Phan Thanh Hậu phải dùng đá để xử lý tổn thương ở ngón chân sau các trận đấu tại U22 AFF Cup 2019
Bắt đầu từ năm 2012, phong trào xây sân bóng đá cỏ nhân tạo nở rộ tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nhận thấy rằng thay vì sử dụng cỏ thật để chiều lòng người Việt yêu bóng đá, họ có thể sử dụng sản phẩm nhân tạo, thứ có tuổi thọ cao hơn và dễ bảo dưỡng hơn so với cỏ tự nhiên.
Tuy nhiên, những mặt cỏ như vậy thường chỉ phù hợp với những trận đấu nghiệp dư chứ không phải giải đấu bóng đá U22 Đông Nam Á mà Việt Nam tham dự. Mặt cỏ nhân tạo được phát triển để đem lại lợi ích về mặt kinh tế, nhưng đối với cầu thủ chuyên nghiệp, đó thực sự là một cơn ác mộng.
Mặt sân cỏ nhân tạo cứng hơn cỏ tự nhiên nên bóng nảy cao hơn khi chạm đất. Nếu không quen, cầu thủ Việt Nam sẽ bị bất ngờ về độ nảy của mặt sân dẫn đến việc mắc những sai lầm đáng tiếc. Chưa dừng lại ở đó, bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo sẽ lăn nhanh hơn vì bề mặt sân rất bằng phẳng. Đối với những đội bóng quen chơi phối hợp tấn công nhanh, đây sẽ là một lợi thế rất lớn, từ đó khiến trận đấu trở nên thiếu công bằng.
Vì nguy cơ chấn thương cao hơn so với mặt cỏ thường, cầu thủ không thể quá cố gắng chạy theo bóng, đồng thời phải hạn chế sử dụng những tình huống xoạc bóng. Trận đấu vì thế đôi khi sẽ trở nên "thiếu nhiệt" hơn bình thường.
Tính chất của mặt cỏ nhân tạo là hút nhiệt. Vì vậy khi nhiệt độ ngoài trời chỉ ở mức ấm, mặt cỏ nhân tạo đã trở nên quá nóng để chơi.
Theo các chuyên gia của đại học Brigham Young University, mức nhiệt của mặt cỏ cao hơn 2,8 độ C so với không khí. Như vậy vào ngày 14/2 vừa qua, U22 Việt Nam đã phải tập luyện làm quen với mặt sân nóng đến gần 33 độ C (30 độ ngoài trời) tại Campuchia.
Chơi bóng trên mặt sân có nhiệt độ cao như vậy khiến cầu thủ đối mặt với nguy cơ bỏng rộp chân. Nhiều tuyển thủ U22 Việt Nam vì thế đã phải đổ nước vào chân để "chữa cháy".
Cầu thủ đổ nước lạnh vào chân để bớt nóng. Ảnh: Bongdaplus.
Năm 2007, khi cỏ nhân tạo mới xuất hiện trên toàn thế giới, công ty EHHI chuyên về sức khỏe con người đã lên tiếng cảnh báo về những mặt sân sử dụng loại cỏ này.
Theo EHHI, cầu thủ ngoài việc bị bỏng rộp chân khi chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo trong những ngày nắng gắt còn có nguy cơ hít phải nhiều kẽm (Zinc) nảy sinh từ chính mặt sân. Không những thế, trong một số điều kiện đặc biệt, Zinc có thể len lỏi và tụ lại trong nước uống của cầu thủ. Hàng lượng Zinc quá cao có thể gây ra tổn thương tim mạch.
EHHI cũng khẳng định rằng Zinc không phải độc tố duy nhất có thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho các cầu thủ. Họ đã tìm ra thêm asen, cadmium, crom và selen trong quá trình nghiên cứu sau này.
Mặt cỏ sân nhân tạo thường phẳng và cứng hơn cỏ thường. Trong thời tiết nắng nóng, cỏ nhân tạo còn cứng hơn nữa. Vì vậy khi ngã ra sân, cầu thủ phải đối mặt với mức độ chấn thương cao hơn khi chơi bóng trên sân cỏ thường.
Mặt cỏ nhân tạo cứng hơn cỏ thường khiến cầu thủ dễ gặp những chấn thương ngoài da.
Theo nghiên cứu, cầu thủ chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo có nguy cơ bị trầy xước da cao hơn 7 lần so với sân cỏ thường. Những vết xước này không phải chấn thương nặng, nhưng lại tạo ra cơ hội để vi khuẩn tấn công cầu thủ.