Những chiếc xe cứu thương giành giật sự sống cho bệnh nhân sốc nhiệt ở Ấn Độ

Hoàng Trang, Theo Báo Tin Tức 20:10 30/06/2023
Chia sẻ

Hú còi inh ỏi, chiếc xe cứu thương của anh Sunil Kumar Naik lao vun vút đến vùng nông thôn khô cằn của Ấn Độ giữa trưa nóng như thiêu đốt.

Những chiếc xe cứu thương giành giật sự sống cho bệnh nhân sốc nhiệt ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Anh Jitendra Kumar, nhân viên y tế, đang kiểm tra mức oxy của bệnh nhân bị sốc nhiệt. Ảnh: AP

Khi dừng xe, các nhân viên y tế vội vã đến kiểm tra một người đàn ông 30 tuổi đang nôn mửa và chóng mặt, có thể do say nắng. Họ đỡ bệnh nhân lên xe cứu thương, kiểm tra mạch và nồng độ ôxy. Sau đó, anh Naik tăng tốc lái xe quay trở lại bệnh viện.

Chỉ có một ít thời gian để uống nước và rửa mặt cho tỉnh táo, lái xe cứu thương và các nhân viên y tế lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Lần này, họ được cử đến đón một phụ nữ mang thai đang chuyển dạ khi nhiệt độ tăng vọt lên mức 43 độ C.

Làm việc không ngừng nghỉ, những ca trực thường kéo dài suốt 12 giờ trong mùa hè ngày càng khắc nghiệt ở Ấn Độ. Anh Naik và nhân viên y tế Jitendra Kumar cho biết họ đã nhận được gấp đôi số lượng cuộc gọi thông thường.

Nắng nóng gay gắt đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Ấn Độ. Ít nhất 150 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng mới nhất trong tháng 6. Những đợt nắng nóng kéo dài, được coi là thảm họa khởi phát chậm, là một trong những hậu quả nguy hiểm nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu mà Ấn Độ đang phải đối mặt.

Chính phủ nước này ước tính gần 11.000 người đã thiệt mạng vì nắng nóng trong thế kỷ này.

Những chiếc xe cứu thương giành giật sự sống cho bệnh nhân sốc nhiệt ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Bác sỹ thăm khám cho một bệnh nhi bị sốc nhiệt. Ảnh: AP

Banpur, ngôi làng có khoảng 13.000 dân, nằm sâu trong vùng Bundelkhand nghèo đói. Đây là khu vực khô cằn, nhiều sỏi đá, ít cây bao phủ và được biết đến là một trong những vùng nóng nhất ở Ấn Độ.

Anh Naik và Kumar là những lái xe cứu thương chuyên chở người bệnh ở làng Banpur và khu vực lân cận, đến trung tâm y tế công cộng do chính phủ điều hành. Chình quyền bang đã tài trợ cho dịch vụ xe cứu thương phi lợi nhuận này và biến nó trở thành phương tiện cứu người miễn phí cho người dân.

“Tôi coi mỗi bệnh nhân là người nhà của mình. Tôi không quan tâm trời nóng hay đói, tôi làm nhiệm vụ đưa bệnh nhân ra ngoài và chở họ đến bệnh viện. Dù cảm thấy khó khăn khi lái xe dưới cái nóng khắc nghiệt, nhưng điều đó chẳng là gì so với những khó khăn của bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp”, anh Naik nói.

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng có thể khiến con người chết từ từ và nhanh chóng. Ông Dileep Mavalankar, cựu Giám đốc Viện Y tế Công cộng Gandhinagar, cho biết sốc nhiệt có thể gây ra cái chết nhanh chóng, trong khi cái chết từ từ có thể xảy ra đối với những người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng phải chịu đựng nắng nóng kéo dài.

Ông Mavalankar là người phát triển kế hoạch hành động chống nắng nóng đầu tiên cho thành phố Ahmedabad của Ấn Độ vào năm 2013. Ba năm trước đó, ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng trong một đợt nắng nóng nguy hiểm ở thành phố này.

Kế hoạch của ông Mavalankar bao gồm các cảnh báo nhiệt khi nhiệt độ vượt ngưỡng 41 độ C, nâng cao kiến thức cho những người dễ tổn thương – như lao động ngoài trời, nông dân và những người khác tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng – về những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Đồng thời, ông cũng kêu gọi cung cấp nguồn lực cho các trung tâm y tế địa phương và bệnh viện để đối phó với các bệnh liên quan đến nắng nóng.

“Khi một cơn lốc xoáy xảy ra, mọi người đều cảnh giác và hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, có rất ít người có thể nhận thức hoặc hành động để đối phó với mức nhiệt cực cao. Chính quyền địa phương nên cảnh báo người dân ở trong nhà và các bệnh viện cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các ca bệnh liên quan đến nắng nóng”, ông nói.

Những chiếc xe cứu thương giành giật sự sống cho bệnh nhân sốc nhiệt ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Anh Kumar rửa mặt để hạ nhiệt. Ảnh: AP

Theo các chuyên gia về khí hậu, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài và Ấn Độ cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với hậu quả của nó. Nghiên cứu của World Weather Attribution đã phát hiện ra rằng đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4 tấn công các khu vực ở Nam Á có khả năng xảy ra thường xuyên gấp 30 lần do biến đổi khí hậu

Song dù có thể đưa ra kế hoạch đối phó với nắng nóng trên giấy tờ, nhưng những khu vực nghèo hơn, như Uttar Pradesh, không có khả năng thực hiện nó.

Ông Anjal Prakash, Gám đốc nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Ấn Độ, cho biết: “Những khu vực dễ tổn thương thường thiếu tài nguyên và không có đủ cơ sở hạ tầng để đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt. Việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ của nắng nóng, cung cấp các cơ sở chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chỉ là một số bước cần thực hiện ngay lập tức.”

Những chiếc xe cứu thương giành giật sự sống cho bệnh nhân sốc nhiệt ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Anh Sunil Kumar Naik (bên trái) ăn trưa dưới bóng râm ở Banpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: AP

Tại làng Banpur, nhân viên y tế Kumar phải chia sẻ chỗ ở với một số người tại bệnh viện. Chỉ với chiếc quạt cũ để làm mát, Kumar thường xuyên đổ mồ hôi trước khi ngày làm việc bắt đầu. Anh cho biết xe cứu thương có điều hòa, nhưng nó không thể làm mát với nhiệt độ khắc nghiệt bên ngoài.

Anh Kumar và Naik hiếm khi có thời gian ăn trưa. Khi có thời gian, họ phải tranh thủ ăn dưới bất kỳ bóng râm nào có thể tìm thấy. Với mức lương 150 USD/tháng, số tiền này hầu như không đủ để hỗ trợ gia đình do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Anh Naik có ba con nhỏ và anh Kumar phải gửi phần lớn thu nhập của mình cho vợ và bố mẹ sống cách đó 350 km.

Song bất chấp mọi khó khăn, họ vẫn cố gắng hết sức, làm tốt nhất những gì có thể.

“Tôi cảm thấy tự hào về công việc của mình. Bệnh nhân càng nguy kịch, chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn trong việc cứu sống họ. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì có thể cứu sống và giúp đỡ mọi người”, anh Kumar nói.

Nguồn: AP

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày