Những cha mẹ hay nói 7 câu này thực sự quá tuyệt vời: Không quá khi nói rằng tương lai con họ rất sáng sủa!

Thanh Hương, Theo Phụ nữ số 06:02 13/09/2024
Chia sẻ

Lời nói của cha mẹ có thể đem đến phước lành cho con cái.

01
"Bố mẹ mẹ hiểu cảm giác của con"

Có một cảnh tượng như sau tại bệnh viện: Một người cha đưa cậu con trai khoảng 5, 6 tuổi đi khám răng, cậu bé rất sợ hãi, không những không hợp tác mà còn khóc lớn và la hét. Người cha rất thiếu kiên nhẫn, vừa kéo con vừa mắng: "Ba mẹ đi làm cả ngày, cuối tuần mới tranh thủ đưa con đi khám răng mà con lại không chịu; lớn từng này rồi mà còn sợ cái này, không thấy xấu hổ à?".

Chỉ thấy cậu bé rưng rưng nước mắt, trông vô cùng tủi thân. Nhà văn người Tanzania, Shabani, trong bài tản văn "Tuổi thơ" từng viết: "Nỗi lo lắng của trẻ nhỏ đối với người lớn có thể là chuyện nhỏ nhặt, nhưng đối với trẻ thì đó là một việc vô cùng to tát". Ai cũng khao khát được thấu hiểu và chấp nhận, và trẻ con cũng không ngoại lệ.

Cái gọi là "hiểu" không phải là hiểu hành động của trẻ mà là thừa nhận tính hợp lý của cảm xúc và cảm nhận của trẻ. Khi trẻ bị phê bình, hãy nói một câu an ủi: "Ba mẹ hiểu, bị cô giáo phê bình chắc là con rất buồn phải không?"

Khi trẻ đau răng, hãy nói với trẻ: "Ba mẹ hiểu nỗi sợ của con, con có thể khóc một lúc, nhưng không thể vì sợ hãi mà tức giận và quên mất lý do mình đến đây".

Việc vô điều kiện chấp nhận cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ biết rằng chúng được thấu hiểu, từ đó tạo ra sự gắn kết cảm xúc, và cha mẹ mới có thể dần dần bước vào thế giới nội tâm của con.

Những cha mẹ hay nói 7 câu này thực sự quá tuyệt vời: Không quá khi nói rằng tương lai con họ rất sáng sủa!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

02
"Đừng lo, chúng ta cứ từ từ"

Chúng ta thường nghe các bậc cha mẹ xung quanh than phiền về việc con cái làm việc trì hoãn và chậm chạp: "Bài tập chỉ cần làm trong nửa tiếng lại kéo dài đến một, hai tiếng, cứ dạy bài là đầu muốn nổ tung!"; "Cứ bắt đầu việc quan trọng là con lại phải đi vệ sinh, uống nước, chỉ chực chờ để bật chế độ la hét"; "Làm việc gì cũng phải nhắc ba bốn lần, con không vui mà người lớn cũng mệt mỏi, bực bội";...

Thực ra, "chậm chạp" là bản tính của mọi đứa trẻ, dù chúng ta có thúc giục, la mắng hay trách phạt, kéo con, đẩy con, thì kết quả cuối cùng cũng chỉ là chúng tiến thêm một chút trong đau đớn và mồ hôi.

Một nhà văn từng kể câu chuyện thế này: Bà mua hoa trên phố, một cậu bé 5 tuổi muốn dùng ruy băng buộc một chiếc nơ bướm lên bó hoa, nhưng thử mãi vẫn không thành công.

Bà cụ bên cạnh không nhịn được mà mắng cậu bé, nhưng nhà văn lại an ủi cậu: "Không sao đâu, từ từ làm, đừng lo lắng". Sau này, trong sách bà viết: "Đúng vậy, tôi sẵn sàng đợi cả đời để cậu bé có thể chậm rãi buộc chiếc nơ bướm đó, với đôi tay của một đứa trẻ 5 tuổi; con ơi, cứ từ từ mà làm".

Trưởng thành vốn dĩ là một quá trình thử sai liên tục. Nuôi dạy con cái, cha mẹ cần chậm rãi hơn, kiên nhẫn hơn, nhẹ nhàng vun đắp và dịu dàng thấm nhuần. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sự kiên nhẫn sẽ đứng vững hơn, đi xa hơn, biết kiên trì và cũng biết gánh vác trách nhiệm.

