Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã dần "sạch" khi đa số các cầu thủ đã hiểu rõ những gì phải làm để tốt cho sự nghiệp. Nhưng điều đó không có nghĩa là "bóng ma" tiêu cực sẽ ngưng ve vãn giới bóng đá, khi mà vẫn còn nhiều địa phương, các cầu thủ không có môi trường chuyên nghiệp để chính họ có mục tiêu phấn đấu.
Ngay từ khi mới chập chững bước đầu sự nghiệp, các cầu thủ trẻ đã luôn bị bủa vây bởi những tiếng gọi không lành.
Hỏi thẳng một cầu thủ từng thi đấu nhiều giải trẻ và nay đã có suất đá chính tại V.League: Có bao giờ được các dân cá độ tiếp cận chưa?
Anh này trả lời: "Ở đội trẻ của tôi không đứa nào dám dây dưa đến bọn đấy. Thầy không cho. Tôi chỉ muốn tập trung đá bóng. Đá tốt ở đội trẻ để được lên đội 1, đá tốt ở đội 1 sẽ có khả năng lên tuyển và mục tiêu nữa là được ra nước ngoài thi đấu".
Có không ít cầu thủ nhờ vào xuất thân từ môi trường tốt, đã tránh được những vấn đề tiêu cực khi đầu quân ở một đội bóng khác, mà quá nửa đội hình có dính đến cá độ bóng đá vừa được phanh phui.
Tuy vậy, môi trường phát triển cũng phải có thêm "điều kiện cần" từ những ban tổ chức, nhà điều hành giải đấu, chung tay ngăn chặn tiêu cực xảy ra. Vì không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề tiêu cực được phát giác thời gian gần đây, có điểm chung là đều diễn ra ở những trận đấu, giải đấu chẳng mấy ai quan tâm, khán đài thường xuyên trống vắng và rất ít được thông tin.
Như những trận đấu tại vòng loại U19 Quốc gia 2020, thông tin và băng hình khó tiếp cận với ngay cả những người thuần công tác chuyên môn. Điều này khiến thành viên của một đội U19 nêu quan điểm: "Nếu tất cả các trận đấu đều được quay phim và truyền hình công khai. Vừa giảm thiểu khả năng bán độ cao và vừa giúp các đội bóng, khán giả theo dõi giải đấu".
Những trận đấu tại vòng loại U19 Quốc gia 2020 chỉ được "phát trực tiếp" bởi một trang cá cược.
Lật lại các quyết định kỷ luật liên quan đến trận đấu giữa U19 Bình Định và U19 Đắk Lắk, diễn ra ngày 5/3 tại vòng loại U19 Quốc gia 2020. Đặc biệt là với trường hợp bị kỷ luật duy nhất ở đội U19 Đắk Lắk là thủ môn Y Êli NiÊ. Cựu thủ môn U23 Việt Nam được cho là "thi đấu không đúng khả năng của mình", nhưng việc thiếu băng ghi hình rõ ràng trận đấu khiến quyết định kỷ luật này có nhiều sự không phục từ lãnh đội U19 Đắk Lắk.
Cần biết rằng, chiếu theo góc độ thuần chuyên môn, không phải ngẫu nhiên mà Êli NiÊ thường xuyên phát bóng ra biên trái. Ở hành lang này của U19 Đắk Lắk có một cầu thủ được đánh giá rất cao và tương lai rất có thể sẽ được triệu tập lên các tuyển trẻ Quốc gia.
Vấn đề lại trở lại với việc, băng hình trọn vẹn trận đấu này rất khó tiếp cận và chỉ có ban tổ chức là VFF có đầy đủ. Không nghi ngờ những đánh giá chuyên môn từ VFF, nhưng liệu có công bằng hay không khi thủ môn Y Êli NiÊ khiếu nại thì không được giải quyết với lý do "không thuộc phạm vi giải quyết khiếu nại".
Đội bóng và nhà điều hành giải đấu làm tốt trách nhiệm của mình thì tự khắc, mỗi cầu thủ sẽ là vắc-xin ngừa tiêu cực.
Việc giải quyết vấn đề không thấu đáo từ nhà điều hành giải đấu, từng khiến nhiều đội bóng bức xúc dẫn đến chán nản trong cách phát triển, là vấn đề không mới tại bóng đá Việt Nam.
Môi trường phát triển tốt dành cho cầu thủ và giải đấu được tổ chức chuyên nghiệp, liệu có giúp ngăn chặn được những tiêu cực?
Tham khảo một chuyên gia bóng đá từ châu Âu, vị này chia sẻ rằng: "Thực sự thì không thể triệt tiêu hoàn toàn tiêu cực. Nhưng nếu những đội bóng, cơ quan quản lý bóng đá cùng hiểu rõ trách nhiệm trong cách bảo vệ hình ảnh của chính họ. Hình ảnh hái ra tiền mà, thu hút nhà đầu tư, tài trợ, bán bản quyền,... Khi cùng nghiêm ngặt với luật chơi đó thì ắt hẳn, mỗi cầu thủ tự thân sẽ là vắc-xin ngừa tiêu cực".