Bất kể nắng mưa, vào mùa hè, cứ khoảng 3 đến 4 giờ sáng, những người phụ nữ sẽ dậy nấu cơm ăn, sau đó đi làm. Vào mùa đông, tùy theo con nước lên xuống, chị em trong xóm sẽ hẹn nhau đi muộn hơn, khoảng 10 giờ trưa có mặt tại bến để cùng di chuyển ra nơi làm việc.
Mỗi chiếc đò sẽ chở từ 20 đến 30 người, giá cả lượt đi và về từ 60.000 đến 70.000 đồng/người.
Bà Nguyễn Thị Thắm (50 tuổi), có 20 năm làm nghề cạy hà, bắt ốc chia sẻ: "Công việc này là nguồn thu nhập duy nhất nhưng chỉ đủ ăn, mỗi ngày được khoảng 100 - 200 ngàn đồng, hôm nào gặp may lên được vách đá có nhiều con hà và ốc sẽ được gấp 2, gấp 3 lần". Hành trang đi làm của mỗi người chỉ vẻn vẹn một cái làn, xô nhỏ, dụng cụ cạy hà, ngoài ra còn chuẩn bị bánh mì, hoa quả, nắm xôi, chai nước... Mọi người cùng vui vẻ chia nhau đồ ăn và kể về chuyện gia đình.
Di chuyển khoảng gần một tiếng trên vịnh, chủ đò sẽ đưa mỗi người đến một núi đá và hẹn khoảng 5 giờ sau sẽ quay lại đón trước khi trời tối. Với những khu vực thủy triều chưa rút, một số chị em lựa chỗ râm và bằng phẳng để tranh thủ chợp mắt.
Để tránh việc bị vỏ hà cứa rách chân, tay, ai cũng chuẩn bị cho mình một đôi ủng để lội nước cùng đôi găng tay vải. Với những đoạn nước biển có thể dâng cao đến ngang ngực, các bà, các chị mặc đồ bảo hộ, không quản ngại nhiệt độ nước thấp, trực tiếp lội nước để thu hoạch được nhiều hải sản hơn trong một chuyến đi.
Những nơi núi đá lởm chởm và có độ dốc lớn, nhiều bùn đất trơn, nếu không đi khom, vịn tay vào các mỏm đá thì sẽ bị trượt ngã.
Bà Đỗ Thị Thúy (62 tuổi) là một trong những người gắn bó với nghề lâu nhất ở Phường Hùng Thắng. Bà thuộc làu những vũng, vịnh của vịnh Hạ Long
Bà Thúy cho biết, những con hà vào mùa nước này không béo, nếu không có kỹ thuật sẽ làm ruột hà bị nát.
Tranh thủ vừa cạy hà, các chị sẽ bắt các loại ốc đá, ốc vôi... nằm trên mặt cát hoặc bám trên các tảng đá.
Đối với những con ốc bám trên đá, chỉ cần lấy tay bắt, còn đối với những con bám sâu trong các khe đá, các chị em phải dùng thanh sắt có độ dài khoảng 40cm, đầu vuốt cong để khều ốc.
Ngoài việc khai thác hải sản, bà Nguyễn Thị Minh, (57 tuổi, chủ đò trú tại Phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) còn tranh thủ nhặt nhạnh phế liệu trôi dạt, mắc cạn trên các phiến đá, cành cây để vừa có thêm chút thu nhập, vừa giữ vệ sinh môi trường biển.
Sau một ngày làm việc vất vả, đây là những phút giây hiếm hoi các bà, các chị được nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên vịnh Hạ Long trong khi chờ đò đến đón.
Trên đường di chuyển về đất liền, các con ốc, hà sẽ được làm sạch, phân loại theo chất lượng, kích cỡ
Mỗi người cùng vui vẻ góp sức, giúp đỡ nhau và hy vọng sẽ bán đắt hàng vào phiên chợ chiều.