03
"Chúng ta cùng ngồi xuống và trò chuyện"

Trong nhiều gia đình, ngoài việc học hành, cha mẹ và con cái dường như chẳng còn gì để nói với nhau.

Trong bộ phim có tên Vạn Tiễn Xuyên Tâm của Trung Quốc, cậu con trai nói với mẹ: "Từ nhỏ đến lớn, ngoài câu: "Con làm bài tập xong chưa?", mẹ có bao giờ nói điều gì khác không?".

Đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều đứa trẻ không muốn giao tiếp với cha mẹ và dần dần xa cách họ. Vì chúng không cảm nhận được bất kỳ tình yêu thương và quan tâm nào từ phía cha mẹ.

Chỉ khi cha mẹ thường xuyên trò chuyện với con, họ mới hiểu rõ hơn tình hình hiện tại của con và biết được con có gặp phải vấn đề gì hay không, từ đó có thể giúp con giải quyết.

Trẻ có thể cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ thông qua những cuộc trò chuyện "vô thưởng vô phạt" như vậy. Điều này giúp tăng cường sự gắn kết cảm xúc giữa cha mẹ và con, xây dựng một mối quan hệ gắn bó thân thiết. Giúp con biết rằng, chúng được yêu thương và quan tâm, từ đó hình thành cảm giác hạnh phúc và đủ đầy từ bên trong.

04
"Ba mẹ tin tưởng con"

Có một video như sau: Một cậu bé 3 tuổi đang tập nhảy xa, nhưng sau vài lần cố gắng mà không nhảy qua được. Sau đó, cậu bé trở nên do dự, không dám nhảy tiếp.

Lúc này, người cha đứng bên cạnh chìa tay ra và nghiêm túc nói với con: "Đừng sợ, nhảy đi, ba tin con, ba sẽ bảo vệ con". Cậu bé nghe lời cha, sau khi đắn đo, cuối cùng đã lấy hết can đảm và nhảy qua được. Đây chính là sức mạnh của sự tin tưởng.

Trong tâm lý học có một hiệu ứng nổi tiếng gọi là "Hiệu ứng Pygmalion", có nghĩa là con người sẽ vô thức tiếp nhận ảnh hưởng và ám thị từ những người xung quanh.

Đối với trẻ em, người đó chính là cha mẹ. Vì vậy, khi trẻ muốn học một kỹ năng mới, hãy nói với trẻ: "Ba mẹ tin con có thể làm tốt". Khi trẻ đối mặt với thất bại và muốn từ bỏ, hãy nói với trẻ: "Ba mẹ tin con, con chắc chắn làm được".

Cha mẹ thường xuyên nói với con "Ba mẹ tin con" sẽ tạo ra một ám thị tâm lý mạnh mẽ cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy "Mình có thể", từ đó ngày càng tự tin và mạnh mẽ hơn.

05
"Con làm rất tốt!"

Một cư dân mạng kể rằng từ nhỏ đến lớn, cô ấy nghe cha mẹ nói nhiều nhất là: "Con là lợn à?"; "Nhìn cái bộ dạng xấu hổ của con xem, lớn lên làm được gì?"; "Con có thể chú tâm hơn được không",...

Bị chê bai suốt như vậy, cô thực sự cảm thấy mình vô dụng, không làm được việc gì tốt cả. Nhà tâm lý học Susan Forward có một câu nói nổi tiếng: "Tác động của những lời chỉ trích từ cha mẹ không chỉ có hiệu quả tại thời điểm đó. Nó kéo dài qua năm tháng, giống như một chiếc kim nhọn đâm sâu vào trái tim của con cái".

Khao khát được khen ngợi là bản tính của con người, và trẻ em càng không ngoại lệ. Sự trân trọng và động viên của cha mẹ sẽ mang lại cho con cảm giác thành tựu, từ đó giúp con có dũng khí tiến về phía trước.

06
"Không sao đâu"

Trong bộ phim hot thời gian gần đây "Câu chuyện Hoa Hồng", có một cảnh như sau: Một lần, cô con gái 3 tuổi của Hoa Hồng, bé Tiểu Sơ, vô tình làm đổ sữa lên người. Phản ứng đầu tiên của Hoa Hồng không phải là trách mắng, mà nhẹ nhàng nói: "Không sao đâu, lần trước mẹ đã dạy con cách dọn dẹp rồi, nào, chúng ta cùng nhau dọn dẹp nhé".

