Lương thấp nên quyết định mang thai hộ
Khi gặp Natasha Boroda (30 tuổi) trong một studio ở Kiev (Ukraine), ai cũng bị cuốn hút với làn da, mái tóc đẹp của cô. Ánh mắt Natasha tràn đầy hào hứng khi nói về tương lai. Công việc chính của Natasha là giáo viên, song ít người biết cô còn kiêm "cái nghề" là... mang thai hộ. Cô giúp đỡ các cặp vợ chồng đến từ nước ngoài thông qua công ty cung cấp dịch vụ mang thai hộ BioTexCom.
Vào một ngày hè năm 2018, Natasha đi xe buýt từ quê nhà đến một phòng khám ở Kiev. Tại đây, cô được đưa phôi thai vào tử cung. Đây là phôi thai được tạo nên bằng sự kết hợp từ trứng và tinh trùng của những người cô không hề biết. Khi cái thai này đến ngày chào đời, Natasha cũng không được nhìn mặt đứa trẻ. Bởi, ngay sau khi chúng sinh ra, em bé sẽ được chuyển đi ngay.
Nữ giáo viên Natasha chấp nhận mang thai hộ vì lương thấp
Natasha thương những cặp đôi xa lạ, không may bị hiếm muộn. Thậm chí, cô xem những thai nhi đang lớn lên trong bụng như đứa con ruột thịt của mình.
Lý do khiến cô đến với nghề này là tiền bạc. Được biết, cô học sư phạm và làm giáo viên nhưng mức lương thấp chỉ khoảng 200 Euro/tháng (tương đương hơn 5 triệu đồng). Trong khi đó, làm công việc mang thai hộ cô được trả khoản tiền cao hơn so với mức lương trung bình ở Ukraine.
Trải qua quá trình cấy ghép phôi thai đến khi sinh, Natasha được nhận 14.000 Euro (350 triệu đồng). Đó là chưa kể các chi phí khác như 2.000 Euro (hơn 50 triệu đồng) mua thức ăn và quần áo. Một cặp vợ chồng người Anh trả cho cô khoảng 39.000 Euro (gần 1 tỷ đồng) để mang thai hộ con của họ. Người phụ nữ này thừa nhận tiền là động lực cho cô nhận lời. Tuy nhiên, Natasha không nhìn nhận đây là dịch vụ mà bản thân đang giúp đỡ các cặp vợ chồng.
Mang thai hộ để mua nhà
Không chỉ có những người khó khăn như Natasha, Kateryna Hobzhyla (34 tuổi), một nữ giám đốc siêu thị, cũng nhận mang thai hộ để kiếm tiền.
"Sẽ rất khó khăn khi không nhìn thấy đứa trẻ sau khi chuyển dạ. Mặc dù, đứa bé không phải con nhưng tôi vẫn giữ nó trong tim mình", Kateryna chia sẻ.
Kateryna có cuộc sống riêng không hạnh phúc do chồng vũ phu, bạo hành. Sau khi ly dị chồng cách đây mấy năm, cô phải ra ngoài thuê nhà, cáng đáng nuôi các con do bất động sản đứng tên mẹ chồng.
Khi quyết định mang thai hộ lấy tiền, Kateryna muốn dùng số tiền đó để một mua căn hộ cho các con sinh sống. "Đó là quyết định không dễ dàng, tôi đã phải lên dây cót tinh thần", Kateryna chia sẻ.
Tuy vậy, Kateryna muốn giữ bí mật chuyện mang thai hộ. Cô sẽ bao biện với các con rằng, cái bụng lớn lên mỗi ngày là do tăng cân. Sau đó, người phụ nữ này chuyển đến Kiev sống cùng các sản phụ khác trước khi sinh. Sau khi quá trình sinh em bé hoàn tất, Kateryna sẽ quay về nhà với cái bụng phẳng và nói với các con sức khoẻ đã ổn định.
Còn Elena Oucharenko (37 tuổi) là một nghệ sĩ, điều hành các xưởng vẽ cho trẻ em ở miền Bắc Ukraine, đang mang thai hộ lần thứ 2 cho một cặp vợ chồng người Anh. Trước đó, cô mang thai hộ cặp song sinh cho cặp vợ chồng Italia.
"Đó là một ca sinh mổ, tôi được tiêm thuốc an thần. Khi thức dậy, bụng bầu không còn mà em bé cũng không ở đó. Tôi biết mình không được nhìn chúng nhưng có vài ngày cảm thấy thất vọng và sẵn sàng khóc bất cứ lúc nào", Elena đau khổ nhớ lại.
Elena Oucharenko từng có khoảnh khắc day dứt vì không nhìn thấy đứa trẻ mình mang thai hộ
Lúc cặp song sinh chào đời, vợ chồng người Italia đã đón đứa trẻ đi ngay. Khoảng 3 ngày sau, 2 bên có cơ hội gặp nhau, cha của em bé đã quỳ xuống, bật khóc. Khoảnh khắc đó khiến Elena xúc động, cô cảm nhận điều chưa từng thấy trong đời, đó thực sự niềm "hạnh phúc thuần khiết".
Ukraine, Gruzia, Mỹ là những quốc gia trên thế giới cho phép dịch vụ mang thai hộ được hoạt động. Trong nhiều năm trời, Đông Nam Á là nơi dịch vụ mang thai hộ phát triển và thu hút nhiều khách. Tuy nhiên, năm 2015, Thái Lan đã cấm khách nước ngoài trả tiền thuê người mang thai hộ, Nepal cũng có động thái như vậy, sau đó tới Ấn Độ. Cho nên, nhiều cặp vợ chồng tìm đến Ukraine - nơi giúp họ thực hiện được mong ước làm cha làm mẹ.
Xoay quanh chuyện mang thai hộ cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, kẻ phê phán. Thậm chí, nữ nghị sĩ Iryna Sysoyenko của Ukraine từng thảo ra luật cấm người nước ngoài đến thuê dân Ukraine mang thai hộ. Bà nêu quan điểm: "Chúng tôi không muốn bị nhìn như một đất nước nơi bạn bay đến, chọn một phụ nữ và có một đứa trẻ". Tuy nhiên, đến nay, dịch vụ này vẫn được hoạt động và chưa ai có thể đứng ra cấm.
Ở góc độ khác, những người mang thai hộ như Elena lại cho rằng, có những phụ nữ lâm vào cảnh đường cùng và làm việc này vì tiền. Song, họ coi đó là sự giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội, Elena giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn, còn họ hỗ trợ cô.
Nguồn: Daily Mail