Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi có rất đông người dân tộc Khmer sinh sống. Nếu người Kinh có xóm, làng thì người Khmer có phum, sóc. Phum sóc là những cụm dân cư nhỏ do người Khmer thành lập. Đa số những người dân quê có cuộc sống khá giống nhau, có những người cả đời họ chưa bước chân ra khỏi ao làng, chưa từng rời xa vùng đất nơi họ chôn nhau cắt rốn. Cũng có người chưa từng biết đến pháo hoa, giáng sinh hay những ánh đèn lấp lánh làm hoa mắt cả những người sống ở chốn thị thành.
Những em nhỏ thích thú khi được tổ chức vui chơi dịp Tết Trung thu
Ở Tri Tôn có người chưa từng biết đến pháo hoa, giáng sinh hay những ánh đèn lấp lánh làm hoa mắt cả những người sống ở chốn thị thành.
Đối với người dân tộc cũng thế, thậm chí cuộc sống của họ lại có phần khó khăn hơn bởi giới hạn ngôn ngữ và những ràng buộc vô hình với cộng đồng nhỏ họ đang gắn kết. Những khó khăn của người lớn kéo theo đó là sự thiệt thòi cho những đứa trẻ sinh ra tại đây.
Trung thu là tết thiếu nhi. Nhưng ở vùng quê xứ núi thì mùa tết trăng rằm là một điều gì đó còn xa xỉ lắm. Dọc đường hướng về chùa Sà Lôn, thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Những cánh đồng lúa vẫn đang chín đều, nhưng các hàng bánh trung thu hay những dãy đèn lồng đỏ tươi như ở thành phố thì chẳng thấy đâu.
Phía ngoài cổng chùa, hai đứa trẻ chân đất vội chạy theo quả bóng méo mó đang lăn tròn. Chúng reo lên khi thấy những chiếc xe to nhỏ dần tiến vào trong, vậy là chẳng mấy chốc cả đám trẻ đã tụ họp đông đảo, lấn át cả những người trẻ đang lỉnh kỉnh lồng đèn bánh trái. Đây là lần thứ 5 chương trình "Mang trăng về phum – sóc" được tổ chức tại chùa Sà Lôn. Lời hứa gặp lại các em sau một năm đã được thực hiện, với nhiều sự đầu tư hơn và thêm nhiều bàn tay cùng góp sức.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu là trưởng đoàn, cũng là người đã kêu gọi mọi người cùng nhau tổ chức và duy trì chương trình trung thu này cho trẻ em người dân tộc Khmer. Anh kể, một câu chuyện luôn được bắt đầu bằng chữ duyên và nối tiếp bằng chữ thương, anh trót thương những đứa trẻ nghèo, quẩn quanh trong phum sóc và chịu nhiều thiệt thòi so với các bé cùng trang lứa.
Những đứa trẻ đều tỏ ra hào hứng, vui vẻ khi được tổ chức "đêm trăng rằm"
Thương là thế, nhưng chỉ một mình anh thì không thể mang trung thu về cho các em được, thế là anh tìm thêm Thỏ ngọc, chị Hằng, chú Cuội và hàng chục, hàng trăm những anh chị khác để thực hiện "kế hoạch đêm trăng rằm". Chị Kim Tú là một MC tự do, đã 3 năm nay chị luôn là chị Hằng Nga của các em nhỏ, Tú chia sẻ "Khâu chuẩn bị bận rộn lắm, vì các anh em phải kêu gọi mọi người, set up chương trình mấy tháng trời. Nhưng được ở bên các em, được các em gọi Chị Hằng ơi mình thấy trái tim như tan ra vậy".
Anh Hậu tâm sự, lúc đầu quy mô chương trình cũng nhỏ thôi, nhưng mỗi năm càng nhiều người giúp đỡ, những hoạt động cũng vì thế mà đa dạng hơn. Chẳng hạn như năm nay, có sự tham gia của 80 tình nguyện viên, được chia thành nhiều đội khác nhau, như đội cắt tóc, các bạn stylist sẽ cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ; đội hoạt náo tổ chức trò chơi trong lúc chờ đợi; đặc biệt hơn còn có đội "Help porttrait", các nhiếp ảnh gia sẽ chụp ảnh và in ảnh ngay tại chỗ để tặng cho các bạn nhỏ và gia đình các em.
Vào ngày hôm đó, một bà cụ tầm 70 tuổi, bà cười móm mém, trên tay bà là bức ảnh còn vừa in xong "còn nóng hổi mới ra lò", đôi mắt bà rưng rưng. Bà bảo bà vui lắm, bà chưa bao giờ được chụp ảnh như thế này.
