Với nhiều người trẻ, thành phố phồn hoa là nơi họ lựa chọn cho sự khởi đầu. Chỉ đến khi "nếm" đủ mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, ở một độ tuổi nhất định nào đó, lúc mà tiền bạc không còn là tất cả, nhiều người quyết định "bỏ phố lên rừng".
Ở nơi đó, cứ bình tĩnh sống, không ồn ào, huyên náo, không tấp nập, vội vàng, cuộc đời vẫn sẽ luôn nhọc nhằn, nhưng bình yên hay không là do ta tạo ra.
Một ốc đảo tưởng chừng như tách biệt hoàn toàn với xã hội, nơi mà bốn bề cây cối rậm rạp, rộng chừng 1ha nổi lên giữa vùng đồng ruộng và sình lầy của xã Liên Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Không khí trên đảo trải qua nhiều năm tháng vẫn giữ được sự trong lành và yên tĩnh, hệt như một khu rừng nguyên sinh thực thụ.
Bấy lâu nay, vùng đất nguyên sơ này là nơi cô giáo về hưu Nguyễn Minh Ngọc (69 tuổi) sống cùng em gái Nguyễn Thị Môn (67 tuổi). Để nói về cuộc sống trên ốc đảo hoang vu, thật đơn giản là: không biết đến chợ, không biết bệnh tật và cũng không cần đến tiền nốt!
Cô Ngọc trong khu vườn như rừng rậm của mình.
Trên đảo, chị em cô Ngọc trồng một mẩu ruộng đủ lúa ăn quanh năm, vườn nhà trồng nhiều cây ăn quả, rau đậu... Hai cô cũng đào thêm một cái ao thả cá, nuôi thêm 2 con bò, một đàn lợn, một đàn gà. Thực phẩm không ăn hết, các cô muối thành những mắm tôm, mắm tép, tương cà... hoặc phơi khô để ăn vào những ngày mưa gió. Trên đảo cũng có một giếng khơi, nước trong và sạch quanh năm. Hằng ngày hai người ăn những thứ mình làm ra, uống nước nấu từ những cây lá thuốc trên đảo, rất ít khi cần đến những sản phẩm từ bên ngoài, ngoại trừ muối.
Cuộc sống trên đảo bớt tẻ nhạt khi 2 cô có đàn chó và lũ chim vừa làm bạn, vừa là "người" gác cửa. Hễ mỗi lần có khách đến thăm, đàn chim kêu ríu rít, đàn chó ra sủa râm ran cả đảo.
Cuộc sống thường ngày của cô giáo về hưu, tự cấp tự túc.
Dù bên ngoài lắm tiếng đồn thổi cũng không ít lời gièm pha, nhưng 2 cô bảo "Cứ kệ thôi, ai nói gì mặc họ!". Đều đặn mỗi buổi sáng và chiều, cô Ngọc và cô Môn dành 30 phút đến một tiếng đồng hồ chạy thể dục, vừa chạy để rèn luyện sức khỏe, vừa vào làng để biết cuộc sống trong làng như nào.
Nhiều lần thấy cuộc sống của hai cô tách biệt với bên ngoài, nhiều người cũng khuyên nên tìm một mảnh đất trong làng nhưng hai chị em đều từ chối. Với hai người phụ nữ này, hạnh phúc đơn giản chỉ là cuộc sống vô lo vô nghĩ, bình yên với vườn cây, ao cá mà không phải vướng bận bởi những xô bồ, ồn ào của phố thị.
Cuộc sống an yên, tự tại không vướng bận bất cứ điều gì.
Tựa như loài cỏ dại, mộc mạc mà lại vô cùng mạnh mẽ, chị em cô Nguyễn Thanh Thuý (SN 1957) luôn bình tĩnh đối mặt với những gian khó của cuộc đời mà chẳng bao giờ than vãn. Cô Thuý vốn nổi lên như một hiện tượng từ chương trình truyền hình thực tế "Việt Nam Got Talent 2016" với câu nói: "Không sao, không sao đâu, bình tĩnh sống".
"Không sao cả!", là cách cô Thuý nói về cuộc sống đơn độc của 2 chị em cô trên ngọn đồi hẻo lánh ở Bảo Lộc. Từng lang bạt rày đây mai đó sau biến cố gia đình, 2 người phụ nữ tìm đến ngọn đồi hoang vu này như một chốn dung thân.
