Báo cáo hạnh phục thường niên, vốn được đưa ra lần đầu năm 2012 nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, vừa công bố bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu. Dựa trên dữ liệu từ công ty khảo sát thị trường Gallup của Mỹ và được phân tích bởi một nhóm các chuyên gia toàn cầu do Đại học Oxford dẫn đầu, nhóm này đã đưa ra bảng xếp hạng hạnh phúc với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, người dân ở 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được yêu cầu đánh giá cuộc sống của họ theo thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 10 đại diện cho cuộc sống tốt nhất. Kết quả của 3 năm được tổng hợp để chia trung bình nhằm tạo ra thứ hạng.
Năm nay, Phần Lan giữ vị trí đầu tiên với điểm trung bình đạt 7,7. Theo sát sau là Đan Mạch, Iceland và Thuỵ Điển. Trong khi đó, Afghanistan và Lebanon giữ 2 vị trí cuối bảng với số điểm lần lượt là 1,7 và 2,7.
Báo cáo năm nay lần đầu tiên ghi nhận Mỹ rơi khỏi top 20 xuống vị trí thứ 23 từ vị trí thứ 15 của năm ngoái do cảm giác hạnh phúc của người Mỹ dưới 30 tuổi giảm mạnh. Theo đánh giá của những người trên 60 tuổi, mức độ hạnh phúc của Mỹ đứng thứ 10 thế giới. Tuy nhiên, với những người dưới 30 tuổi, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đứng được thứ 62.
Những kết quả này cho thấy một sự trái ngược với nhiều nghiên cứu trước đây về hạnh phúc. Cụ thể, người ta từng cho rằng mức độ hạnh phúc cao nhất ở thời ấu thơ và giai đoạn đầu của tuổi thanh niên trước khi giảm xuống mức thấp nhất ở tuổi trung niên và tăng lại một chút ở tuổi nghỉ hưu.
Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư kinh tế của Đại học Oxford và là một trong những người biên tập báo cáo, cho biết: “Giới trẻ, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, đang trải qua cái gọi là cuộc khủng hoảng tuổi trung niên ngay chính lúc này”.
Thế hệ Millennial và các nhóm tuổi trẻ hơn ở Bắc Mỹ có khả năng cảm thấy cô đơn hơn các nhóm tuổi lớn hơn.
Bên cạnh đó, ông De Neve cũng cho biết một loạt yếu tố có thể làm giảm hạnh phúc của người trẻ, bao gồm sự phân cực ngày càng tăng về các vấn đệ xã hội, các khía cạnh tiêu cực của truyền thông và bất bình đẳng kinh tế - điều khiến họ khó mua được nhà hơn so với trước đây.
Hiện tượng này không chỉ rõ ràng ở Mỹ. Khoảng cách phúc lợi xã hội theo tuổi tác cũng rất lớn ở Nhật Bản và Canada trước khi giảm một chút ở Pháp, Đức và Anh. Các quốc gia này cũng đều sụt thứ hạng trong bảng đánh giá hạnh phúc năm nay.
Ngược lại, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lại có sự cải thiện đáng kể, có thể thấy ở Trung và Đông Âu.
Tham khảo: Reuters