Để giúp các em và gia đình có một đêm trung thu đầy đủ, ekip tổ chức đã chuẩn bị hơn 200 phần quà dành tặng cho các em học sinh tiểu học và mẫu giáo. Mỗi phần quà bao gồm 4 cái bánh trung thu, tập, viết, bánh kẹo, cặp đi học, bình nước và cả 1 cái mùng "xịn". Sau nhiều năm thực hiện, nhóm thiện nguyện của anh Hậu đã được một số đơn vị tài trợ để thành lập nên "Quỹ trăng rằm", nguồn quỹ sẽ được dành để trao học bổng cho các em học sinh người dân tộc vượt khó học giỏi.
Một mùa trăng nữa đã trôi qua tại vùng Bảy núi An Giang. Những chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc lại phải rời đi để trở về với công việc và cuộc sống thường nhật. Nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu, người trưởng đoàn ân cần và hiền lành ấy cũng đặt chiếc máy ảnh xuống và khoác lên mình chiếc áo blue trắng, trở lại với vai trò là một người Bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang. Trung thu năm nay của các em nhỏ người Khmer tại Bảy núi An Giang vui và ấm áp quá, không biết các bạn nhỏ khác ở xa nơi này thì sao?
Lễ hội trăng rằm mang niềm vui nhỏ đến cho những em bé người dân tộc tại Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Ngay trước cổng Thảo Cầm viên (số 2, phường Bến Nghé, quận 1) 2 chiếc xe khách vừa lăn bánh. Tiếng đàn hát trên xe khiến nhiều người đang lưu thông trên đường phải "ngước nhìn". Không biết họ có gì mà vui thế ?!
Cứ gần đến trung thu, nhóm tình nguyện viên của Chương trình "Mùa yêu thương" lại nôn nao, cùng nhau chuẩn bị và tập dợt các tiết mục ca múa, nhạc, kịch để mang niềm vui về cho các em nhỏ tại tỉnh Phú Yên. Lúc đầu chương trình do Báo Công an TP.HCM tổ chức, nhưng về sau càng thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia và ủng hộ. Năm 2019 này, chuyến xe về 2 huyện Sông Hinh và Đông Hoà có tổng cộng 40 bạn tình nguyện viên cùng theo giúp sức.
Nhiều em nhỏ hào hứng tập trung để theo dõi những màn biểu diễn văn nghệ đêm Trung thu
Không chỉ được tổ chức Trung thu mà các em nhỏ còn được khám sức khoẻ miễn phí
Gần 3 đêm trung thu, những người trẻ bỏ phố, về với miền sơn cước. Ngôi trường nhỏ ven biển, vốn trầm lặng nhưng tối hôm đó bỗng rực sáng ánh đèn và đông vui hẳn. Cô bạn Huỳnh Thị Minh Duyên (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) đã rong ruổi cùng chuyến xe Mùa yêu thương 2 năm nay.
"Chuyến xe này không chỉ mang ý nghĩa giúp đỡ trẻ em đồng bào, mà còn là cơ hội để những người trẻ có một trải nghiệm quý báu" – Duyên tâm sự. Những chuyến xe về xứ "Nẫu" khô cằn nắng gió không chỉ mang lại nhiều kỷ niệm cho Duyên mà còn nhiều bạn khác nữa. Bạn Trần Đức Nam là một thành viên đã gắn bó với chương trình từ những năm đầu tiên, Nam sinh năm 1995, mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Nam kể rằng việc mang trung thu về với các em nhỏ vùng biển là điều Nam rất tâm huyết "Khi nào mình còn làm được, mình sẽ làm cho tới cùng, bởi mình thương lũ trẻ ở đây lắm".
Những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của các em nhỏ khi được tổ chức Trung thu
Chuyến đi không chỉ mang niềm vui đến cho các em nhỏ mà còn là trải nghiệm đáng quý của nhiều bạn trẻ
"Lũ trẻ" mà Nam nhắc đến là những em học sinh tiểu học người Ê-đê. Xã Ea Lâm, huyện Sông Sinh, có hơn 90% đồng bào người dân tộc Ê Đê sinh sống. Những món quà Trung thu được xem là bình thường với thiếu nhi thành phố dường như là giấc mơ lớn với các em nhỏ ở nơi đây. Vì thế, để tổ chức một đêm trung thu trọn vẹn cho các em thì những phần quà thôi sẽ không đủ.
Do đó, những tiết mục nhạc, kịch với nội dung nhân văn, sinh động đã được chính các bạn trẻ dàn dựng và lên ý tưởng, tất nhiên là với sự giúp sức của nhiều "nhân vật đặc biệt" khác nữa, Thạc sỹ Hồ Ngọc Linh – Giảng viên Nhạc viện TPHCM là người tư vấn, biên đạo cho những tiết mục của đêm hội trăng rằm "một người vì mọi người, mọi người vì một người" đó là câu "slogan" được ông Ngọc Linh nhắc đi nhắc lại trong suốt thời gian tập dợt cùng các bạn trẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ tại TP.HCM đã đồng hành với chương trình, đến thăm khám và cấp phát thuốc cho các em nhỏ tại những điểm trường.
Cùng với sự chung tay của nhiều đơn vị khác tại địa phương, hơn 1500 em nhỏ tại 2 huyện nghèo tại Phú Yên đã được trao tặng những phần quà ý nghĩa và ấm áp, bao gồm bánh trung thu, tập sách, lồng đèn, bánh kẹo. Những mạnh thường quân còn ủng hộ 20 chiếc xe đạp và 40 suất học bổng cho các em có vượt khó học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn. Ông Lý Văn Thi (mạnh thường quân) cho biết "Xuất phát điểm tôi cũng giống các em nhỏ, nên tôi biết sự quan tâm và hỗ trợ của xã hội có ý nghĩa với các trẻ em nghèo đến nhường nào…"
Kết thúc mùa trăng nơi xứ biển. Duyên và các bạn khác cười tươi với làn da rám rắng, bởi suốt 3 ngày liền cùng nhau dựng sân khấu ngoài trời, tập dợt và chuẩn bị các phần quà cho kịp đêm hội. Mọi người ai cũng nói "mệt, nhưng mà vui lắm". Trước khi lên xe chào tạm biệt xứ "Nẫu", một em bé người Ê-Đê đứng thẹn thùng, níu lấy tay một bạn và hỏi.
- Năm sau mấy anh chị có về chơi với tụi em nữa không?
Mọi người chắc cũng biết câu trả lời là gì rồi. Những hồn nhiên và ngây thơ của những đứa trẻ vùng quê đã níu chân những người trẻ đã trót yêu thương các em, thương cho những thiệt thòi, thương cho sự thiếu thốn và thương cả những nụ cười "hết ga" vào mỗi mùa trung thu. Cứ như thế, lời hứa và cái hẹn "năm sau" cứ tiếp nối mỗi mùa trăng rằm nơi miền biển.
Có lẽ, đối với những người trẻ, quan điểm cống hiến không nên là điều quá to tát. Bạn không cần có mức lương lên đến hàng chục, hàng trăm triệu mới có thể đóng góp cho xã hội. Chỉ cần những sự chung tay nhỏ nhoi, chúng ta đã khiến cuộc sống này trọn vẹn hơn một chút.
Những chuyến đi thiện nguyện về vùng quê, chứng kiến cảnh sống khó khăn của những đứa trẻ sớm "chân lấm, tay bùn" đã khiến không ít bạn trẻ bị sốc. Vì sống lâu trong sự bảo bọc của cha mẹ, những khó khăn và các mặt tối của cuộc sống vốn chỉ nằm trên trang giấy, nay bỗng bày ra ngay trước mắt. Có bạn khi đứng yên, ngậm ngùi, có bạn bật khóc khi nhìn thấy một gia đình có đến 5 6 đứa trẻ, đứa lớn bồng đứa bé, đứa bé bồng đứa bé hơn đến xoè tay xin một chiếc bánh ngọt. Có bạn mới tham gia chưa biết phải làm gì, cứ đứng một chỗ lóng nga lóng ngóng, nhưng hôm sau đã chủ động xắn tay áo lên giúp đỡ mọi người. Có bạn sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ, nhưng sang năm thứ 2 đã biết kêu gọi mọi người cùng tham gia, tự sắp xếp tổ chức chương trình cùng các anh chị ban tổ chức.
Ngày hội trăng rằm của thiếu nhi mà không hiểu sao lại có thể mang nhiều niềm vui cho người lớn
Qua đó mới thấy, những chuyến đi thiện nguyện không chỉ giúp cho đồng bào, bà con, các em nhỏ, mà còn giúp các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm, học thêm về kỹ năng sống và thu thập thêm nhiều trải nghiệm. Đây sẽ là hành trang quý giá cho các bạn sau này. Nhưng, bài học giá trị hơn cả, không trường lớp hay công ty nào có thể dạy được cho các bạn, đó là bài học về cách yêu thương.
Trung thu là tết thiếu nhi, là ngày hội trăng rằm của thiếu nhi mà không hiểu sao lại có thể mang nhiều niềm vui cho người lớn đến thế. Mùa trăng rằm năm nay to và đẹp, có lẽ mùa trăng đẹp nhất là mùa trăng được chan đầy bằng những trái tim biết yêu thương.