Đồi chè rộng lớn bao la - nơi 2 chị em cô Thuý sinh sống.
Cuộc sống đơn giản, bữa cơm có gì ăn nấy.
Trên đồi chè có nước sạch và điện sử dụng nhờ có bể chứa nước và tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên do nhà cách chợ khá xa nên chừng 10 bữa cô Thuý lại xuống chợ một lần để mua vài món cần thiết. Bữa cơm trên đồi đơn giản, có gì ăn ấy, cô đâu ăn gì cao sang.
Điều quý giá nhất trên ngọn đồi này chính là sự an yên trong tâm hồn. Cả cô Thúy và em gái đều không bận tâm những toan tính của thời cuộc, không phải nặng đầu vì những thiệt hơn vật chất. Họ sống giản dị như loài cỏ dại. Mỗi ngày cô Mai làm vườn, nấu nướng còn cô Thúy đem chè đi bán, chữa bệnh cho bệnh nhân. Mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng, bình dị.
Đặc biệt những hôm rảnh rỗi, cô Thuý lại mang cây đàn ra ngân nga. Âm nhạc giúp cuộc sống vơi đi sự tẻ nhạt, và giúp người ta quên đi những khốn khó hàng ngày.
Cây đàn là người bạn giúp cuộc sống của 2 cô vơi đi sự tẻ nhạt.
Sống trên núi mấy chục năm nên quen với thiên nhiên, không khí mát mẻ và yên tĩnh của núi rừng. Về dưới đồng bằng được vài hôm chú Ngô Văn Phước (50 tuổi) lại thấy không gian ồn ào và thiếu gì đó không chịu nổi. Thành thử, chú cứ phải lên lại rừng ngay.
Chú Phước sống ở trên núi Chứa Chan. Muốn tìm được đến đây, bạn phải di chuyển từ chùa Quang Bửu (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) men theo con đường nhỏ, vượt qua những đoạn dốc khúc khuỷu hướng đỉnh núi mà đi. Không gian nơi chú Phước sống bốn bề rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp và cực kỳ hẻo lánh. Nhiều người hay gọi đùa chú là "thần núi" - vị thần "cai quản" núi Chứa Chan hơn 25 năm qua.
Đàn lợn rừng "thần núi" nuôi để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
Chú Phước tìm ra nguồn nước ngầm dẫn về sử dụng. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
Cách đây 26 năm, chú Phước táo bạo dắt vợ lên núi lập nghiệp. Hàng ngày chú phụ vợ nấu sữa đậu nành phục vụ khách hành hương lên chùa. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chú chạy sâu vào rừng chặt cây vác xuống chợ bán. Để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, "thần núi" dành cả tháng trời lặn lội vào các hang động trên núi tìm kiếm nguồn nước ngầm dẫn về sử dụng.
Trên núi cỏ dại mọc dồi dào, chú Phước nuôi một đàn bò mà quanh năm không sợ thiếu thức ăn cho chúng. Rồi chú lại mua thêm đôi ba con lợn rừng, cuộc sống dân dã cứ thế không sợ đói.
Để người dân không bị lạc mỗi khi lên núi, chú làm biển chỉ dẫn. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
Sống mấy chục năm trên núi, mọi ngõ ngách, tảng đá, gốc cây "thần núi" đều thuộc làu làu như lòng bàn tay. Du khách những lần lên núi bị lạc đều được chú Phước dẫn đường. Riết rồi, chú làm mấy tấm bảng chỉ đường lên núi gắn vào các thân cây để mọi người biết đường đi, không còn sợ lạc nữa.
Sinh sống được một thời gian, để tiện cho vợ buôn bán và 3 đứa nhỏ học hành, chú Phước đành phải bán hết bò, lợn dồn tiền mua mảnh đất ở đồng bằng và xây cất nhà cho vợ con ở. Từ ngày vợ con "hạ sơn", một mình chú ở lại với ngọn núi Chứa Chan. Thỉnh thoảng nhớ người thân, chú lại làm chuyến "du hành" về đồng bằng nhưng chỉ được 2, 3 ngày lại lên núi. Chú bảo không thích nghi được với cảnh nhộn nhịp đông người, lúc nào nỗi lòng cũng hướng về núi rừng.