Theo tường thuật của tờ Korea Times, một người phụ nữ tại tỉnh Gyeonggi có họ Choi cho biết cô xem được video về thảm họa Itaewon lần đầu tiên vào đêm thứ 7 định mệnh (29/10) đó.
"Video của vụ đám đông đè nát thực sự gây sang chấn. Công việc của tôi là thực hiện hồi sức tim phổi để cứu người. Kể cả với trang bị tốt nhất trong môi trường được kiểm soát ở mức cao, khoảnh khắc hồi sức cho một bệnh nhân vẫn là một trong những thời khắc đáng sợ và nghiêm túc nhất với bất kỳ nhân viên y tế nào.
Video đó cho thấy hàng tá người thực hiện CPR đồng thời trên nhiều nạn nhân bất tỉnh giữa đường, trong khi nhiều người khác nhảy múa theo điệu nhạc của các club gần đó. Chỉ nghĩ lại mà tôi đã thấy buồn nôn", Choi chia sẻ, nhấn mạnh rằng những video như vậy không nên được lan truyền trên mạng.
Người dân tới đặt hoa tưởng niệm ở Seoul sau thảm họa Itaewon.
Một giáo viên tiểu học 30 tuổi tại Seoul mang họ Kim cũng cho biết mình bị sang chấn bởi thảm họa và lo ngại rằng trẻ em có thể phải chứng kiến vụ việc bằng cách này hay cách khác.
"Kể cả với người trưởng thành như tôi, xem lại đoạn video 10 giây vẫn khiến bản thân kinh hãi và sang chấn. Là một nhà giáo, tôi lo rằng các em nhỏ có thể thấy chúng trên smartphone và tôi hy vọng tất cả các video và ảnh liên quan sẽ bị xóa khỏi các nền tảng trực tuyến", cô nói.
Theo các báo cáo thu được bởi Nghị sĩ Jung Kying-tae của Đảng Dân chủ Đồng hành (DPK), hơn 100 yêu cầu đã được gửi lên Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc đề nghị gỡ bỏ các video và hình ảnh liên quan đến thảm kịch tại Itaewon.
Từ khoảnh khắc thảm họa ập đến, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đã ngập tràn những hình ảnh không được kiểm duyệt và video phát trực tiếp cho thấy hàng chục nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường phố với tình trạng thiếu trang phục, trong khi được thực hiện hồi sức CPR. Thậm chí, một số hình ảnh còn thể hiện khuôn mặt của nạn nhân mà không có bất cứ kỹ thuật che chắn nào để bảo vệ danh tính.
Người thân chờ tin về các nạn nhân sau thảm kịch.
Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào hôm 30/10, ngay sau thảm họa, để cảnh báo công chúng về chấn thương tâm lý của việc tiếp cận những hình ảnh nói trên.
Tuyên bố cũng nói rằng việc chia sẻ những dạng hình ảnh đó có thể bị coi là hành vi bôi nhọ và nạn nhân hóa những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa, do đó Hiệp hội kêu gọi công chúng dừng phát tán chúng.
Hơn nữa, "việc xem những video và hình ảnh đó có thể kích hoạt sang chấn ở phần lớn mọi người", theo Hiệp hội này. Thậm chí, việc liên tục xem video liên quan và tin tức về vụ việc quá nhiều cũng có tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần.
Trong khi đó, các nền tảng trực tuyến đã tiến hành các biện pháp chống lại sự phát tán của dạng video và hình ảnh gây ám ảnh.
Trong mục tìm kiếm các kết quả liên quan và gợi ý video, YouTube đã ưu tiên video của các hãng tin đáng tin cậy. Cũng theo công ty, một số video đã được gỡ xuống hoặc đặt giới hạn độ tuổi theo chính sách của họ.
Vụ việc đã tác động sâu sắc tới người dân Hàn Quốc, kể cả những người không bị ảnh hưởng trực tiếp.
Mạng xã hội Twitter yêu cầu người dùng kiềm chế việc đăng tải hoặc chia sẻ hình ảnh phản cảm, cũng như báo cáo nội dung đó cho họ. Theo điều khoản cộng đồng của mạng xã hội này, người dùng có thể yêu cầu gỡ bỏ nội dung bạo lực hoặc nhạy cảm; ngoài ra, những người tái phạm và cố tình chia sẻ sẽ bị khóa tài khoản.
Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh việc cần phải thiết lập các hướng dẫn đạo đức tới dạng nội dung liên quan thảm họa.
"Tới lúc này, gần như không có hướng dẫn nào về việc đăng tải và chia sẻ hình ảnh thảm họa trên các nền tảng trực tuyến. Cân nhắc tới khả năng tác động sâu rộng của họ, các nền tảng này nên hoàn thành trách nhiệm xã hội của họ và đưa ra các chỉ dẫn", theo Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul.
"Những người đăng tải dạng nội dung đó và cả người tiêu thụ cũng cần nỗ lực nhận thức về đạo đức và sử dụng nội dung kỹ thuật số một cách có trách nhiệm", ông nói thêm.