Khác với các năm trước khi học sinh chỉ phải thi 2 môn Toán, Văn, năm nay số lượng môn thi tăng lên gấp đôi với môn thi thứ 4 sẽ được công bố trong tháng 3/2019. Một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân sẽ được chọn ngẫu nhiên làm môn thi thứ 4.
Với môn ngoại ngữ, học sinh được chọn một trong các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật. Thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS.
Phương án thi 4 môn được cho rằng sẽ giúp học sinh tránh tình trạng học lệch, học tủ, tập trung hơn vào tất cả các môn học. Đặc biệt việc đưa ngoại ngữ vào là nhu cầu đổi mới thiết yếu để nâng cao năng lực ngoại ngữ ở trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Cụ thể, bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.
Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài là 60 phút.
Bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút.
Giải đáp băn khoăn của phụ huynh và học sinh về việc sợ con em bị quá tải khi ôn thi, Sở GD & ĐT cho biết, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GDĐT quy định.
Kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6/2019. Ngày 2/6, buổi sáng các thí sinh thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán. Ngày 3/6, buổi sáng, thí sinh thi Ngoại ngữ, buổi chiều thi môn thứ tư.
Lịch thi này sớm hơn 1 tuần so với năm học trước nhằm tạo khoảng cách về thời gian giữa kỳ thi vào 10 với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Dự kiến, trong tháng 10/2018, Sở GD&ĐT sẽ công bố đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Việc công bố sớm đề thi minh họa sẽ giúp giáo viên và học sinh có định hướng tốt hơn trong dạy học và ôn tập, đủ thời gian chuẩn bị cho kỳ thi.
Do cấu trúc bài thi 4 môn nên cách tính điểm xét tuyển cũng có sự thay đổi so với các năm trước.
Nguyên tắc tính điểm xét tuyển như sau:
Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của Hà Nội vừa chính thức được phê duyệt, dự kiến toàn thành phố có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS (giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017-2018).
Cụ thể, tuyển vào trường THPT: khoảng 81.200 đến 83.200 học sinh (giảm từ 3.000-4.000 học sinh so với năm ngoái).
Trong đó các trường công lập tuyển từ 60.900 đến 62.900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019), các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh (tương đương năm học 2018-2019).
Tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 10.100 học sinh. Số còn lại vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Với 4 trường chuyên, bao gồm trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây, thí sinh cần tham gia hai vòng tuyển sinh và phải đạt 10 điểm trở lên ở vòng sơ tuyển.
Vòng sơ tuyển đầu tiên, các trường căn cứ vào các tiêu chí và đánh giá thí sinh bằng điểm số. Cụ thể, Điểm sơ tuyển = Điểm thi học sinh giỏi, tài năng + Điểm xếp loại học lực 4 năm cấp THCS + Điểm kết quả tốt nghiệp THCS.
Với kết quả dự thi chọn HSG, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, thành phố, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế, giải nhất được 5 điểm, giải nhì 4 điểm, giải ba 3 điểm, giải khuyến khích 2 điểm.
Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp THCS, mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3 điểm, học lực khá 2 điểm.
Kết quả tốt nghiệp THCS loại giỏi được 3 điểm, loại khá 2 điểm.
Các trường chuyên chọn vào vòng 2 những học sinh đạt điểm sơ tuyển từ 10,0 điểm trở lên.
Vượt qua vòng sơ tuyển, các thí sinh sẽ thực hiện bài thi 5 môn gồm 4 môn thi chung với tất cả các thí sinh khác, điểm tính hệ số 1 và môn chuyên theo nguyện vọng, tính hệ số 2. Lịch thi cụ thể trong hình ảnh bên dưới:
Mỗi học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng một môn chuyên của hai trong số 4 trường trên nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên hoặc đăng ký nguyện vọng vào các môn chuyên khác nhau của hai trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên không trùng nhau.