Nói xong, Hoa Hồng vặn vòi nước, còn Tiểu Sơ thì vui vẻ bắt đầu lau vết bẩn trên quần áo. Nhiều người đã cảm thán rằng, Hoa Hồng thực sự đã nuôi dạy con gái rất tốt.

Nhưng trong cuộc sống, nhiều đứa trẻ khi phạm lỗi lại thường nhận được sự trách mắng của cha mẹ. Một số cư dân mạng chia sẻ:

"Nhớ có lần chơi với bạn, không cẩn thận đập đầu vào tường, sau đó cha đến không an ủi mà mắng mình trước, thật sự rất buồn...".

"Hồi nhỏ, chỉ cần làm rơi thức ăn xuống đất là bị mẹ mắng té tát, khiến mình lớn lên chỉ cần phạm một chút sai lầm nhỏ cũng căng thẳng đến mức buồn nôn".

Hãy biết rằng, quá trình trưởng thành của trẻ chính là quá trình phạm lỗi, sửa lỗi, rồi dần dần hoàn thiện bản thân.

Khi trẻ phạm lỗi, thay vì la hét, mắng mỏ và đổ thêm dầu vào lửa, hãy ngồi xuống và ôm con: "Không sao đâu, mẹ hiểu con". Câu nói "Không sao đâu" của bạn không phải là nuông chiều, mà là sự thấu hiểu và quan tâm, sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và yêu thương tràn đầy.

07
"Mẹ yêu con rất nhiều"

Trong cuốn sách Đoán xem con yêu mẹ bao nhiêu, chú thỏ con và thỏ mẹ có một cuộc tranh luận đặc biệt trước khi đi ngủ, đó là ai yêu ai nhiều hơn.

Chú thỏ con mỗi lần đều rất nghiêm túc nói với thỏ mẹ: "Con yêu mẹ rất nhiều," nhưng thỏ mẹ mỗi lần đều có câu trả lời nhiều hơn chú thỏ con. Cuối cùng, thỏ mẹ nói: "Mẹ yêu con, từ đây đến mặt trăng và quay trở lại". Biết bao nhiêu đứa trẻ mong muốn được nghe những lời tỏ bày chân thành như vậy từ cha mẹ.

Nhà tâm lý học Jeffrey Bernstein từng nói: "Chỉ có tình yêu thôi là chưa đủ, nếu không bày tỏ ra thì con cái sẽ không cảm nhận được tình yêu của bạn".

Mọi bậc cha mẹ đều yêu thương con mình, nhưng tình yêu cần được thể hiện, tình yêu nói ra sẽ dễ dàng được "thấy" hơn.

Khi con gặp khó khăn, hãy nói với con: "Đừng sợ, chúng ta yêu con, chúng ta luôn ở phía sau con!". Khi con phạm lỗi, cha mẹ cần kịp thời nói: "Mẹ yêu con, nhưng sai là sai, chúng ta cùng sửa sai nhé". Khi con thành công, hãy nói: "Ba mẹ yêu con, chúng ta tự hào về con".

Cha mẹ xây dựng mối liên kết thân mật với con, để con cảm nhận được dòng chảy tình yêu không ngừng, đó chính là cốt lõi giúp con hình thành cảm giác thuộc về và giá trị bản thân.

Việc bày tỏ tình yêu sẽ làm tâm hồn trẻ thêm vững chắc, ấm áp, và giúp trẻ có đủ tự tin để làm mọi việc.

Montessori từng nói, những gì chúng ta làm cho trẻ đều sẽ đơm hoa kết trái, không chỉ ảnh hưởng đến cả cuộc đời trẻ mà còn quyết định cuộc đời của trẻ.

Trẻ tự tin hay tự ti, dũng cảm hay nhút nhát, giàu có hay nghèo nàn về mặt tinh thần, tất cả đều nằm ở lời nói và hành động hàng ngày của cha mẹ.

Cha mẹ hãy nuôi dưỡng con bằng sự động viên và tin tưởng, để xây dựng cho con một thế giới đầy ắp yêu thương và bao dung. Dù có bình thường, trẻ cũng có thể dũng cảm tiến lên, hướng về phía trước trong hành trình cuộc đời mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày