Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: "Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục"

Minh Nhân - Ảnh: Phương Thảo, Theo Trí Thức Trẻ 07:29 07/05/2020

Hạ Lôi đã có một đêm không ngủ. Cảm xúc vui sướng, hân hoan và vỡ oà. Trong dòng người, những chuyến hoa đầu tiên sau cách ly từ từ lăn bánh, đi qua cổng làng và tiểu thương dừng lại bật khóc.

0h ngày 6/5, huyện Mê Linh công bố quyết định kết thúc cách ly y tế đối với thôn Hạ Lôi sau 28 ngày phong toả vì liên quan các ca bệnh Covid-19. Từ giây phút đó, người dân được trở lại với cánh đồng thân thuộc, chăm chút từng gốc hoa, luống rau, ruộng lúa.

Hạ Lôi đã có một đêm không ngủ. Cảm xúc vui sướng, hân hoan và vỡ oà. Trong dòng người, những chuyến hoa đầu tiên sau cách ly từ từ lăn bánh, đi qua cổng làng và tiểu thương dừng lại bật khóc.

Mặt trời lên cao, cuộc sống đang dần hồi sinh trên những cánh đồng, ruộng lúa ở Hạ Lôi.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 1.

Ngày đầu tiên sau khi Hạ Lôi được dỡ phong toả, người dân dần bắt nhịp trở lại với cuộc sống.

"Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục. Thế là đủ rồi"

Ruộng hoa 370m2 trồng cúc vàng của anh Bình, 46 tuổi, "đứng vững" sau một tháng không được chăm bón tận tình. Anh nói, công việc đầu tiên anh làm sau khi Hạ Lôi kết thúc cách ly y tế, chính là chăm vườn - "nhịp tim sống" của gia đình.

Bệnh nhân 243 - người khởi phát của ổ dịch Hạ Lôi khiến anh Bình và gần 11.000 hộ dân khác "chao đảo". Nhận thông tin về ca bệnh, anh biết rằng toàn thôn sẽ phải cách ly, nên đã có các biện pháp thu xếp ruộng đồng.

Chủ động trước phong toả, anh đóng cọc, kéo lưới để áng chừng sau một tháng, cây hoa sẽ không bị đổ. "Thật may, thiệt hại của vườn không nghiêm trọng như tôi nghĩ, hoa còn tương đối đẹp, chỉ bị thất thoát 1/3 ruộng do sâu bọ cắn", anh nói.

Anh Bình là một trong số nhiều người dân Hạ Lôi tự nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng phòng chống dịch. Anh nhận nhiệm vụ vận chuyển cơm cho cán bộ y tế. Dù phải mặc đồ bảo hộ thường xuyên, bức bối và khó chịu, nhưng anh nói rằng rất tự hào khi được góp một chút công sức nhỏ bé của bản thân.

Trước ngày về với gia đình, anh được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Sars-Cov-2.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 2.

Những ruộng hoa sau gần một tháng không được chăm sóc.

Với người Hạ Lôi nói riêng và Mê Linh nói chung, hoa là nguồn sống tất yếu. Công việc đầu tiên của họ trong buổi sáng kết thúc cách ly, chính là ra thăm ruộng hoa nhà mình.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 4.

Ruộng hoa hồng trắng héo mòn do không được chăm sóc.

Đêm hôm trước, chờ đợi thời khắc lịch sử của Hạ Lôi, như biết bao dân làng khác, trong lòng anh Bình phấn chấn hơn so với mọi ngày.

"Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục. Thế là đủ rồi", anh xúc động. "Một tháng vừa qua giúp chúng tôi rèn luyện được nhiều thói quen tốt, như đi ra đường phải đeo khẩu trang, về nhà sát khuẩn tay, nhịp sinh hoạt ổn định".

Dự định sắp tới, không có gì đặc biệt, người trồng hoa lại quay về với những ruộng cúc vàng, chăm bón cây trồng và đợi ngày thu hái sản phẩm mình làm ra.

"Chúng tôi đã đợi giây phút này gần một tháng"

Dưới tán cây xoè rộng bên cạnh trụ sở uỷ ban thôn, cô Hồng, 53 tuổi, đẩy xe đạp 3 bánh cho đứa cháu nhỏ chỉ mới 2 tuổi. Khung cảnh bình yên nên chả ai dám nghĩ, cách đây một tháng, người dân toàn thôn phải xếp hàng tại đây đợi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Cô hoang mang và lo lắng, dù không tiếp xúc gần với bệnh nhân 243, nhưng trong gia đình có các trường hợp F1, F2 phải đi cách ly tập trung.

Ngày hôm đó, cô đến trạm y tế khai báo. Cả đêm trằn trọc, mất ngủ.

28 ngày ở yên trong nhà, không dám đi ra đường vì sợ hãi. Cảm giác bí bách và khó chịu khiến tâm trạng cô không được thoải mái những ngày đầu. Dần dần, cô tập làm quen với "cuộc sống cách ly", biết rằng sẽ hi sinh một chút để đợi ngày Hạ Lôi sạch bóng Covid-19.

