Văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu: Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, quần thể danh thắng Tràng An.
Hằng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách.
Doanh nghiệp Xuân Trường thí điểm bay trực thăng ngắm quần thể Danh thắng Tràng An năm 2020
Ninh Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỉ đồng trở lên.
"Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai quy hoạch, đầu tư một số dự án du lịch lớn, tầm cỡ quốc tế như dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, Khu du lịch hồ Đồng Thái, hoàn thiện trung tâm liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng... Cùng với phát triển du lịch, Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và công nghiệp điện tử, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài..." - văn bản nêu.
Từ đó, số lượng người nước ngoài đến tỉnh Ninh Bình công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, hiện nay, khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao.
Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình nói chung.
Trong văn gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất vị trí sân bay có thể tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Theo đồ án, đến năm 2050, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, trong đó có 13 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa. Trong danh sách, Ninh Bình chưa có tên.
Được biết, tỉnh Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội khoảng 80-100km và cách tỉnh Thanh Hóa khoảng 60km, hiện cả 2 địa phương này đều có cảng hàng không. Đường cao tốc từ Hà Nội cũng đã về tới Ninh Bình và đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua Thanh Hóa - Ninh Bình cũng đang được triển khai xây dựng.