Những phút giây sinh tử đối mặt với tội phạm

Xuân Mai, Theo Công an nhân dân 18:00 12/10/2017
Chia sẻ

Ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được, Thượng tá Ðào Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52) Công an TP Hà Nội - người được thông qua danh sách đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 - đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Từ năm 2008 đến nay anh đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2010, được phong tặng Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng, nhiều lần được Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong công tác điều tra khám phá án… cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen đạt được trong phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”.

Tỉnh dậy lúc nửa đêm, Thượng tá Đào Anh Tuấn lại tỉ mỉ nghiên cứu hồ sơ về Nguyễn Vinh Long, biệt danh Long “ma”, một đối tượng truy nã cực kỳ nguy hiểm. Thói quen này đã hình thành trong anh từ khoảng 20 năm nay, khi là một người lính công tác tại Đội đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội... rồi sau đó trở thành Đội trưởng Đội Truy bắt đối tượng truy nã, Phòng Cảnh sát hình sự và bây giờ là Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hà Nội.

Những phút giây sinh tử đối mặt với tội phạm - Ảnh 1.

Thượng tá Ðào Anh Tuấn.

Đối tượng truy nã cũng có muôn hình vạn trạng, từ những kẻ lần đầu phạm tội do thiếu hiểu biết về pháp luật sợ hãi mà bỏ trốn đến những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, từng nhiều lần ra tù vào tội với các thủ đoạn trốn tránh cực kỳ tinh vi.


Không giống với những kẻ phạm tội còn lẩn trốn trong bóng tối, những kẻ trốn lệnh truy nã biết rõ mức độ hành vi phạm tội đã gây ra nên tìm mọi thủ đoạn trốn tránh sự phát hiện của Cơ quan điều tra.

Ngoài việc thay tên, đổi họ, không ít trường hợp còn tạo được một vỏ bọc hoàn hảo... Trong trường hợp bị phát hiện và bắt giữ, không ít đối tượng liều lĩnh chống trả quyết liệt. Xác minh được đối tượng đã khó, bắt giữ được đối tượng còn gian nan hơn nhiều.

Những điều đó, khiến Thượng tá Đào Anh Tuấn không khỏi lo lắng. Bởi phía sau anh và những đồng chí, đồng đội đang ngày đêm sát cánh trên mặt trận phòng, chống tội phạm là những hậu phương - những người mẹ, người vợ và cả những đứa con thơ, đang hằng đêm đau đáu chờ các anh bình yên trở về.

Với một kẻ liều lĩnh, manh động như Long “ma”, đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy đá, luôn mang theo vũ khí nóng thì càng không thể lơ là. Trong những trường hợp như thế này, việc nắm được các mối quan hệ, nhân thân của đối tượng, góp phần quan trọng xây dựng chuyên án. Cùng với việc tỉ mỉ dựng các mối quan hệ của đối tượng, Thượng tá Đào Anh Tuấn đã đề nghị ra lệnh truy nã quốc tế đối với Nguyễn Vinh Long...

Vào lúc 20 giờ ngày 11-11-2016, Đội 2 có thông tin Long đang trốn tại khu chung cư Màn Vồ, thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong quá trình lẩn trốn, đối tượng đi cùng với người yêu là Tạ Thị Thanh Thủy (SN 1980, trú tại ngõ Hòa Bình 2, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Với bản tính ngông cuồng, trong quá trình sinh sống tại đây, Long nảy sinh mâu thuẫn với một nhóm đối tượng người Việt Nam cũng đang trốn tại đó. Để gây dựng thanh thế, Long “ma” dùng lựu đạn, dọa giết nhóm kia. Giữa nơi đất khách quê người, âm mưu muốn cát cứ nơi này của Long đã không thành hiện thực. Trong tình huống đó, Long và người tình chẳng còn đất sống nên buộc phải về nước. Đối tượng đã về biên giới cửa khẩu Cốc Nam, Thanh Thủy, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Sau khi nhận được nguồn tin trên, Thượng tá Đào Anh Tuấn cùng các trinh sát Đội Đặc nhiệm Phòng PC45 Công an TP Hà Nội vội vã lên cửa khẩu Tân Thanh; phối hợp với Phòng PC52  Công an tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh truy bắt đối tượng Nguyễn Vinh Long cùng người tình khi cả hai vừa đặt chân về Việt Nam.

Việc bắt giữ Long "ma" là một chiến công xuất sắc của Công an TP Hà Nội nói chung, góp phần ngăn chặn những sự việc nghiêm trọng khác mà Long có thể gây ra trong tương lai; đồng thời giải tỏa được sự hoang mang trong dư luận nhân dân, đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô Hà Nội.

Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng của công tác bắt đối tượng truy nã nói riêng và công tác phòng chống tội phạm nói chung, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Phó trưởng phòng phụ trách công tác xây dựng lực lượng, công tác Đảng, phụ trách Đội Truy bắt đối tượng truy nã về trật tự xã hội, Thượng tá Đào Anh Tuấn luôn thể hiện vai trò gương mẫu, nỗ lực để hoàn thành tốt công việc được giao. Đội Truy bắt đối tượng truy nã về trật tự xã hội nhiều năm liền đều đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.

Cùng Ban chỉ huy phòng, anh đã tham mưu và triển khai đồng bộ các biện pháp, quyết tâm hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu mà Công an thành phố giao. Trong số đó phải kể đến việc tham mưu cho Ban chỉ đạo 327/CATP xây dựng và triển khai các Kế hoạch cao điểm truy bắt đối tượng truy nã giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc; Tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo 327/CATP chỉ đạo các đơn vị trong Công an thành phố tổ chức truy tìm, khắc phục hồ sơ đối tượng truy nã để có hướng giải quyết đối với các trường hợp bị mất, thất lạc hồ sơ AK, giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo khắc phục, truy tìm, thống nhất ba ngành Nội chính biện pháp xử lý, giải quyết.

Trong những năm qua, Thượng tá Tuấn cùng Ban chỉ huy Phòng tham mưu cho Ban Giám đốc, Ban chỉ đạo 327/CATP chỉ đạo xây dựng và triển khai các kế hoạch, chuyên đề về công tác truy nã tội phạm thể hiện qua nhiều cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà các cấp giao phó.

Từ năm 2012 đến nay, anh đã tham gia điều tra hàng trăm vụ án, bắt giữ hàng trăm đối tượng, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức và hàng chục đối tượng cộm cán trên địa bàn thành phố. Trên lĩnh vực phòng chống tội phạm truy nã, từ năm 2011 đến nay, anh đã trực tiếp chỉ đạo bắt trên 200 đối tượng, trong đó có rất nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Nhiều vụ án nổi tiếng ở thủ đô, ghi dấu ấn của người chỉ huy say nghề, tận tụy với công việc. Trong đó có phải kể đến việc bắt giữ Khánh “trắng”. Đầu những năm 1990, nền kinh tế thị trường mới hình thành, công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn chưa theo kịp với sự thay đổi của nền kinh tế trong đó có quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Trên địa bàn thủ đô xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động với phương thức thủ đoạn mới gây nhức nhối trong xã hội, trong đó nổi lên là băng nhóm tội phạm do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) cầm đầu.

Thượng tá Đào Anh Tuấn nhớ lại: Khánh “trắng” là đối tượng tù tha, năm 1990, đối tượng này thành lập tổ bốc xếp tự quản tập hợp hàng chục đối tượng bất hảo. Chúng tổ chức bốc xếp dịch vụ cho các hộ kinh doanh trong chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Lợi dụng danh nghĩa bốc xếp tự quản, chúng o ép bà con kinh doanh, ép phải nộp tiền bốc xếp (cưỡng đoạt tài sản) thu lợi bất chính trong nhiều năm  với số tiền lớn.

Ngoài ra, Khánh và đồng bọn còn tranh chấp địa bàn làm ăn với nhiều băng nhóm tội phạm khác như Phúc bồ, Việt Dũng và gây ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng để gây thanh thế. Các vụ án do Khánh và đồng bọn gây ra thường không bị xử lý do công tác nắm tình hình quản lý địa bàn có nhiều sơ hở, lỏng lẻo.

Vào ngày 21-2-1991, Khánh đâm chết anh Nguyễn Tiến Đạt (SN 1966, trú tại ngõ 24 Đội Cấn, quận Ba Đình) tại 44 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng lại sắp xếp cho đàn em là Vũ Quốc Dũng (trú tại số 7 ngõ 3 Kim Mã, quận Ba Đình) nhận tội thay, còn Khánh trở thành nhân chứng.

Em ruột Khánh là Nguyễn Tiến Thắng còn là đối tượng chủ mưu cầm đầu đánh chết một phạm nhân tại buồng 15A, Trại tạm giam Hà Nội nhưng không bị điều tra xét xử. Năm 1992, lúc đó anh Tuấn đang là trinh sát Đội đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố được đồng chí Đội trưởng Nguyễn Thanh Hùng trực tiếp giao nhiệm vụ bí mật nắm tình hình thu thập tài liệu chứng cứ, bí mật dựng các vụ án do Khánh và đồng bọn gây ra và chỉ được phép một mình thực hiện nhiệm vụ, không được tiết lộ cho bất kỳ ai. Anh Tuấn đã nghiên cứu toàn bộ hồ sơ lưu trữ của Khánh và đồng bọn; đồng thời sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để nắm rõ các hoạt động của bọn chúng.