"Đêm 5/5, tôi mua những món ăn ngon hơn ngày thường một chút, gọi là làm một bữa liên hoan, tề tựu với người thân, mừng thôn xóm được dỡ cách ly. Tôi không ngủ được, thức cả đêm, rồi cùng bà con ùa ra đầu đình. Cảm giác thật hân hoan và sung sướng. Chúng tôi đã đợi giây phút này gần một tháng", cô nói.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 5.

Cô Hồng đẩy xe cho đứa cháu nhỏ.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 6.

Lũ trẻ được vui chơi thoải mái sau những tháng ngày phải ở yên trong nhà.

Không khí trong lành và hân hoan ngày đầu tiên Hạ Lôi được gỡ phong toả.

"Thiệt hại về tiền bạc không đáng gì, vì còn người là còn của"

Chợ hoa Mê Linh hoạt động tấp nập trở lại, những xe hoa nối tiếp nhau đi từ đường làng ra ngõ lớn. Người ta bảo, dân Mê Linh chủ yếu sống bằng hoa, nếu không có hoa thì chết đói.

Gánh hoa nhỏ của cô Ngọc, 65 tuổi, nép gọn một góc trước chợ. Cô vui mừng như "mở cờ trong bụng" khi quê hương được dỡ cách ly y tế. "Mỗi người lên hẳn mấy cân sau khi nghỉ dịch một tháng", cô bật cười.

"Thời điểm phát hiện bệnh nhân đầu tiên, chúng tôi đã rất lo lắng. Một phần vì bệnh, phần khác thì không được ra vườn chăm sóc hoa, thiệt hại bao nhiêu tiền của. Hoa đến ngày bán, nhưng không được thu hoạch, phải bỏ hết".

Những bông hoa còn sót lại được cô cắt tỉa mang ra chợ, nhưng không bán được nhiều. Mỗi sào cúc vàng nhà cô thiệt hại 30-40 triệu, nhưng cô nói "thiệt hại kinh tế không đáng gì, vì còn người là còn của".

"Mình sống sót như thế này là vui vô vàn rồi", cô nói.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 8.

Chợ hoa Mê Linh hoạt động trở lại.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 9.

Cô Ngọc chia sẻ niềm vui về những gánh hoa tuy mất giá nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Khuôn mặt của những tiểu thương buôn hoa ở Hạ Lôi. Với họ, không có hoa thì chết đói!

Gánh cúc vàng của một tiểu thương khác được dựng kế bên gốc cây cổ thụ. Nhà chị hơn 10 sào ruộng, mỗi sào 360m2, nhưng do không được chăm sóc, nên hoa bị xấu, thành thử bán không được giá. "Buổi sáng tôi bán được một ít, nhưng từ chiều thì không được bó nào", chị cho biết.

Cả tháng trời xót cây xót hoa, chị không làm gì, chỉ mong từng ngày để được ra vườn. Bình thường, mỗi tháng thu nhập gia đình cũng đủ tiêu đủ ăn, nhưng thời điểm dịch bệnh gần như "âm" hết.

Trung bình mỗi hộ dân trồng hoa ở Hạ Lôi thiệt hại từ 50-70 triệu đồng, nhưng họ tin rằng, từ thời khắc kết thúc cách ly, cuộc sống sẽ "chớm nở" dù khó khăn vẫn còn đang ở phía trước.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 11.

Nhịp sinh hoạt tấp nập, những con đường làng nhộn nhịp, tràn đầy sức sống.

Những gánh hoa lại về với thôn Hạ Lôi: Dịch bệnh đi qua, mình còn khỏe, còn cuộc đời này để tiếp tục - Ảnh 12.

Công việc buôn bán diễn ra bình thường.

Và người dân "làm quen" lại từ đầu với cuộc sống, học sinh đến trường sau 3 tháng dịch bệnh.

Thôn Hạ Lôi có 11 xóm, 2.937 hộ dân với 10.872 nhân khẩu. Ngày 6/4, thôn ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên, là bệnh nhân 243, có yếu tố dịch tễ từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3, lịch trình di chuyển phức tạp.

Sáng 8/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Mê Linh quyết định chính thức phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi để cách ly, theo dõi và dập dịch.

Huyện thành lập 9 chốt (6 chốt cứng và 3 chốt mềm). 6 chốt cứng nhằm cấm tất cả các phương tiện ra vào thôn Bằng, 3 chốt mềm để cho các cơ quan đoàn thể, y bác sĩ ra vào thực hiện nhiệm vụ.

Liên tiếp những ngày sau đó, thôn phát hiện thêm nhiều ca bệnh dương tính. Ca cuối cùng được phát hiện vào ngày 13/4, có tổng số 13 bệnh nhân liên quan.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày