Tử Cấm Thành còn được biết tới với tên gọi Cố Cung, từng là nơi ở của bậc Thiên tử và hoàng tộc dưới thời Minh – Thanh.
Sở hữu tổng diện tích lên tới 720.000 mét vuông, quy mô rộng lớn của công trình kiến trúc này khiến hậu thế không khỏi thắc mắc: Năm xưa nếu Hoàng đế ở trong cung bất ngờ gặp nạn, người nơi đây làm cách nào để có thể kịp thời hộ giá?
Trên thực tế, để thích ứng được với sự nguy nga, đồ sộ của Tử Cấm Thành, các Hoàng đế thời xưa đã phải thiết lập một mạng lưới an ninh dày đặc tại nơi này.
Hệ thống truyền tin khẩn cấp bằng pháo
Bạch Tháp Tín Pháo dùng để bắn pháo truyền tin trong trường hợp khẩn cấp được xây dựng tại phía Tây Bắc Tử Cấm Thành. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Nhắc tới hệ thống báo động của Trung Hoa xưa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới điển cố "Phóng hỏa hí chư hầu" thời nhà Chu.
Bấy giờ, Chu vương say mê Bao Tự, vì muốn có được nụ cười của nàng mà sẵn sàng đốt lửa trên Phong hỏa đài, giả vờ như có việc gấp để hiệu triệu các nước chư hầu tới cứu viện để trêu đùa họ.
Bạch Tháp Tín Pháo của Tử Cấm Thành sau này cũng có cơ chế hoạt động tương tự như cách đốt lửa hiệu triệu chư hầu trong điển cố ấy. Tín Pháo xây dựng trên núi Bạch Tháp ở phía tây bắc Tử Cấm Thành.
Chỉ cần nhận được tin báo trong thành xuất hiện nguy hiểm, những pháo thủ tại đây sẽ lập tức nã pháo lên trời. Quân Bát Kỳ đang đóng ở kinh thành một khi nghe được tiếng pháo sẽ nhanh chóng tập hợp binh lính để nhanh chóng hộ giá cho Hoàng đế.
Chỉ cần tiếng nổ của Bạch Tháp Tín Pháo vừa vang lên, ngay lập tức các tín pháo khác ở cửa thành cũng đồng thời nã đạn lên trời.
Cứ như vậy, tin tức sẽ được truyền đi một cách nhanh chóng, cả kinh thành khi đó sẽ ở trạng thái phòng thủ cao độ, canh phòng nghiêm ngặt.
Quản lý cổng thành bằng "hợp phù"
Hợp phù là một công cụ giúp Hoàng đế quản lý quân đội và thị vệ, từ đó bảo đảm an toàn cho Hoàng cung. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Dưới thời Ung Chính tại vị, vị Hoàng đế nhà Thanh này đã đề ra quy định bắt buộc thị vệ và binh lính canh giữ Cố Cung cũng như các cổng khác trong kinh thành buộc phải sử dụng "hợp phù".
"Hổ phù" mà các tướng quân thời trước thường dùng khi đánh trận cũng được xếp vào một dạng hợp phù. Loại hổ phù này chạm khắc hình con hổ, được chia làm hai nửa. Một nửa sẽ do Hoàng đế giữ, nửa còn lại nằm trong tay Tướng quân.
Khi nhà vua phái tướng quân dẫn binh, người truyền lệnh bắt buộc phải ghép được hai mảnh hổ phù thành một miếng hàn chỉnh thì tướng lĩnh mới được phép khởi binh.
Vào thời nhà Thanh, hợp phù là thánh chỉ làm bằng kim loại. Trong Tử Cấm Thành, thị vệ và binh lính canh cổng buộc phải mang theo hợp phù. Đặc biệt là những người ra vào ban đêm càng phải đối chiếu hợp phù kỹ càng để xác nhận thân phận.
Cấp "giấy thông hành" cho các quan viên vào hoàng cung
Lệnh bài của quan viên thời xưa được ví như "giấy thông hành" cho phép họ ra vào Tử Cấm Thành. (Ảnh minh họa).
Theo ghi chép của các tư liệu lịch sử, yêu bài có từ những năm Thiên Thông dưới thời nhà Thanh. Nhưng phải đến thời kỳ Khang Hy tại vị, Tử Cấm Thành mới chính thức sử dụng vật này để kiểm tra thân phận người ra vào.
Lúc mới ra đời, đây được coi là một vật tượng trưng cho thân phận, phẩm chức của quan lại. Quan võ và nội quan sẽ đeo nha bài, thiếp bài. Còn giáo úy, ngự trù sẽ dùng đồng bài, mộc bài. Quan lại nào muốn ra vào Tử Cấm Thành bắt buộc phải đem theo yêu bài.
Sau này, chế độ quản lý bằng yêu bài ngày càng được triều đình phong kiến hoàn thiện. Theo đó, yêu bài sẽ được thay mới 3 năm một lần. Hình thức và chất liệu tạo tác cũng ngày càng trở nên đa dạng, tinh xảo.
Ngày nay, trong viện bảo tàng của Cố cung vẫn còn lưu giữ tới 9000 chiếc yêu bài từng được sử dụng để ra vào Tử Cấm Thành.
Mạng lưới "còi báo động" trải khắp Tử Cấm Thành
Những chiếc "còi báo động" Thạch Biệt Lạp được thiết kế ở khắp nơi bên trong Tử Cấm Thành. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Khi tham quan Tử Cấm Thành, du khách sẽ thấy bên trên các trụ lan can của bậc thang đều có một quả cầu rỗng được điêu khắc hoa văn và đục thủng trên đỉnh.
Vậy đâu là lý do khiến vật này được trang trí ở khắp nơi trong Hoàng cung?
Trên thực tế, đây chính là hệ thống "còi báo động" của Cố cung, hay còn được biết tới với tên gọi Thạch Biệt Lạp. Trên đỉnh của Thạch Biệt Lạp đều được đục một lỗ thủng, dưới đáy có một viên đá nhỏ.
Khi Tử Cấm Thành gặp phải tình huống bất ngờ như hỏa hoạn, động đất, thích khách… các thị vệ sẽ dùng tù và bằng đồng cắm vào lỗ trên đỉnh Thạch Biệt Lạp và thổi mạnh để báo động.
Âm thanh báo động này phát ra sẽ được các đại nội thị vệ nghe thấy và khiến cả hoàng cung đề cao cảnh giác.
Chính hệ thống an ninh tân tiến và nghiêm ngặt này đã biến Tử Cấm Thành thời xưa trở thành một nơi "bất khả xâm phạm".