Ngày 24-5-1996, anh Tuấn nhận được thông tin Khánh cùng đồng bọn đi xe tải đến 71 Kim Mã, bắt nợ Nguyễn Thanh Mạnh do người này nợ tiền của Khánh. Ngôi nhà 71 Kim Mã anh Mạnh đã bán cho chủ mới. Tuy anh Mạnh giải thích nhưng Khánh vẫn ra lệnh cho hàng chục đối tượng xông vào nhà để tịch thu tài sản và đồ dùng, vật dụng của người chủ mới, ước tính tài sản chúng cướp đi khoảng hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, Khánh còn lập biên bản về việc thu giữ tài sản và ký tên giao lại cho chủ nhà một bản. Công an phường, Công an quận nhận được trình báo nhưng không triển khai ngăn chặn và lập hồ sơ xử lý.

Ngay sau khi nhận được nguồn tin, anh Tuấn đã báo cáo Đội trưởng và đến ngay hiện trường ghi lời khai bị hại, chụp ảnh hiện trường, thu thập tài liệu chứng cứ và thu được giấy viết tay tịch thu tài sản do Khánh lập và ký. Với tài liệu do anh Tuấn thu thập được, Ban chuyên án đã bắt giữ đối tượng Dương Văn Khánh và hàng chục đồng phạm khác về hành vi cướp tài sản tại 71 Kim Mã.

Quá trình điều tra mở rộng đã làm rõ vụ giết anh Đạt tại 44 Hàng Chiếu do Khánh gây ra. Hội đồng thẩm phán – TAND tối cao đã hủy bản án cũ để khởi tố điều tra lại từ đầu. Cùng với đó đã làm rõ rất nhiều vụ án do Khánh và đồng bọn gây ra. Kết thúc chuyên án đã đưa hàng chục đối tượng ra xét xử với nhiều tội danh, trong đó Khánh và em ruột là Thắng  nhận bản án tử hình về hành vi giết người.

Trong quá trình truy bắt đối tượng, không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy. Trong những trường hợp như vậy, sự tỉnh táo của người chỉ huy đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vụ việc xảy ra khá lâu,khi anh còn là Đội phó Đội đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố nhưng anh  vẫn nhớ.

Lần đó, bắt giữ đối tượng truy nã Nguyễn Văn Sơn, can tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ, phần nào cho thấy cuộc chiến nóng bỏng mà những người lính hình sự phải đối mặt.

Sau khi xác định Sơn đang ngủ tại nhà cùng vợ con, khoảng hơn 23 giờ cùng ngày, anh Tuấn phân công trinh sát bí mật bao vây toàn bộ khu vực nhà đối tượng. Anh cùng 2 trinh sát vào cửa chính gõ cửa và gọi gia đình mở cửa. Do trong nhà tắt điện, đối tượng Sơn cố thủ trong nhà. Khi ấy anh Tuấn đã quyết định đạp cửa để tổ công tác thi hành lệnh bắt. Vào nhà, anh phát hiện ra Sơn đang nấp sau cánh cửa, vợ Sơn đứng ra ngăn cản cho tổ công tác bắt giữ Sơn.

Lợi dụng thời điểm đó, Sơn dùng dao rựa chém về phía anh. Mặc dù anh Tuấn bắn cảnh cáo nhưng Sơn vẫn bất chấp. Bất ngờ từ đằng sau con gái Sơn đã dùng xà beng đánh vào đầu làm anh bị thương. Trước tình thế đó, buộc anh phải nổ súng vào chân đối tượng Sơn. Mặc vết thương đang chảy máu, anh vẫn cố chỉ đạo để anh em từ phía ngoài vào hỗ trợ đưa đối tượng đi cấp cứu.

Thế nhưng, vừa ra khỏi nhà đối tượng tổ công tác đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của nhiều đối tượng xấu dùng gạch đá tấn công. Trong tình huống đó, anh Tuấn đã bình tĩnh chỉ đạo tổ công tác thoát ra, đưa đối tượng đi cấp cứu và bàn giao cho Công an huyện Đông Anh xử lý theo thẩm quyền. Sau đó, anh được đồng đội đưa đi cấp cứu. Bộ Công an đã cấp Giấy chứng nhận thương binh đối với Thượng tá Đào Anh Tuấn do chấn thương vùng sọ với tỷ lệ thương tật là 24%.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày