Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 14:30 07/09/2016

Khi năm học mới bắt đầu, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Trung Quốc không những chào đón lứa tân sinh viên mới nhập trường, mà còn chào đón cả cha mẹ các em.

Một năm học mới lại bắt đầu. Phía sau không khí tưng bừng, rộn rã của buổi tựu trường hôm ấy, là biết bao hy vọng, trông mong, và cả lo lắng của cha mẹ dành cho những đứa con của mình. Giống như hàng trăm quốc gia khác trên thế giới này, đặc biệt là những nước Á Đông, ở Trung Quốc, mỗi một mùa tựu trường không chỉ là ngày hội của các em học sinh, mà còn là ngày hội của các bậc phụ huynh.

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến nền dân chủ tuyệt vời ở các nước phương Tây. Khi con trẻ vừa đủ 18 tuổi, các em có quyền tự quyết định cho tương lai của mình, các em có nhiều sự lựa chọn khác nhau, không nhất thiết phải học đại học hay cao đẳng. Và bố mẹ các em thì hoàn toàn tin tưởng cũng như ủng hộ con cái mình. Đây là điều khó có thể xảy ra trong xã hội Trung Quốc nói riêng, và một số các nước Châu Á nói chung (trong đó có Việt Nam). Bởi người Á Đông quan niệm, chỉ có học đại học mới có thể thành công. Kì thi cao khảo ở Trung Quốc diễn ra vô cùng khốc liệt, ai ai cũng cố gắng giành được một suất trở thành sinh viên của các trường đại học, cao đẳng danh tiếng của cả nước. Những ngày diễn ra kì thi, không chỉ học sinh mà cả cha mẹ các em cũng lo lắng, hy vọng không kém, đôi khi còn có phần hơn. Khi con em mình đỗ cao khảo, các bậc phụ huynh lại tất bật đưa con đi nhập trường.

Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc - Ảnh 1.

Không chỉ sát sao việc đưa con đi thi, các bậc phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng xin nghỉ làm để đưa con đi nhập học.

Có lẽ không ở đâu trên thế giới, lại có hình ảnh những chiếc lều nhiều màu sắc đặt ở bên ngoài ký túc xá sinh viên mỗi mùa tựu trường như ở Trung Quốc. Các trường đại học, cao đẳng phải dựng tạm những chiếc lều đó để cho phụ huynh ngủ qua đêm khi họ đưa con em mình đến nhập trường. Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra, cho rằng các bậc cha mẹ theo dõi con cái quá sát sao như vậy, sẽ làm thui chột khả năng độc lập, tự chủ của các em, nhưng dường như việc này ngày càng phổ biến hơn ở Trung Quốc.

Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc - Ảnh 2.

Những chiếc lều được dựng lên ở trường đại học Thiên Tân.

Lý do để giải thích cho hành động bao bọc con cái quá kỹ lưỡng như này của phụ huynh Trung Quốc là bởi chính sách mỗi cặp bố mẹ chỉ được phép sinh một con, do đó khi phải nói lời tạm chia xa đứa con duy nhất của mình, các bậc phụ mẫu bao giờ cũng cảm thấy khó khăn vô cùng. Khi đứa con đi học xa nhà, cha mẹ không chỉ đưa đi nhập trường, tự tay sửa soạn phòng ký túc xá mà nhiều người còn sẵn sàng ngủ lại trong những chiếc lều dựng bên ngoài một vài đêm để quen dần với việc xa con.

Cô Eva Zhang, 48 tuổi tâm sự: "Tôi đã lo lắng rất nhiều, tôi cùng cha của Zhang Yan đã xin nghỉ 10 ngày để đưa con đến Thượng Hải." Nhà cô Eva Zhang ở Thiên Tân, họ phải đi mất 11 tiếng bằng xe hơi để đến được Thượng Hải. Đứa con gái Zhang Yan duy nhất của họ chưa từng sống một mình ở ký túc xá bao giờ nên họ rất lo lắng cho em và quyết định xin nghỉ làm để đưa em đi. Việc làm này khiến các bậc phụ mẫu cảm thấy yên tâm và nhẹ nhõm hơn.

Năm nay không phải năm đầu tiên những chiếc lều tình yêu này được dựng lên. Nó đã diễn ra từ 4 năm trước ở đại học Thiên Tân, sau đó các trường khác như đại học Sán Đầu (Quảng Đông), đại học Bách khoa Tây Bắc (Northwestern Polytechnic University)... đã học theo cách làm này.

Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc - Ảnh 3.

Lều ở đại học Thiên Tân.

Đại học Sán Đầu dựng lên tất cả 28 lều từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 29 tháng 8 vừa qua. Cha mẹ tân sinh viên được ở lại miễn phí, một số người còn chia sẻ căn lều với những phụ huynh khác do số lượng lều rất hạn chế mà số cha mẹ đưa con đi rất đông. Họ ở trong lều do nhà trường cung cấp, nước sinh hoạt thì lấy ở những vòi nước trong phòng tập thể dục.

Huang Zonghai đỗ khoa kỹ thuật của trường đại học Sán Đầu, em là con một trong gia đình vì thế cha em, ông Huang Yiming đã đưa em đi nhập trường. Ông Huang Yiming đã ngủ lại một đêm ngày 28 cùng với một vị phụ huynh khác, chia sẻ rằng "trong lều rất thoải mái, có thảm và điều hoà, tuy nhiên không có gối đầu. Thế nhưng được ở gần con trong một đêm cuối cùng như thế tôi thấy cũng rất tốt rồi." Người cha này cũng nói thêm rằng, bởi vì rất khó có thể tìm thấy một khách sạn giá cả phải chăng, thuận tiện ngay gần trường học vì rất nhiều phụ huynh khác đã thuê được những chỗ đó rồi, nên ở trong lều do nhà trường dựng lên rất tốt. Ông Huang phải xin nghỉ 2 ngày không lương ở nhà máy hoá chất nơi ông làm việc, và đi xe bus từ Quảng Châu tới Sán Đầu để đưa con nhập học.

Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc - Ảnh 4.

Lều ở đại học Sán Đầu.

Với nhiều gia đình khó khăn, việc nhà trường hỗ trợ dựng lên những căn lều miễn phí như này vô cùng có ý nghĩa. Việc đi lại từ thành phố này đến thành phố kia đã tốn của họ rất nhiều chi phí, chưa kể đến các khoản thu đầu năm mới nhập trường nên những chiếc lều tình yêu miễn phí đã gánh đỡ cho họ phần nào tiền của. Lúc đầu cha mẹ tân sinh viên được sắp xếp ở trong các phòng học có bàn ghế và máy lạnh nhưng sau đó nhà trường đã xem xét và dựng lên những chiếc lều có thảm để họ ngủ được ngon hơn.

Về phía những đứa con, tất cả bọn họ đều vui mừng vì cha mẹ vẫn ở bên mình 1-2 đêm trước khi thực sự chia xa. Yvonne Wong, 22 tuổi, đã học ở trường đại học Hoa Nam 4 năm trước và giờ đây đang chuẩn bị học tiếp lên thạc sĩ ở Hongkong tâm sự rằng "có mẹ đi cùng thật tuyệt vời vì nhiều thứ không thể tự mình làm hết được, hơn nữa cũng muốn dẫn mẹ đi tham quan trường học vì điều đấy rất đáng tự hào."

Những căn lều tình yêu hay sự bao bọc con cái quá mức của các bậc phụ huynh Trung Quốc - Ảnh 5.

Việc nhà trường cung cấp nơi ở miễn phí rất có ý nghĩa với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cá biệt có những trường hợp tân sinh viên được cả cô dì chú bác đưa đến nhập trường. Truyền thông Trung Quốc đã từng tá hoả vào năm ngoái khi một tân sinh viên ở trường đại học An Huy được 14 thành viên trong gia đình "hộ tống".

Không chỉ dừng lại ở việc đưa đi nhập học, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng đến thăm con vào kỳ nghỉ cuối tuần, và dọn dẹp phòng ký túc xá cho con. Họ cũng liên lạc thường xuyên qua điện thoại, tin nhắn hay email. Ngày nào mẹ của Chen Tingtao (đại học Quảng Đông) cũng phải nhắn tin 4 lần 1 ngày để hỏi xem em ăn uống như thế nào. Mẹ em nói phải quan tâm Chen như này ít nhất 1 học kỳ.