Là sinh viên đại học, chắc bạn chẳng xa lạ gì với những buổi thuyết trình nhóm hay báo cáo bài tập lớn.
Thuyết trình nhóm tưởng như đơn giản vì mỗi người chỉ cần đảm nhận một phần nhỏ, thế mà rất nhiều nhóm đang tự biến những gì mình nói thành một bài "hát ru" cho người nghe bên dưới. Rời rạc, không có sự kiên kết, ai cũng chỉ lo phần nội dung của mình và lập tức "chạy" về chỗ ngồi ngay sau khi hoàn thành, bạn có chắc là mình chưa từng trải qua một bài thuyết trình như thế?
Thuyết trình vốn đã là một môn nghệ thuật thì với thuyết trình nhóm, các nghệ sĩ có kỹ năng thôi là chưa đủ, điều quan trọng hơn là sự ăn ý, phân chia logic trong quá trình làm bài. Dưới đây là những lưu ý cực kỳ hữu ích để một nhóm có bài thuyết trình "đi vào lòng người" mà bạn không thể không ghi nhớ nếu muốn có một kỳ học suôn sẻ và thành công.
Đây là bước đầu tiên nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của bài thuyết trình. Hãy phân chia công việc cho các thành viên trong nhóm một cách thông minh nhất dựa trên thế mạnh của mỗi người. Hãy để một thành viên có trí nhớ tốt nói về lý thuyết và các con số trong khi một thành viên khác có khả năng ứng biến linh hoạt sẽ đảm nhận những nội dung phân tích mở rộng.
Đây là phần cần sự tách bạch rõ ràng nội dung của mỗi người, tuyệt đối không lặp lại nội dung của nhau. Khối lượng nội dung dành cho mỗi thành viên nên được cân đối tối đa có thể, đừng để một người nói liên tục 10 phút trong khi thành viên ngay sau đó chỉ nói 3 phút đã kết thúc. Muốn có một bài thuyết trình tốt, ngay từ những bước đầu tiên, bạn cần hình dung về tổng thể bài làm của cả nhóm và thống nhất nội dung cho mỗi người một cách hợp lý nhất.
Nhóm của bạn sẽ không bao giờ có thể thực hiện một bài thuyết trình tốt nếu không tập thử. Nhất định phải tập thử, ít nhất 1, 2 lần.
Tập thử là lúc các thành viên tập luyện cách chuyển nội dung cho người khác sao cho nhịp nhàng, kiểm soát thời gian trình bày của mỗi người và chuẩn bị các câu hỏi tương tác lẫn nhau để nội dung bài liên kết và logic hơn cũng như tập dượt cho sự ăn ý giữa người thuyết trình và người bấm slides.
Điều tồi tệ nhất khi thuyết tình nhóm là lần lượt các thành viên lên nói và chỉ quan tâm đến phần của mình, không chuẩn bị trước, không biết người ngay tiếp theo mình sẽ trình bày là ai khiến tổng thể bài rời rạc và khó hiểu.
Nhiều sinh viên còn tự tin cho rằng, học đại học bao lâu vậy rồi, thuyết trình cũng nhiều rồi, ai cũng quen rồi thì đâu cần phải chuẩn bị trước cho mất thời gian. Và đây chính là suy nghĩ khiến nhóm bạn có một bài thuyết trình thất bại. Dù có kinh nghiệm đến đâu, bạn vẫn cần phải tập dượt vì bạn không thể biết được có bất ngờ gì sẽ xảy ra trong lúc thuyết trình.
Ngoài sự tương tác của từng cá nhân với người nghe thì khi thuyết trình nhóm, các thành viên còn phải tương tác với nhau một cách hiệu quả.
Điều tối kị khi cùng nhau thuyết trình là ngay lập tức làm việc riêng sau khi đã hoàn thành nội dung của cá nhân. Vì là một nhóm nên dù mỗi người đảm nhận một phẩn nhỏ nhưng tất cả các thành viên phải có sự liên kết chặt chẽ trong toàn bộ thời gian thuyết trình.
Cách đơn giản nhất là cả nhóm cùng ngồi trên một bàn và hướng về phía người nghe hoặc phân chia vị trí để cả nhóm cùng đứng trên bục thuyết trình nếu không có quá đông thành viên. Nhóm của bạn luôn cần cho mọi người biết được trong nhóm có những ai thay vì từng người một chỉ bước lên và tình bày trong vài phút.
Mục đích của việc đứng cùng nhau còn để các thành viên có thể kịp thời hỗ trợ nếu ai đó gặp trục trặc với phần nội dung riêng. Đây chính là cách bạn thể hiện tinh thần đồng đội và ghi thêm điểm cho sản phẩm của mình.
Hình thức bên ngoài luôn là điều rất quan trọng dù bạn thuyết trình nhóm hay cá nhân. Hãy cùng thống nhất một mẫu trang phục, một màu áo hay phối hợp có chủ ý để tổng thể nhóm của bạn thật nổi bật khi xuất hiện trước cả lớp. Và đừng quên luôn tươi cười để khuấy động không khí và sự hào hứng của người nghe.
Những yếu tố quan trọng khi thuyết trình cá nhân cũng cần được phát huy toàn bộ để có một bài thuyết trình nhóm tốt: thu hút người nghe bằng những ví dụ trực quan, đưa ra nhiều dẫn chứng thay vì lý thuyết, chú ý đến ngôn ngữ hình thể, giao tiếp bằng mắt,...
Cuối cùng, sau khi hoàn thành bài, cả nhóm cũng đừng quên "bonding" một chút để ăn mừng cho những nỗ lực chuẩn bị, tập dượt và xây dựng nên một đội ăn ý cho những lần làm bài tập sau đó!
(Theo www.thoughtco.com)