này cũng dễ dàng biến thành khủng hoảng truyền thông nếu các HR quên mất điểm dừng và vượt quá giới hạn nghề nhân sự.
Cụ thể, gần đây một HR đăng ảnh chụp màn hình CV của một ứng viên kèm ảnh chân dung và thông tin ứng viên. Ngoài ra, việc HR này còn châm biếm với giọng trêu chọc, khiến người dùng trên các mạng xã hội phản ứng gay gắt và cho rằng HR này đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp khi đăng tải thông tin nhạy cảm của ứng viên lên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc của Talentnet cho rằng: "Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu vận dụng tốt thì các HR thể hiện được những kiến thức của mình, từ đó giúp xây dựng được thương hiệu cá nhân. Nhưng nếu không biết giữ mình, các HR có thể quên mất các quy tắc công việc, từ đó làm lộ thông tin ứng viên, đánh mất vị thế trung lập và đặt quá nhiều cảm xúc cá nhân vào các nhận xét. Dù online hay offline, các HR phải giữ vững tinh thần chuyên nghiệp của mình".
Để không "lầm đường lạc lối", bà Thanh Hương chia sẻ các lời khuyên dưới đây để HR giữ được hình ảnh chuyên nghiệp khi quyết định dấn thân vào con đường chia sẻ, nhận xét CV ứng viên trên mạng xã hội:
Đồng thuận là yếu tố tiên quyết
Nhiều HR cho rằng khi nhận được CV thì mình được toàn quyền chia sẻ với người khác. Tuy nhiên, cho dù có ý tốt thì hành động này cũng khó được cảm thông, bởi không ai muốn một sáng thức dậy thấy thông tin cá nhân mình xuất hiện trên mạng xã hội. Các HR có thể trao đổi trước với ứng viên về những lợi ích họ có thể đạt được, đặt ra các ranh giới rõ ràng để dễ dàng lấy được cái gật đầu đồng ý chia sẻ từ ứng viên.
Chia sẻ công tâm, tránh công kích cá nhân
Đằng sau những câu chữ trên CV là một con người, vì thế các HR nên tránh việc chê bai, công kích nếu CV ứng viên có chưa "đạt chuẩn". Thay vào đó, nhận xét các lỗi ứng viên gặp phải và đưa ra các hướng giải quyết phù hợp không chỉ giúp ứng viên cải thiện hồ sơ xin việc, mà còn giúp xây dựng hình ảnh một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp trong mắt ứng viên và những người theo dõi khác.
Bảo mật thông tin ứng viên
CV chứa rất nhiều thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, số điện thoại, email và kinh nghiệm làm việc. Việc HR để lộ thông tin ứng viên khi chia sẻ không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, mà còn có thể khiến các HR gặp phải các vấn đề với luật pháp. Vì thế, HR nên chú ý che thông tin cá nhân khi chia sẻ trên mạng xã hội, tránh sa đà giới thiệu ứng viên mà chỉ tập trung nhận xét về cách ứng viên triển khai các thông tin về kinh nghiệm làm việc, hoặc triển vọng tương lai.
"Ứng viên, đặc biệt các bạn trẻ, luôn tìm kiếm sự hướng dẫn của các chuyên gia nhân sự nhằm chuẩn bị tốt nhất cho con đường sự nghiệp tương lai. Việc chia sẻ, nhận xét CV trên mạng xã hội là cầu nối cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin. Không chỉ ứng viên hưởng lợi, người làm HR, nếu khéo léo, không chỉ đang cung cấp giá trị cho cộng đồng, giúp nâng tầm chất lượng ứng viên, mà còn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân như một HR chuyên nghiệp, tận tâm và có tầm", bà Thanh Hương chia sẻ.